Tham dự Phiên họp có Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hoàng Điệp, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Kiểm toán nhà nước.
Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6 năm 2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu rõ, cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Ba và cho rằng Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thể hiện ở chất lượng, nội dung của Kỳ họp; thể hiện rõ sự đổi mới trong xây dựng một Quốc hội “Trí tuệ - Đoàn kết - Đổi mới - Trách nhiệm”, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do đại dịch Covid -19. Cử tri đặc biệt quan tâm theo dõi và đánh giá cao hoạt động chất vấn của Quốc hội về 04 nhóm vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân và phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Qua chất vấn, Chính phủ và thành viên của Chính phủ đã giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Cử tri hết sức tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời quan tâm và đánh giá cao việc Quốc hội, UBTVQH thực hiện 04 chuyên đề giám sát trong năm 2023 và mong muốn thông qua hoạt động giám sát sẽ có những đánh giá khách quan, toàn diện hơn về lĩnh vực có liên quan đến nội dung giám sát; xác định điểm nghẽn về thể chế cũng như việc tổ chức thực hiện để đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước.
Thảo luận về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6 năm 2022, UBTVQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao Báo cáo và cho rằng, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6 có bố cục rõ ràng hơn, cơ bản chất lượng tốt, công tác dân nguyện ngày càng đi vào nề nếp.
Cho ý kiến về nội dung này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, đồng thời cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2022, Báo cáo có thể chia thành 2 ý chính: Tình hình khiếu nại, tố cáo tháng 5 và tháng 6; tình hình khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm. Do vậy, đề nghị Báo cáo cần bổ sung thêm về tình hình khiếu nại, tố cáo tháng 5 và tháng 6 có xu hướng như thế nào, tăng hay giảm so với tháng trước và nhận định bức tranh chung, những điều cần lưu ý tình hình khiếu nại, tố cáo trong 6 tháng đầu năm để cung cấp các thông tin cho UBTVQH và các cơ quan liên quan đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn.
Về phần kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhận thấy, Báo cáo mới chỉ đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giám sát việc giải quyết khiếu nại, chưa đánh giá được kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần bổ sung nội dung này, nêu lên được những khó khăn trong việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri để từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng công tác này.
Liên quan đến phần nội dung cụ thể và kiến nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh mong muốn Báo cáo nêu lên được những kết quả cụ thể, chuyển biến đến đâu, như thế nào về các nội dung nêu trên. Về những vụ việc cụ thể, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, Ban Dân nguyện theo dõi, đôn đốc thì cần làm rõ thêm những vụ việc nào xử lý dứt điểm, tiến triển của từng vụ việc đến đâu, chuyển biến của vụ việc thế nào, có đi đúng hướng không và có cần kiến nghị gì nữa không? Nếu không thì sẽ chưa phản ánh được hết công sức của UBTVQH và Ban Dân nguyện trong công tác này.
Góp ý về tình hình kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với đánh giá kiến nghị của cử tri nêu trong Báo cáo, tập trung nhiều vào vấn đề giá cả các mặt hàng tăng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung thêm kiến nghị là cử tri lo lắng, băn khoăn tình trạng các cán bộ, nhân viên y tế bỏ việc ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư.
Cho rằng thời gian qua xuất hiện quảng cáo các loại thuốc tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là quảng cáo vào các giờ vàng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị chấn chỉnh vấn đề này.
Đồng tình với quan điểm của Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh về công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Báo cáo cần có sự so sánh giữa các thời kỳ để biết được các tháng tiếp theo có sự chuyển biến như thế nào, có so sánh đánh giá thời gian vừa qua. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần có phần mềm quốc gia về xử lý đơn thư. Được biết, thời gian qua, đơn trùng lặp rất nhiều, có đơn tháng nào cũng gửi, do vậy cần có phần mềm xử lý để biết các vụ việc giải quyết đến đâu, cơ quan nào đã xử lý, từ đó loại bớt các đơn thư trùng lặp.
