Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) thời gian qua đã chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách quản lý rừng, đất rừng. Để các cuộc kiểm toán này đạt hiệu quả cao hơn thời gian tới, KTNN cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng quy trình kiểm toán riêng, đặc biệt là đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá tác động của các chính sách, chương trình/dự án liên quan đến rừng, đất rừng.
KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng và có những kiến nghị quan trọng đối với vấn đề này.
Tài nguyên rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với khí quyển, đất đai, mùa màng, cung cấp các nguồn gen động thực vật quý hiếm cùng nhiều lợi ích khác. Do vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nhận thức được vai trò quan trọng này, KTNN đã thực hiện một số cuộc kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng lồng ghép vào các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương hoặc kiểm toán công tác sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp.
Kiểm toán việc quản lý rừng vẫn còn những khó khăn
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hồng Việt và Đào Thị Thu Trang (KTNN khu vực VIII), kết quả kiểm toán thời gian qua đã đánh giá chính xác hoạt động quản lý của các cấp chính quyền và chỉ ra không ít hạn chế, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý rừng, đất rừng tại các địa phương. Nổi bật như, tại tỉnh Lâm Đồng, Đoàn kiểm toán phát hiện 82,91ha rừng bị phá, tăng 25,53ha so với số liệu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo (2019). Điều này cho thấy sự lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, quản lý rừng của địa phương, làm suy thoái tài nguyên rừng.
Khi giao đất rừng, nhiều địa phương không đo đạc, cắm mốc giới cụ thể. Tình trạng người dân tự chuyển nhượng giá trị tài sản trên đất, đất được giao khoán và mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật diễn biến phức tạp. Một số chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị ở những địa bàn trọng điểm chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, không quyết liệt khi triển khai chỉ đạo của cấp trên trong việc quản lý rừng, đất rừng, dẫn đến tình trạng mất rừng, mất đất rừng.
Mặc dù KTNN đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng và có những kiến nghị quan trọng đối với vấn đề này nhưng đây là lĩnh vực đặc thù, đoàn kiểm toán và các kiểm toán viên rất khó để tiến hành thực địa cũng như phát hiện kịp thời các sai phạm tiềm ẩn. Trong khi đó, hiện nay, Luật Đất đai năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Lâm nghiệp năm 2017 chưa quy định đầy đủ và toàn diện về vai trò của KTNN trong công tác quản lý rừng, đất rừng. Các quy định về việc kiểm toán, kiểm tra, đối chiếu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quản lý rừng, đất rừng vẫn chưa đầy đủ dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi thực hiện kiểm toán.
Ngoài ra, các kiểm toán viên cũng gặp những vướng mắc trong quá trình kiểm toán bởi công tác kiểm toán việc quản lý rừng, đất rừng chưa có quy trình, hệ thống mẫu biểu riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán lĩnh vực này chưa được hoàn thiện nên kiểm toán viên chưa có những công cụ hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt là các phần mềm về quản lý rừng, đất đai.
Chú trọng kiểm toán chuyên sâu, kiểm toán hoạt động
Để tạo thuận lợi cho các cuộc kiểm toán việc quản lý rừng, đất rừng, trước tiên, cơ sở pháp lý về vấn đề này cần được hoàn thiện, đồng bộ và quy định cụ thể trong Luật KTNN, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan khác. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc Chính phủ liên quan, các tổ chức bảo vệ môi trường, các hội nghề nghiệp…
Về phía KTNN, cần nghiên cứu để xây dựng quy trình kiểm toán riêng đối với công tác quản lý rừng, đất rừng cùng hệ thống mẫu biểu hồ sơ gắn với tính đặc thù của cuộc kiểm toán. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đẩy mạnh loại hình kiểm toán hoạt động nhằm đánh giá (hoặc xác nhận) tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý rừng, đất rừng.
KTNN các khu vực cần nghiên cứu đổi mới tổ chức đoàn kiểm toán công tác quản lý rừng và đất rừng theo hướng thành lập tổ/nhóm kiểm toán chuyên sâu với nhân sự là những kiểm toán viên có hiểu biết, kinh nghiệm về kiểm toán nói chung và am hiểu luật pháp, quy định liên quan đến quản lý rừng, đất rừng. Trường hợp cần thiết, KTNN có thể mời thêm chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực này để đưa ra những đánh giá đúng đắn và khách quan.
Với định hướng đẩy mạnh kiểm toán môi trường, KTNN có thể tổ chức kiểm toán Chuyên đề quản lý rừng, đất rừng trên quy mô rộng, có sự phối hợp giữa các KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực. Đồng thời, nâng cao cả về lượng và chất đội ngũ kiểm toán viên tham gia kiểm toán quản lý rừng, đất rừng.
Theo nhóm tác giả, việc nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý rừng, đất rừng cần có lộ trình cụ thể. Thời gian đầu, KTNN nên bắt đầu với loại hình kiểm toán tuân thủ khi kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn tài chính dành cho phát triển rừng, đất rừng, đi sâu vào phân tích tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực của các công trình, dự án sử dụng nguồn tài chính. Khi có đủ kinh nghiệm, kỹ năng và các nguồn lực cần thiết như máy móc, thiết bị, công nghệ… KTNN cần đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc kiểm toán hoạt động, chú trọng đánh giá tác động của các chính sách, chương trình liên quan để kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về rừng, đất rừng./.
Theo Báo Kiểm toán