Tại Toạ đàm, đại diện các Bộ, ngành thuộc Khối đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong tổ chức phong trào thi đua. Theo đó, Bộ Quốc phòng với phong trào thi đua Quyết thắng và cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ” đã phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, biểu dương, nhân rộng hàng ngàn, hàng vạn đơn vị anh hùng, đơn vị quyết thắng, cá nhân anh hùng, dũng sĩ, chiến sĩ thi đua…
Bộ Công an với phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc” tập trung hướng về cơ sở, từ đó phát hiện, biểu dương, tôn vinh 63 Trưởng Công an xã tiêu biểu, truyền tải ý nghĩa tầm quan trọng chiến lược của Đề án bố trí Công an chính quy về xã để bảo đảm an ninh trật tự vùng nông thôn, phòng ngừa tội phạm, kịp thời lắng nghe, giải quyết tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Phong trào đã khắc hoạ được hình ảnh đẹp của lực lượng công an xã vừa truyền thống, vừa hiện đại.
Bộ Tư pháp với mô hình đánh giá kết quả phong trào thi đua qua tổ chức thực hiện Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm, xếp hạng thi đua của ngành tư pháp. Phong trào thi đua đã bám sát nhiệm vụ chuyên môn giúp Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ đánh giá chính xác các mặt hoạt động của Bộ, từ đó có các giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả, phù hợp, hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Tại Kiểm toán nhà nước, phong trào thi đua tiêu biểu, nổi bật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đó là phong trào thi đua “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”. Để tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng”, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành văn bản quy định cụ thể về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng Thành viên Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn KTNN. Cuộc kiểm toán được công nhận đạt “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” là cuộc kiểm toán có kết quả nổi bật, có kiến nghị xử lý tài chính cao và có kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật quan trọng hoặc có phát hiện sai sót nghiêm trọng; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; đủ điều kiện được Tổng Kiểm toán nhà nước chấp thuận chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Các cuộc kiểm toán được công nhận “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” được Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen, kèm theo Cúp và tiền thưởng. Đây là hình thức lan toả mạnh mẽ tinh thần và thông điệp thi đua tới những người làm nghề kiểm toán, khơi dậy động lực thúc đẩy công chức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Toà án Nhân dân tối cao với phong trào thi đua “Ba tăng, hai giảm, bốn không” – Tăng tỷ lệ giải quyết án, tăng tỷ lệ hoà giải thành, tăng số lượng các vụ án đưa ra xét xử lưu động; Giảm tỷ lệ án huỷ, sửa do lỗi chủ quan và việc đính chính bản án; Không xét xử oan hoặc bỏ lọt tội phạm, không có quá hạn, không có án tuyên không rõ ràng và không gây phiền hà, sách nhiễu cho nhân dân… cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã triển khai phong trào ngành Kiểm sát nhân dân thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” gắn với phong trào thi đua “cán bộ, công chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hoá công sở", hoặc phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tham luận kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện phong trào thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT), Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, công tác xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng ĐHTT theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải được duy trì thường xuyên, phát triển liên tục, bám sát thực tiễn, thực hiện tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng, tuyên truyền phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, những tập thể, các nhân tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực hoạt động. Tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt cả “4 khâu”: Phát hiện - bồi dưỡng - xây dựng - nhân rộng ĐHTT; tổ chức tốt các hoạt động thi đua, đưa phong trào thi đua vào tất cả các hoạt động của bộ đội, đến từng cá nhân để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tố mới, ĐHTT xuất hiện. “Khi xuất hiện nhân tố mới có khả năng phát triển thành điển hình, phải làm tốt việc phát hiện sàng lọc, lựa chọn, bồi dưỡng để phát huy những ưu điểm, loại trừ hạn chế, bồi dưỡng, rèn luyện để tập thể, cá nhân ấy là tấm gương thuyết phục các cá nhân, tập thể khác noi theo” - đại diện Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Tại Tòa án Nhân dân tối cao, phong trào thi đua được phát động trong toàn ngành Tòa án ngay từ đầu năm. Bám sát sự hướng dẫn của các văn bản cấp trên, các Toà án Nhân dân xây dựng kế hoạch thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa Thủ trưởng và ban chấp hành Công đoàn đơn vị, đăng ký thi đua, gương ĐHTT, tổ chức phát động các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương… Trong công tác khen thưởng, các Toà án Nhân dân chú trọng hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác khen thưởng (thông tư quy định công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) của Tòa án Nhân dân; bảng chấm điểm thi đua; quy chế khen thưởng đột xuất…). “Muốn làm tốt công tác TĐKT thì tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác TĐKT phải ổn định, chuyên nghiệp. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản, hướng dẫn công tác TĐKT đảm bảo bám sát và phục vụ kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ công tác TĐKT trong mỗi thời kỳ, giai đoạn” - đại diện Tào án Nhân dân tối cao nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần gắn công tác thi đua với khen thưởng. Thực hiện sơ kết, tổng kết phong trào thi đua và bình xét, đề nghị khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, đồng thời chú trọng, đảy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng ĐHTT; đẩy mạnh tuyên truyền các gương ĐHTT, người tốt việc tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức phong trào thi đua, tạo sức mạnh lan tỏa rộng rãi trong xã hội.
Đại diện Thanh tra Chính phủ (TTCP) chia sẻ, TTCP rất coi trọng công tác tuyên truyền, xác định công tác tuyên truyền có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai các phong trào thi đua, nhân rộng ĐHTT. Do vậy ngay từ đầu năm, TTCP đã làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Thông qua các hội nghị toàn cơ quan hoặc hội nghị do các đơn vị, cục, vụ tổ chức; thông qua Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trang Thông tin điện tử…
Đại diện Kiểm toán nhà nước cho biết, luôn gắn phong trào thi đua yêu với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Trong tổ chức triển khai thực hiện, chú trọng lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để tôn vinh. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, kịp thời, chính xác, công khai công bằng, đúng người, đúng việc, đáp ứng đủ hồ sơ, thủ tục, đặc biệt lưu ý các nhân tố mới, khen đột xuất và đề xuất khen thưởng tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp./.
Hà Linh