Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn: Cần có chế tài trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Kiểm toán nhà nước

23/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 23/8/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn đã có buổi làm việc về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm Tin học (TTTH), thực trạng và định hướng phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của KTNN giai đoạn 2022-2025.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Cùng dự có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng Ban chỉ đạo CNTT KTNN Đặng Thế Vinh, đại diện các đơn vị tham mưu KTNN và Lãnh đạo chủ chốt đơn vị.

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của TTTH, Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà cho biết: TTTH được thành lập năm 2002, có vai trò là đơn vị chuyên trách về CNTT của KTNN, có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin mạng của KTNN; cung cấp các dịch vụ về CNTT.

Trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của đơn vị, TTTH đã xây dựng và trình Lãnh đạo KTNN ban hành 2 Đề án, 4 Kế hoạch, 1 Chiến lược và 1 Nghị quyết về ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin của KTNN, nổi bật là Đề án Tổng thể phát triển CNTT của KTNN giai đoạn 2015-2020; Kế hoạch ứng dụng về CNTT thuộc Kế hoạch Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 về phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao thuộc Chiến lược phát triển kiểm toán đến năm 2030; Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ KTNN, nhiệm kỳ 2020-2025 về "Lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của Ngành... Tổ chức xây dựng Kiến trúc cơ sở dữ liệu (CSDL) KTNN nhằm xác định tầm nhìn và thiết kế về kiến trúc, công nghệ, khung quản trị dữ liệu số của KTNN làm cơ sở tham chiếu khi KTNN triển khai các dự án, nhiệm vụ xây dựng, quản lý, vận hành các CSDL của KTNN.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động, tích cực tham mưu Lãnh đạo KTNN trong việc xây dựng các văn quản lý, hướng dẫn, kiểm tra tình hình ứng dụng CNTT. Đến nay đã xây dựng và trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành 13 quy chế quy định về quản lý, khai thác sử dụng hệ thống mạng, các phần mềm ứng dụng...

Tổ chức thực hiện công tác đào tạo, hướng dẫn sử dụng các phần mềm, hệ thống mạng, thiết bị CNTT cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành với khoảng hơn 8.000 lượt người được đào tạo, hướng dẫn.
 
Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của TTTH

Về công tác, xây dựng phát triển hệ thống thông tin của KTNN, hiện nay KTNN đã xây dựng được 02 Trung tâm dữ liệu (TTDL) gồm TTDL chính và TTDL dự phòng với khoảng hơn 500 thiết bị vật lý. Hệ thống Hội nghị truyền hình gồm 17 phòng họp trực tuyến tại KTNN trung ương và 13 KTNN khu vực. Tất cả các cán bộ thuộc KTNN được trang bị email công vụ, các máy tính, ipad cá nhân do KTNN cấp đều được trang bị phần mềm bản quyền Office hệ điều hành Windows, được cài đặt và cập nhật hàng năm phần mềm diệt virus, phần mềm tẩy xóa dữ liệu. Hơn nữa, đã có 967 cán bộ được cấp phát thiết bị bảo mật của Ban cơ yếu Chính phủ gồm thiết bị mã hóa Token và USB lưu trữ an toàn phục vụ việc lưu trữ, truyền đưa thông tin bí mật Nhà nước trên môi trường mạng.

Về xây dựng CSDL danh mục dùng chung, số hóa hồ sơ, hệ thống nền tảng, kết nối chia sẻ dữ liệu. Hiện nay, KTNN đã xây dựng hệ thống nền tảng phục vụ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan chức năng trong thời gian tới; đồng thời đang triển khai kết nối, trao đổi dữ liệu điện tử với: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư; Ngân hàng Nhà nước; BHXH Việt Nam. Triển khai Cổng trao đổi thông tin, tạo kênh trao đổi dữ liệu điện tử giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán. Trong năm 2021, triển khai giai đoạn 1, cấp tài khoản cho hơn 1.250 đơn vị được kiểm toán với hơn 2.300 tài khoản, nhận được 2.295 báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán ngân sách và dự toán; đã thí điểm triển khai cho 04 đơn vị trực thuộc KTNN (KTNN chuyên ngành II, IV, VI và khu vực I) nhằm trao đổi tài liệu định kỳ, theo cuộc kiểm toán của KTNN.

