Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC), báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách địa phương (NSĐP). Tuy nhiên, việc áp dụng Hướng dẫn vẫn còn một số vướng mắc…
Phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTC, BCQT NSĐP giúp cho hoạt động kiểm toán chuyên nghiệp hơn, đúng với các chuẩn mực của KTNN và thông lệ quốc tế. Thông qua mức trọng yếu tổng thể, trọng yếu thực hiện, ngưỡng sai sót không đáng kể, kiểm toán viên có cơ sở để xác định khoảng cách mẫu, các mẫu cần chọn và đưa ra ý kiến đối với BCTC, BCQT sau khi đã thực hiện kiểm toán.
Nhiều khó khăn khi thu thập dữ liệu và chọn mẫu
Theo KS. Trần Quốc Bình và CN. Đỗ Đức Thuấn (KTNN khu vực V), mặc dù có rất nhiều ưu điểm nổi bật và hỗ trợ tốt cho quá trình kiểm toán nhưng việc áp dụng Hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đối với kiểm toán NSĐP vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán, việc tìm hiểu, đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ (Phụ lục 04/KHKT-NSĐP) kèm theo kế hoạch kiểm toán tổng quát rất khó khăn và phức tạp. Nhiều thông tin đơn vị được kiểm toán không cung cấp được hoặc cung cấp không đầy đủ để làm cơ sở đánh giá và xác định rủi ro kiểm soát.
Đối với giai đoạn thực hiện kiểm toán, thực tế kiểm toán của KTNN khu vực V cho thấy, tại một số tỉnh, các khoản phải nộp ghi nhận tại cơ quan thuế không được phản ánh số liệu trên BCQT nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với từng khoản mục/từng sắc thuế, việc kê khai thuế, quản lý thuế không phù hợp với quy định và không khớp số liệu trên BCQT thu ngân sách nhà nước.
Khi kiểm toán ngân sách cấp huyện, kiểm toán viên gặp nhiều khó khăn do việc thực hiện kiểm toán dựa vào khoảng cách mẫu đã xác định không đánh giá được sai sót tổng thể, mẫu kiểm toán không đại diện cho tổng thể (do số kinh phí này nhiều đơn vị sử dụng). Còn khi kiểm toán tổng hợp tại cơ quan tài chính, việc chọn mẫu để kiểm toán hoặc đối chiếu rất khó khăn do không thể đảm bảo khoảng cách mẫu.
Ở giai đoạn lập báo cáo kiểm toán, đối với chi thường xuyên, kiểm toán viên gặp không ít vướng mắc khi đưa ra ý kiến kiểm toán do không thể xác định được yếu tố định tính. Trong thực tế, nhiều đơn vị sử dụng kinh phí nên có trường hợp đơn vị này sử dụng sai nhưng đơn vị khác chưa chắc đã có sai sót tương tự. Còn với dự án đầu tư, việc chưa có tiêu thức, tiêu chí về định lượng, định tính rõ ràng làm cơ sở xét đoán đã ảnh hưởng tới việc đưa ra ý kiến kiểm toán. Hầu hết các ý kiến kiểm toán theo chuẩn mực và dựa trên trọng yếu còn chung chung, làm giảm tính hiệu lực của kết luận kiểm toán.
Bên cạnh đó, hiện nay, KTNN vẫn chưa thiết lập được hệ thống thông tin, dữ liệu về đơn vị quản lý dự án được kiểm toán và loại hình dự án được kiểm toán nên công tác khảo sát, thu thập thông tin thường phải xuống tận đơn vị, mất nhiều thời gian. Một số thông tin về các yếu tố tác động đến môi trường hoạt động của dự án và các thông tin phi tài chính khác thu thập được chủ yếu từ báo cáo của đơn vị, không có các nguồn kiểm chứng nên nhiều trường hợp thiếu chính xác và không khách quan.
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bổ sung các hướng dẫn chi tiết
Theo Nhóm tác giả, để tháo gỡ các vướng mắc trên, KTNN cần sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu về các đầu mối kiểm toán, đồng thời tiến hành cập nhật dữ liệu từng năm nhằm phục vụ tốt cho việc lập kế hoạch kiểm toán. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng, cần thiết, làm cơ sở cho việc xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro kiểm toán.
Trước khi xây dựng kế hoạch kiểm toán tổng quát, đoàn kiểm toán cần rà soát, xem xét lại các thông tin cần thu thập nhằm đảm bảo tính khả thi, cần thiết và đủ cơ sở cho việc đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu khi kiểm toán BCTC, BCQT NSĐP. Ngoài ra, KTNN cần có hướng dẫn phù hợp trong việc giới hạn khi không thể thực hiện kiểm toán tất cả các khoản mục trọng yếu, cũng như hướng dẫn đánh giá các sai sót có khả năng xảy ra tại các đơn vị, quận, huyện không chọn kiểm toán để xác nhận tính đúng đắn, trung thực.
KTNN cũng cần bổ sung hướng dẫn về việc mở rộng phạm vi kiểm toán khi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán. Trên thực tế, khi phát hiện những sai phạm có tính hệ thống, việc mở rộng phạm vi kiểm toán là cần thiết và cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo thời gian thực hiện kiểm toán. Ngoài ra, KTNN cần ban hành hướng dẫn chi tiết việc xác định tiêu chí ước tính mức trọng yếu trên cả 2 giá trị tỷ lệ tương đối và giá trị tuyệt đối nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc đưa ra ý kiến kiểm toán.
Bên cạnh đó, KTNN cần có tiêu chí và quy chế rà soát lại kết quả đánh giá rủi ro và sửa đổi trọng yếu trong quá trình thực hiện kiểm toán. Theo đó, trước khi đưa ra kết luận kiểm toán, căn cứ vào các thủ tục kiểm toán đã thực hiện và bằng chứng kiểm toán thu thập được, kiểm toán viên phải xem xét sự phù hợp của việc đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu.
Khi thực hiện các thủ tục kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt, nếu thông tin kiểm toán viên thu thập được có sự khác biệt đáng kể so với thông tin sử dụng làm cơ sở đánh giá rủi ro khi lập kế hoạch, kiểm toán viên có thể phải thay đổi nội dung, lịch trình hoặc phạm vi các thủ tục kiểm toán đã xác định. Nếu không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc từ chối đưa ra ý kiến về BCTC, BCQT NSĐP của đơn vị được kiểm toán./.
Thùy Lê
(Báo Kiểm toán số 32/2022)