(sav.gov.vn) - Theo kế hoạch vay, trả nợ công 2022 của Chính phủ, Chính phủ vay tối đa 673.546 tỷ đồng (tương đương gần 29,3 tỷ USD). Mức vay này tăng hơn 159.240 tỷ đồng so với 2021. 96% khoản vay này dùng để cân đối cho ngân sách Trung ương (646.849 tỷ đồng), khoản vay về cho vay lại là 26.697 tỷ đồng.
Dư nợ Chính phủ năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỉ đồng, giảm 2% so với dư nợ năm 2021
Nguồn huy động vốn vay chủ yếu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành bằng ngoại tệ hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước...
Về trả nợ, Chính phủ sẽ trả khoảng 335.815 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương gần 14,6 tỷ USD. So với năm 2021 thì mức trả nợ năm nay thấp hơn khoảng 30.117 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ trực tiếp Chính phủ là 299.849 tỷ đồng (khoảng 13 tỷ USD), trả cho các dự án cho vay lại 35.966 tỷ (gần 1,6 tỷ USD).
Về Kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay trong nước khác khoảng 28.637 tỷ đồng.
Trả nợ của chính quyền địa phương 6.111 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 3.637 tỷ đồng và chi trả lãi 2.474 tỷ đồng.
Đối với vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 7.300 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 25% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2021.
Căn cứ theo tỉ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2022 đến nay, đồng USD tăng nhẹ, 1 USD bằng 23.400 đồng, tăng 1,1% so với đầu năm 2022, ước làm tăng dư nợ Chính phủ khoảng 5.000 tỉ đồng so với cuối năm 2021; Với 1Euro bằng 24.385 đồng, giảm 9,5% so với đầu năm 2022, Bộ Tài chính ước tính làm giảm dư nợ công khoảng 17.000 tỉ đồng; với 1 JPY (Yên Nhật) bằng 180 đồng, giảm mạnh nhất với 13% so với đầu năm 2022 cũng giúp nợ công của Việt Nam giảm khoảng 45.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính nhận định, chỉ tính riêng biến động tỉ giá của 3 loại đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000, giảm 2% so với dư nợ cuối năm 2021. Dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hằng năm và đang có xu hướng giảm dần, giúp làm giảm rủi ro về tỉ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài chính, nợ công Việt Nam năm 2021 là 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần dưới 60% GDP Quốc hội cho phép. Năm 2021, các chỉ tiêu nợ của Việt Nam đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt. Theo đó, nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ 39,5% GDP, nợ nước ngoài 39% GDP. Số Chính phủ phải trả nợ trực tiếp chưa đến 23% thu ngân sách...
Nợ công Việt Nam đã giảm dần trong 5 năm qua, từ mức 61,4% năm 2017 về 43,1% GDP vào năm 2021. Với quy mô GDP năm 2021 là 368 tỷ USD, mức nợ công của Việt Nam năm ngoái tương đương 157 tỷ USD (trên 3,6 triệu tỷ đồng); nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm. Theo đó, nợ Chính phủ từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021, tương đương gần 144 tỷ USD. Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm 2,5 lần sau 5 năm, từ 9,1% GDP năm 2017 về 3,8% GDP năm 2021, tức gần 14 tỷ USD.
Năm 2021, nợ chính quyền địa phương là 0,6%, giảm 0,5% so với cách đó 5 năm. Còn nợ nước ngoài của quốc gia đến hết năm 2021 còn 38,4% GDP so với mức 49% GDP năm 2017. Trong khi nợ nước ngoài giảm, nợ vay từ trong nước lại tăng đáng kể, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ, tương đương 2,2 triệu tỷ đồng đến hết 2021. Cùng đó, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và trả nợ của Chính phủ lại tăng nhẹ, lần lượt là 6,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và 21,8% thu ngân sách vào năm ngoái.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp lần lượt là các chủ nợ song phương lớn nhất của Việt Nam. Đến 2021, Nhật Bản cho Việt Nam vay hơn 316.000 tỷ đồng; Hàn Quốc hơn 32.000 tỷ đồng, Pháp 30.000 tỷ đồng... Đứng đầu danh sách trong số đối tác đa phương cho Việt Nam vay nhiều nhất là Ngân hàng Thế giới (WB) với 380.000 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 188.000 tỷ đồng./.
Khánh Vy