Từ năm 2017 đến năm 2021, đã tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ kiểm toán với trên 870 cuộc với hơn 10,6 triệu trang tài liệu các loại, tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ kiểm toán điện tử để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán, từng bước hình thành dữ liệu lớn của KTNN. Số hóa văn bản hành chính của tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc KTNN từ năm 2010 đến năm 2020. Hiện nay đang tổ chức số hóa khoảng 2000 bộ hồ sơ của công chức, viên chức và người lao động thuộc KTNN, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.

Trong những năm qua, đơn vị đã chủ động trong việc tham mưu Lãnh đạo KTNN trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của Ngành, các đơn vị, cũng như trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, việc xây dựng quy trình tạo lập, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán điện tử đã giúp giản tiện cho công tác lưu trữ hồ sơ kiểm toán, cũng như làm gia tăng giá trị trong hoạt động kiểm toán.

Từ năm 2018, KTNN đã tổ chức thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ kiểm toán với hàng triệu trang tài liệu các loại đã được số hóa, cập nhật gần 6 triệu trường thông tin hồ sơ, tài liệu để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm toán. Công tác ứng dụng CNTT hỗ trợ KTV thực hiện kỹ thuật kiểm toán cũng đã bước đầu phát huy hiệu quả, qua đó giúp tạo thuận lợi của Kiểm toán viên trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Hiện nay, KTNN đã đưa vào hoạt động 26 phần mềm và 04 phần mềm chuẩn bị đưa vào sử dụng trong tháng 9/2022 nâng tổng số phần mềm đang triển khai tại KTNN là 30 phần mềm, trong đó có 3 cổng và trang thông tin, 12 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; 11 phần mềm phục vụ quản lý điều hành và 4 phần mềm hỗ trợ quản trị, vận hành phần mềm.

Bên cạnh việc xây dựng các phần mềm trên môi trường web, từ năm 2020, KTNN đã triển khai ứng dụng hỗ trợ điều hành trên thiết bị di động (App mobile), giúp Lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức xử lý, tra cứu văn bản, tra cứu các thông tin về hoạt động kiểm toán, cán bộ, văn bản quy phạm pháp luật, lịch họp,… nhanh chóng, kịp thời.

Đặc biệt, từ tháng 10/2021 đến 6/2022, TTTH đã phối hợp với KTNN chuyên ngành VI, Tập đoàn VNPT thực hiện các giải pháp kỹ thuật kết nối, trao đổi dữ liệu với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), xây dựng hệ thống tiếp nhận, lưu trữ và khai thác thông tin để triển khai thí điểm kiểm toán từ xa tại Tập đoàn VNPT. Đến nay cuộc kiểm toán đã hoàn thành và đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề cho KTNN nghiên cứu, triển khai phương thức kiểm toán trong môi trường số trong thời gian tới theo lộ trình phù hợp.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, Giám đốc TTTH Phạm Thị Thu Hà cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong nhận thức đúng về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như hoạt động kiểm toán cũng như những khó khăn trong mô hình hoạt động và nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong 5 tháng cuối năm 2022, TTTH xác định 10 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực chất lượng tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; Tiếp tục xây dựng, hoàn thành các phần mềm ứng dụng, số hóa hồ sơ kiểm toán; Hoàn thành việc kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa KTNN và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hoàn thành các hạng mục công việc của dự án “Xây dựng nền tảng tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu của Kiểm toán nhà nước với các hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu đơn vị được kiểm toán”…

