Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ

01/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 30/6/2022, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022, đánh giá công tác PCTN,TC thời gian qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban chỉ đạo) cùng các Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đồng chủ trì hội nghị

Dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các, Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN,TC...

Dự Hội nghị có lãnh đạo chủ chốt các Bộ, ban, ngành Trung ương và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước. Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 Bộ, ban, ngành Trung ương, gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa ánh Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước (KTNN), Bộ Tư pháp.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dự Hội nghị tại Hội trường Trụ sở Trung ương Đảng. Tại điểm cầu KTNN có: Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN có trụ sở tại Hà Nội; đại diện Lãnh đạo đơn vị có chức năng tổng hợp và PCTN,TC...

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường

Báo cáo do đồng chí Phan Đình Trạc – Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày tại Hội nghị nêu rõ: Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, công tác PCTN,TC được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đạt được trong công tác PCTN,TC thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về PCTN,TC, nhất là chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Một trong những kết quả nổi bật, đó là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật có sơ hở, bất cập. Đặc biệt, từ sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo ban hành cơ chế chỉ đạo phối hợp phát hiện, xử lý các sai phạm qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, các cơ quan chức năng đã chuyển đến cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trước khi ban hành kết luận kiểm tra, thanh tra (tăng hơn 3 lần so với các năm trước).

Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ án, 33.868 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ án và 5.841 bị can. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ, việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, cả khu vực công và khu vực tư, đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi. Xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ sai phạm liên quan các vụ án, trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.

Để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN,TC; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế-xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.

Dưới sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hoạt động của Ban Chỉ đạo có nhiều đổi mới, nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt và hiệu quả. Vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả và không chịu tác động không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; vừa chọn những khâu yếu, việc khó trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngày 16/9/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo cả công tác PCTN,TC.

Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Bí thư đã ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh; các tỉnh ủy, thành ủy đang khẩn trương quyết định thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác PCTN,TC ở địa phương, cơ sở (đến ngày 27/6/2022, đã có 34 tỉnh, thành phố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh).
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu KTNN
 
Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN,TC thời gian qua vẫn còn những hạn chế cơ bản là: Công tác tuyên truyền, giáo dục có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức; Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn hình thức, hiệu quả chưa cao; Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, Bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân trong PCTN,TC chưa cao.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm công tác PCTN,TC thời gian tới, Hội nghị thống nhất: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu trong PCTN,TC; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp, cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai có hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước.

Phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, 10 năm qua công tác đấu tranh PCTN,TC đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân.

Đồng thời, không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước, mà hoàn toàn ngược lại. Chính nhờ làm tốt công tác này đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị. Đặc biệt góp phần bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh".

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng Bí thư, phải thẳng thắn thừa nhận công tác PCTN,TC vẫn còn những hạn chế, tồn tại, như một số Bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp... Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ.

Từ thực tiễn đấu tranh PCTN,TC ở nước ta thời gian qua, Tổng Bí thư chỉ rõ có thể rút ra nhiều bài học. Trong đó, tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. PCTN,TC là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, phải xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực Nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương. Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng. "Nhiều lần tôi nói rồi. Ai ở trong cơ quan phòng chống tham nhũng vi phạm, tôi xử lý trước. Tôi ở đây không phải là cá nhân tôi mà là cơ chế, luật pháp làm sao phải xử lý trước. Không được cậy mình có quyền thế này, thế khác, muốn làm gì thì làm, uốn éo thế này thế khác, thẳng uốn thành cong, thích thì làm việc này, không thích thì làm thế khác, lấy lý do nọ kia, che chắn cho nhau. Phải hết sức trong sạch và bản thân mình có trong sạch mới chống được" - Tổng bí thư nhấn mạnh thêm.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Tổng Bí thư chỉ rõ, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. "Cha ông ta đã dạy: "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài; có tài mà cậy chi tài; chữ "tài" liền với chữ "tai" một vần!". Tránh tình trạng "chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người"; "thượng bất chính thì hạ tắc loạn!"; "cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào!" - Tổng Bí thư dẫn chứng./.

Phương Ngọc

Xem thêm »