Cho ý kiến vào Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cơ bản Báo cáo chất lượng tốt, về kết cấu, báo cáo tập trung vào công tác dân nguyện tháng 5 và tháng 6, có phần nhìn lại 6 tháng năm 2022. Tuy nhiên cần đánh giá những gì có chuyển biến tích cực, chuyển biến bước đầu, cái gì chưa chuyển biến, nằm ở đâu, khối nào để kịp thời có kiến nghị, đề xuất cụ thể.
Trên cơ sở Báo cáo này và ý kiến của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện thêm để có báo cáo công tác dân nguyện chính thức gửi cho Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh thành, các vị ĐBQH.
Thực tế hiện nay, dư luận nổi lên nhiều vấn đề, cử tri lo lắng vấn đề liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc cũng nhiều. Chính phủ đã có phản ứng tức thời và quyết liệt đối với các vấn đề này. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo dân nguyện nên có kiến nghị, đề xuất là ngoài chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, không chỉ riêng Báo cáo này, các vấn đề nổi lên thì nên như nào để tháng 10 năm nay Quốc hội họp tại kỳ họp thứ 4 có báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội. Nếu không vào cuộc từ sớm thì sẽ không có đầy đủ dữ liệu cho Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội thẩm định một cách chính xác. Nên chăng có thêm kiến nghị đối với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội.
Đối với các Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, ngoài các Bộ, ngành nắm được nội dung Báo cáo này thì địa phương có cần nắm được nội dung này không? Theo Chủ tịch Quốc hội, Báo cáo này nên kiến nghị các Đoàn ĐBQH và HĐND các cấp nắm được tình hình để kịp thời có giám sát. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ tình trạng mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, ngoài trách nhiệm của các cơ quan điều hành thì có trách nhiệm của cơ quan giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Đoàn ĐBQH cũng nên vào cuộc nội dung này, và nên có báo cáo cho UBTVQH nắm được tổng quan tình hình.
Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các nội dung mà Ban Dân nguyện nêu lên trong Báo cáo rất đầy đủ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Báo cáo nên có trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội. Chất lượng kỳ họp ngày càng sát với thực tiễn, kể cả vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp. “Nên chăng cần phải thu thập hồ sơ các vụ việc phức tạp, kéo dài, cái nào giải quyết được ngay, cái gì tập trung giải quyết, cái nào sau này phải đưa vào Nghị quyết Quốc hội giám sát tối cao để kiểm đếm, thống kê, tiếp tục phân tách ra, cái nào đưa vào diện báo cáo UNTVQH định kỳ để xử lý”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên bổ sung các nội dung này, hoàn thiện báo cáo kịp thời gửi đến cho Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các cơ quan trực tiếp làm việc này như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Công an, các Bộ, ngành, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và cho các vị đại biểu Quốc hội, có những ý kiến nghị rất cụ thể, rõ ràng.
Cũng tại Phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giải trình, làm rõ một vấn đề đại biểu nêu và cho biết, sau khi nghe báo cáo của Ban Dân nguyện cơ bản rất nhất trí, đặc biệt trong mảng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm nêu rõ, trong tháng 5, tháng 6 công tác tiếp dân tại trụ sở Tiếp dân trung ương làm rất tốt, đặc biệt trong tháng 6, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Tháng 6, số lượt người, số vụ việc và số đoàn đông người tăng so với những tháng trước, đặc biệt là so với tháng 5.
