Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

18/07/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cả về thể chế lẫn tổ chức thực hiện, đặc biệt đối với loại hình doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Mới đây, KTNN đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ"

Hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ không phải là DN nhà nước (DNNN) mà là Công ty cổ phần/Công ty TNHH hai thành viên trở lên có ít nhất một cổ đông/thành viên là đại diện nắm giữ phần vốn Nhà nước tại DN và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp về Công ty cổ phần.
 
Do đó Nhà nước đã và đang có quy định về công tác quản lý phần vốn Nhà nước tại các DN này theo nguyên tắc không trái với Luật Doanh nghiệp, đồng thời bảo toàn và phát triển phần vốn Nhà nước tại ND. Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nội dung công tác quản lý vốn Nhà nước tại loại hình DN này ít hơn rất nhiều so với nội dung công tác quản lý nói chung, quản lý vốn Nhà nước nói riêng tại DNNN.

Mặc dù Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Ủy ban QLVNN) tại DN có giao cho Ủy ban QLVNN thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với loại hình DN này. Nhưng cơ cấu, tổ chức của Ủy ban QLVNN lại theo tiêu chí ngành sản xuất kinh doanh chứ không theo tiêu chí tài chính tiêu biểu là tỷ trọng phần vốn Nhà nước tại DN như 100%, trên 50% và dưới 50%. Chính vì vậy mà nội dung quản lý phần vốn Nhà nước tại DN chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa quyền quyết định của Ủy ban đối với DN và quyền/trách nhiệm của đại diện phần vốn Nhà nước tại DN, cũng như quan hệ công tác giữa Ủy ban với người đại diện đó. Trong khi đó, chính quyền/trách nhiệm của người đại diện và cơ chế hoạt động giữa Ủy ban với người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN quyết định chất lượng và hiệu quả công tác quản lý phần vốn Nhà nước tại DN. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành quy định quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN tại Nghị định số 159/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
 
Tuy nhiên theo TS. Vũ Đình Ánh, quy định đánh giá, xếp loại người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN trong Nghị định này mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc điểm của DN, vừa khiến cho công tác quản lý vốn có hiệu quả thấp, khi thực tế việc đánh giá người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN khác hẳn với người đại diện phần vốn Nhà nước tại DNNN. Tại DN, người đại diện có thể có, hoặc không có quyền quyết định trong DN phụ thuộc vào tỷ trọng vốn Nhà nước trong mỗi DN, cũng như cơ chế ra quyết định theo Điều lệ của DN. Vì vậy, người đại diện phần vốn Nhà nước có thể có hoặc không có ảnh hưởng gì đến kết quả kinh doanh của DN, do đó họ không có quyền quyết định tại DN.
 
Các nội dung về điều kiện, tiêu chuẩn cử, cử lại cũng như miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN cũng chưa được quy định rõ ràng trong Nghị định 159, đồng thời nặng về quản lý hành chính chứng tỏ người đại diện phần vốn Nhà nước chỉ như một công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, chứ không phải như một nhà DN tại DN. “Như vậy, công tác quản lý phần vốn Nhà nước tại DN thuần túy là quản lý hành chính chứ không phải là quản lý kinh doanh, quản lý tài chính trong nền kinh tế thị trường” – TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.
 
Trao đổi về vấn đề này, PGS,TS.Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, sự thiếu điều chỉnh kịp thời và đồng bộ của pháp luật liên quan đến loại hình DN cũng đã làm nảy sinh tình trạng việc xác định vốn Nhà nước đầu tư tại DN tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau; quy định tại nhiều Luật; chưa có sự thống nhất đồng bộ, thiếu rõ rang… dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thẩm quyền giám sát vốn của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước còn chồng chéo, dẫn đến thiếu khách quan, chưa đồng bộ trong các quy định về thầm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu, khó xác định cơ quan chủ quản và chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
 
Cũng theo TS. Vũ Đình Ánh công tác kiểm tra và giám sát là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý vốn Nhà nước tại DN. Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN - Luật 69/2014/QH13 quy định cụ thể việc giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lênThậm chí, Luật 69/2014/QH13 còn quy định Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN theo quy định, của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm về tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN của năm trước và giữa hai kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ giải trình, trả lời chất vấn những vấn đề về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN.
 
Tuy nhiên, việc giám sát của Quốc hội nói riêng và giám sát nói chung đối với quản lý phần vốn Nhà nước tại DN bị hạn chế rất nhiều do chưa có quy định về thực hiện kiểm toán nhà nước đối với DN nhằm sử dụng kết quả của Kiểm toán nhà nước (KTNN) làm căn cứ đánh giá hiệu quả quản lý vốn của DN, trong đó có phần vốn Nhà nước; đánh giá người đại diện vốn và cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại DN; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, đồng thời góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời thất thoát lãng phí vốn Nhà nước tại DN.
 
Mặc dù Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 đã khẳng định “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán” nên việc chưa quy định rõ về KTNN đối với DN (phần vốn Nhà nước dưới 50%) chính là lỗ hổng trong quản lý vốn Nhà nước tại DN nói riêng, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN nói chung.
 
