Kiên quyết không vi phạm những điều cấm trong Luật Kiểm toán nhà nước

11/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định cụ thể tại Điều 118: “Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Ảnh tư liệu

Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) được ban hành đã “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động của KTNN”.
 
Luật KTNN ra đời có tác dụng rất thiết thực trong cuộc sống xã hội. Nhìn chung các quy định của Luật KTNN đã được triển khai tích cực, thực hiện có hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho đất nước và nhân dân. Cụ thể như thời gian qua, dư luận đánh giá cao những nỗ lực đóng góp của KTNN trong việc bảo vệ giữ gìn tài sản công, tài chính công; trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là những thành tích đáng biểu dương của KTNN cũng như sự vào cuộc của cả cộng đồng.
 
Tuy nhiên, tình hình nhiệm vụ mới của đất nước, đòi hỏi Luật KTNN phải tiếp tục được triển khai thực hiện sâu rộng và đem lại nhiều thành tựu tốt hơn nữa. Một trong những vấn đề đáng quan tâm là phải bằng mọi cách ngăn chặn có hiệu quả, kiên quyết tránh không để xảy ra tình trạng vi phạm những điều cấm trong Luật KTNN. Bởi trên thực tế, trong thời gian qua, vẫn còn có hiện tượng vi phạm những điều bị cấm của Luật KTNN.
 
Điều 8 trong Luật KTNN đã có quy định rất cụ thể những điều không được làm:
 
“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với KTNN, Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên KTNN:
a, Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán;
b, Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán;
c, Đưa, nhận, môi giới hối lộ;
d, Báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán;
đ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi;
e, Tiết lộ thông tin về tình hình và kết quả kiểm toán chưa được công bố chính thức.
2. Nghiêm cấm các hành vi sau đây đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan:
a, Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước;
b, Cản trở công việc của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước;
c, Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy đủ kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán của KTNN;
d, Mua chuộc, đưa hối lộ cho Kiểm toán viên nhà nước và cộng tác viên KTNN;
đ, Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.
3. Nghiêm cấm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm toán, kết quả kiểm toán của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước, cộng tác viên KTNN”.
 
Để thực hiện tốt các quy định của Luật KTNN, trong đó có những điều cấm trên đây, cần phải có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ, hiệu quả.

Trước hết, KTNN phải không ngừng nỗ lực phấn đấu để ngày càng phát triển, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh dự của mình. Có thể thấy rõ 28 năm qua, KTNN đã xứng đáng với sự tin tưởng, yêu mến của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhiều phần thưởng cao quý, niềm tin yêu của cộng đồng thật sự là niềm tự hào, nguồn cổ vũ lớn lao để KTNN tiếp tục vươn lên.
 
Tình hình và nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đòi hỏi KTNN phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mình với những giải pháp tích cực, hiệu quả nhất. Các đồng chí lãnh đạo KTNN đã luôn chỉ rõ: Bài học thành công cũng như phương châm hành động của KTNN trong năm 2022 và các năm tiếp theo vẫn phải là “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”.
 
Để thực hiện tốt điều đó, đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của KTNN với sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, sự tự giác rèn luyện phấn đấu của từng đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Giữ gìn liêm sỉ và danh dự của KTNN, không dính vào tham nhũng tiêu cực, không vi phạm những điều cấm trong Luật KTNN; duy trì nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật nhà nước. Chủ động, tích cực gắn hoạt động thường xuyên với các phong trào thi đua, với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vừa qua, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, KTNN đã có những cách làm, việc làm tích cực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cộng đồng và nhân dân đánh giá cao.
 
Cùng với nỗ lực của mình, KTNN cũng luôn nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cộng đồng và nhân dân.
 
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn đem lại hiệu quả thiết thực cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN. Thật vinh dự cho KTNN, trong Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ngày 29/12/1997 đã chỉ rõ: Thực hiện chế độ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước; sớm ban hành chế độ kiểm toán bắt buộc và chế độ công khai hóa tài chính doanh nghiệp. Từ đó đến nay, trong nhiều Nghị quyết của Đảng cũng đã có những nội dung chỉ đạo hoạt động của KTNN. Hiến pháp năm 2013 có quy định rõ về KTNN là “cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Sự ra đời của Luật KTNN, cùng những quy định của Nhà nước, Quốc hội đã tạo ra cơ sở pháp lý, động lực to lớn để KTNN ổn định và phát triển. Hiện nay, chúng ta cũng mong rằng, những bất cập trong nội dung cũng như việc thực hiện Luật KTNN sẽ luôn được quan tâm, hoàn thiện hơn. Đồng thời cần tiếp tục có sự đồng tình ủng hộ của hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân. Một yêu cầu rất quan trọng, cần thiết đặt ra là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để đông đảo các cá nhân, tập thể có sự hiểu biết sâu rộng hơn về Luật KTNN, trong đó có những điều cấm của Luật để việc thực hiện được đúng đắn, chu đáo, nghiêm túc. Ví dụ như đối với các doanh nghiệp, chỉ có trên cơ sở hiểu biết về các quy định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được quy định trong Luật KTNN, thì các doanh nghiệp mới có thể thực hiện tốt hơn việc hỗ trợ, đồng hành, hợp tác với hoạt động kiểm toán; chấp hành nghiêm túc những kết luận đúng luật, chính xác của KTNN với doanh nghiệp của mình; khắc phục hiện tượng né tránh, gây khó khăn cho hoạt động kiểm toán hay vi phạm các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm trong Luật KTNN.
 
Bằng nỗ lực cao nhất của KTNN cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo, đồng hành, phối hợp, trợ giúp và ủng hộ to lớn, thiết thực của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, cộng đồng và nhân dân cả nước đã và sẽ là cơ sở vững chắc, là nguồn động lực to lớn để KTNN không ngừng trưởng thành, phát triển./.
 
CÔNG MINH
(Báo Kiểm toán số 32/2022)

Xem thêm »