Đối với các việc cụ thể mà Báo cáo của Ban Dân nguyện đã nêu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng, nếu đưa ra những vụ việc cụ thể mà sau một tháng lại có những báo cáo để chấm dứt được thì rất khó vì những vụ việc Ban Dân nguyện đã đưa vào theo dõi thì rất phức tạp, khó khăn, đã được giải quyết nhiều lần. “Có chăng thì báo cáo của Ban Dân nguyện là tiến độ những vụ việc đã giải quyết được đến đâu, đang nằm ở cơ quan nào và giải quyết như thế nào. Quá trình giải quyết của Thanh tra Chính phủ thì những vụ việc phức tạp kéo dài không thể 1 tháng mà giải quyết ngay được, có khi 5, 6 năm, 7, 8 năm vẫn chưa giải quyết được” - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm giải thích thêm.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, Ban Dân nguyện theo dõi thì theo tiến độ từng tháng những vụ việc, nội dung này đã nằm ở đâu và đã được giải quyết như thế nào, Ban Dân nguyện đôn đốc được như thế thì chắc chắn hiệu quả công tác giải quyết sẽ nhanh hơn.
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Thanh tra Chính phủ tham mưu cho Chính phủ đã xong, chỉ chờ Chính phủ ký. Chắc chắn trong tháng này thì Nghị định về cơ sở dữ liệu giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ xong. Trên cơ sở có Nghị định đó mới triển khai đồng bộ, từ đó mới nắm được từ các tỉnh, các bộ, ngành đã giải quyết vụ nào, giải quyết chưa, hết thẩm quyền chưa, có trùng hay không.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đánh giá cao về nội dung báo cáo, bố cục và chất lượng báo cáo so với những lần trước rất rõ ràng, rành mạch và cụ thể hơn. Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, một số vấn đề mà cử tri quan tâm, trong báo cáo cũng đã đề cập tới. Bộ Công an đã nhận được 61 kiến nghị của cử tri do các cơ quan Bộ gửi đến. Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cho biết, Bộ Công an tiếp thu và thực hiện rất đúng quy trình, trả lời theo đúng quy định và không có gì vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng giải trình, làm rõ nội dung kiến nghị của cử tri về quản lý và xử lý tin xấu, độc có liên quan đến không gian mạng, về tăng cường phát hiện và xử lý những vi phạm về an toàn giao thông, về việc tăng cường đẩy nhanh tiến độ trả căn cước công dân.
Phát biểu tại Phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đồng chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí tham gia ý kiến. Ban Dân nguyện sẽ theo dõi tiến độ những vụ việc và có thể đôn đốc, nhắc nhở. Còn lại những vụ việc phức tạp, qua giám sát, Ban Dân nguyện nhận thấy địa phương rất tích cực. Do vụ việc phức tạp, kéo dài, ý kiến cũng có thể khác nhau, cho nên khi địa phương giải quyết hết thẩm quyền nhưng dân ta vẫn chưa đồng tình. Những vụ việc này muốn ổn định, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, cần phải lọc ra và phải có những giải pháp, kiến nghị cụ thể, nên có một lộ trình chấm dứt.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Báo cáo công tác dân nguyện tháng 5, tháng 6 của Quốc hội đã được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các cơ quan Quốc hội, của UBTVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội và sự phối hợp, cung cấp thông tin của một số cơ quan Trung ương, như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an. Kết quả một số hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH cũng đã được cập nhật trong báo cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, tại phiên họp đã có 4 ý kiến của UBTVQH, 2 ý kiến của đại diện cơ quan dự họp, đặc biệt là ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên UBTVQH về các nội dung trong báo cáo, ý kiến giải trình, báo cáo bổ sung của các ngành và ý kiến của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo của UBTVQH và xin ý kiến lại trước khi phát hành, cụ thể một số vấn đề như sau:
UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo công tác dân nguyện tháng 5, tháng 6 do Ban Dân nguyện chuẩn bị. Báo cáo đã khái quát, tổng hợp cơ bản về hoạt động dân nguyện của Quốc hội, cung cấp thông tin đánh giá, nhận định tình hình và triển khai công tác dân nguyện thuộc trách nhiệm của các cơ quan.