Đồng quan điểm với TS. Vũ Đình Ánh, Ths. Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra KTNN cho rằng, vai trò của KTNN trong hoạt động quản lý, sử dụng phần vốn Nhà nước vào DN nói chung, các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của DN nói riêng còn chưa được làm rõ và còn nhiều bất cập, kể cả về cơ sở pháp lý quy định cho đối tượng được kiểm toán đối với DNNN và DN có vốn đầu tư của Nhà nước thấp hơn 50% vốn điều lệ trong các quy định hiện hành.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát

Trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý còn khá nhiều bất cập,  nhiều chuyên gia cho rằng, để hạn chế rủi ro pháp lý phát sinh đối với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế luật pháp, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với loại hình DN này.
 
Theo PGS,TS. Trương Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương, cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, minh bạch giữa Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.  Đồng thời tăng cường các giải pháp phòng ngừa thất thoát, lãng phí vốn, tài sản Nhà nước thông qua phát huy vai trò của KTNN. Hoàn thiện các quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, Luật Doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN có vốn đầu tư Nhà nước hoạt động và bảo đảm tính công khai, minh bạch của nền kinh tế.
 
Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam Phạm Sỹ Danh kiến nghị, để đánh giá vai trò của chủ sở hữu vốn, trách nhiệm của người đại diện vốn và đưa ra các giải pháp quản trị hiệu quả, Nhà nước cần thiết phải tăng cường hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát không chỉ đối với các DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực then chốt với tỷ lệ vốn chi phối (trên 50%) làm nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, mà cần phải xem xét cả vai trò của chủ sở hữu vốn khi tham gia đầu tư vốn cùng các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế khác, nhất là những khoản đầu tư có giá trị lớn. Có như vậy, mục tiêu quản lý Nhà nước về kinh tế mới đạt được hiệu quả mong đợi, đặc biệt trong điều kiện các đầu mối DNNN đang ngày một thu hẹp.

Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam Phạm Sỹ Danh cho rằng, nhằm đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu của quản lý Nhà nước “Ở đâu có quản lý sử dụng vốn của Nhà nước, ở đó cần có sự kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản, vốn Nhà nước", công tác kiểm tra, giám sát phải do cơ quan KTNN thực hiện. Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam  đề xuất, KTNN bên cạnh việc xây dựng chương trình và kế hoạch kiểm toán và quyết định lựa chọn các đơn vị được kiểm toán thuộc lĩnh vực DN; đồng thời cần thiết có quy định quy mô vốn đầu tư của Nhà nước để khoanh vùng phạm vi kiểm toán nhằm tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát của Nhà nước thông qua hoạt động KTNN. KTNN cũng cần xây dựng tiêu chí cụ thể hơn về các DN do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ phải được KTNN kiểm toán BCTC theo định kỳ. Trên cơ sở đó, KTNN chủ động xây dựng và công bố kế hoạch kiểm toán hàng năm đối với các DN Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, từ đó xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả với các bên liên quan.
 

Theo Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, giải pháp này sẽ giúp KTNN phát huy được tác dụng của việc tăng cường loại hình kiểm toán hoạt động, tăng cường phạm vi và đối tượng kiểm toán, nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán quản lý và sử dụng vốn tại các DN. Giải pháp này cũng giúp cho hoạt động kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước... có hiệu quả hơn khi sử dụng kết quả kiểm toán cho mục đích quản lý, điều hành của mình. Mặt khác, xác định đối tượng kiểm toán là vốn và tài sản Nhà nước thay vì tiêu chí tỷ lệ vốn và tài sản Nhà nước sẽ giúp cho việc kiểm soát hiệu quả quản lý, sử dụng vốn tại các DN đầy đủ và chặt chẽ hơn; rộng khắp và hiệu lực, hiệu quả hơn, đặc biệt sử dụng tiền vốn, NSNN vào các chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế.
 
Theo ý kiến của Ths. Dương Quang Chính, Chánh Thanh tra KTNN, một trong những giải pháp quan trọng là cần phát huy vai trò của KTNN trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng vốn của DN, trong đó có phần vốn của Nhà nước đầu tư vào DN dù nhỏ hơn 50% vốn điều lệ; những quy định về đối tượng được kiểm toán cần tiếp tục được hoàn thiện. Theo đó, cần quy định cụ thể chỉ cần DN có vốn đầu tư của Nhà nước, không phân biệt cao hay thấp hơn 50% vốn điều lệ thì đều thuộc đối tượng của KTNN. Như vậy, mới đảm bảo hợp hiến và hợp pháp, việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại các DN được đảm bảo phù hợp các quy định.
 
TS. Vũ Đình Ánh cũng cũng cho rằng, mở rộng và đẩy mạnh hoạt động của KTNN đối với những DN có vốn Nhà nước dưới 50% là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong quản lý vốn Nhà nước tại DN; đồng thời kết quả KTNN sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng để hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý vốn Nhà nước tại DN, về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng như người đại diện vốn nhà nước tại DN./.
 
Ngọc Bích
 
 

 

 
 
 
 
 
 

Xem thêm »