Xác định CNTT đang từng bước làm thay đổi căn bản hoạt động của KTNN, trọng tâm là hoạt động kiểm toán từ đó đưa KTNN đi theo đúng lộ trình chuyển đổi số. TTTH hướng tới 9 nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025, trong đó tiếp tục xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây (đến năm 2025 sẽ hoàn thành điện toán đám mây ở mức hạ tầng); xây dựng hệ thống định danh, xác thực điện tử và CSDL dùng chung phục vụ kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu; Xây dựng hạ tầng dữ liệu thông qua việc số hóa, xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán, các CSDL chuyên ngành, CSDL tri thức Ngành Kiểm toán, kết nối, liên thông dữ liệu với các lĩnh vực liên quan, với các đơn vị được kiểm toán để tạo thành kho dữ liệu trên nền tảng dữ liệu lớn phục vụ cho công tác lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán; Hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm Quản lý hoạt động kiểm toán nhằm quản lý hoạt động kiểm toán đầy đủ 04 bước theo quy trình kiểm toán; Xây dựng các phần mềm, công cụ hỗ trợ khai thác, trích xuất, phân tích dữ liệu nhằm hỗ trợ Kiểm toán viên thực hiện tác nghiệp kiểm toán; Bước đầu nghiên cứu ứng dụng tự động hóa và các hệ trợ giúp tư vấn, ra quyết định cho hoạt động quản lý điều hành và trong tác nghiệp kiểm toán; Tiếp tục xây dựng các phần mềm ứng dụng hỗ trợ hoạt động quản lý điều hành trên môi trường mạng (trên môi trường web và trên thiết bị di động)…

Tại buổi làm việc, đại diện các phòng trực thuộc, Lãnh đạo chủ chốt TTTH cũng thẳng thắn trao đổi về một số vướng mắc của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có những khó khăn trong nhận thức của một số đơn vị, cá nhân trong quá trình triển khai phần mềm ứng dụng. Việc thay đổi thói quen người dùng, thay đổi cách thức làm việc truyền thống sang một cách thức làm việc mới chặt chẽ, thống nhất khi tin học hóa cũng là một rào cản hết sức khó khăn.
 
Chánh Văn phòng KTNN Lưu Trường Kháng trao đổi tại buổi làm việc

Một số ý kiến chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình trao đổi dữ liệu của các đơn vị. Theo đó, về hình thức, dù đã bước đầu ký được quy chế phối hợp trao đổi dữ liệu với các đơn vị, nhưng thực tế, các dữ liệu chỉ dừng ở các danh mục cơ bản, số liệu tổng hợp, do đó giá trị khai thác cho hoạt động kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho rằng việc phát triển, ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN, trong đó có hoạt động kiểm toán cần xuất phát từ nhận thức chung của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành, coi việc ứng dụng CNTT, thích ứng với thời kỳ chuyển đổi số là việc của chính mình để từ đó thay đổi nhận thức và thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ của CNTT như hiện nay. Ngược trở lại, mỗi ứng dụng CNTT cần phải xuất phát từ nhu cầu quản lý và hoạt động của các đơn vị, để có thể kết nối và triển khai những phần mềm ứng dụng trên thực tiễn.

Ghi nhận những cố gắng của TTTH trong việc hoàn thành khối lượng công việc khá lớn trong thời gian qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị, TTTH cần bám sát vào Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng KTNN, các Đề án, Kế hoạch, Chiến lược phát triển CNTT của Ngành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng được những yêu cầu về chuyển đổi số.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của TTTH trong sự nghiệp phát triển của KTNN; yêu cầu TTTH cần tham mưu Lãnh đạo KTNN trong việc nâng cao việc ứng dụng CTNN, thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong các hoạt động của KTNN, đặc biệt trong hoạt động kiểm toán.

Đồng tình với các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới cũng như các đề xuất, kiến nghị của TTTH nhằm thực hiện có hiệu quả các Đề án, Kế hoạch, Chiến lược phát triển CNTT của KTNN trong giai đoạn hiện nay, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách cho rằng, thực hiện việc chuyển đổi số của KTNN cần có lộ trình và bước đi cụ thể. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dùng, phải có chế tài quyết liệt hơn nữa đối với các đơn vị trực thuộc KTNN trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt đáp ứng yêu cầu thực hiện kiểm toán trong môi trường số của KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách đề nghị, trong việc kết nối, trao đổi dữ liệu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho Ngành, TTTH và các đơn vị trực thuộc phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để có thể trao đổi nhiều hơn về danh mục nghiệp vụ và dữ liệu chi tiết của đơn vị. Đồng thời mở rộng, kết nối, liên thông dữ liệu với các lĩnh vực liên quan, với các đơn vị được kiểm toán để tạo thành kho dữ liệu trên nền tảng dữ liệu lớn phục vụ cho công tác lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán./.
 
Phương Ngọc
 

Xem thêm »