Báo cáo cũng đã phản ánh đánh giá của cử tri và nhân dân về kỳ họp thứ 3, sự thành công của kỳ họp và sự tin tưởng của nhân dân vào hoạt động của Quốc hội, tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước; tiếp tục nêu vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm, băn khoăn, lo lắng, nhất là tình trạng giá xăng dầu vẫn ở mức cao đã kéo theo nhiều giá dịch vụ hàng hóa khác tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đồng thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết.
Báo cáo cũng nêu tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của công dân, của các cơ quan Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; việc thực hiện kiến nghị của UBTVQH tại Báo cáo công tác dân nguyện kỳ trước, hoạt động giám sát và đề xuất theo dõi, giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài; tình hình kế hoạch của Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH.
UBTVQH đánh giá Báo cáo công tác dân nguyện đã vào nề nếp hàng tháng. Tuy nhiên, qua tổng hợp của Ban Dân nguyện, một số cơ quan Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội gửi báo cáo còn chậm. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị các cơ quan Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội lưu ý về thời gian để bảo đảm Báo cáo công tác dân nguyện đúng thời hạn, tổng hợp báo cáo với UBTVQH vào các phiên họp, bắt đầu từ ngày 10 hàng tháng. Đồng thời đề nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh tiếp tục theo dõi, bám sát và nắm bắt kịp thời tình hình tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn, để kịp thời gửi báo cáo đến Quốc hội và những vụ việc đã được các cơ quan quan tâm giải quyết.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và UBND các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, căn cứ nội dung báo cáo về những vấn đề có liên quan để khẩn trương xem xét, chỉ đạo và giải quyết theo thẩm quyền. Ban Dân nguyện tiếp tục khẩn trương giúp Đoàn giám sát chuyên đề hoàn thiện báo cáo và chuẩn bị làm việc với một số Bộ, ngành, địa phương để Bộ, ngành bổ sung và chuẩn bị làm việc với Chính phủ và hoàn thiện báo cáo để gửi UBTVQH. Trong đó có báo cáo bổ sung thêm tình hình cán bộ y tế bỏ việc, xin ra ngoài, tình trạng quảng cáo tràn lan...
Về đánh giá kết quả khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kiến nghị cần có so sánh với thời kỳ trước, nhìn lại 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và 1 năm theo các định kỳ, đánh giá cái gì có chuyển biến thật sự, cái gì chuyển biến bước đầu và cái gì chưa chuyển biến. Đối với các vụ việc cụ thể đã được UBTVQH cho ý kiến thì báo cáo tiến độ, cái nào đã chấm dứt, cái nào chưa, cái nào đang ở đâu để tiếp tục theo dõi tiến độ và đôn đốc.
Bổ sung kết quả những nội dung mà UBTVQH giao cho các cơ quan Quốc hội và kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành xử lý trong kỳ trước và tháng trước kết quả đến đâu, tiến độ ra sao, rồi bổ sung thêm kiến nghị với Chính phủ, đó là hướng dẫn triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần phải có hướng dẫn một cách cụ thể để triển khai xây dựng cách đồng bộ.
Bổ sung kiến nghị đối với UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần phải triển khai những vấn đề gì, trên cơ sở báo cáo tình hình công tác dân nguyện và những vấn đề nổi lên về kinh tế - xã hội từng thời kỳ, nhất là 6 tháng đầu năm 2022, cộng với trên cơ sở báo cáo các cơ quan khác.
Đối với vấn đề xây dựng phần mềm xử lý đơn thư, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nội dung này đang triển khai ráo riết và sau này được kết hợp trong phần mềm dữ liệu xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Chính phủ, các cơ quan Quốc hội và các địa phương trên cơ sở phần mềm chung. Trong kiến nghị của Đoàn giám sát tới đây sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng phần mềm quốc gia này.
Để bảo đảm thống nhất về thời gian và nội dung giữa báo cáo công tác dân nguyện và thông báo kết luận của UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị khi chuẩn bị báo cáo này để xin ý kiến UBTVQH, Ban Dân nguyện cần soạn thảo luôn thông báo kết luận gửi kèm./.
Hà Linh