Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với các cơ quan tư pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

23/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(Sav.gov.vn) - Chiều 23/8/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” đã có cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp.

Tham dự cuộc làm việc có: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng đoàn giám sát; các thành viên Đoàn Giám sát; đại diện Lãnh đạo các cơ quan tư pháp… Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ và các thành viên tham gia Tổ công tác (Đoàn giám sát) cùng dự.

Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát cho biết, thực hiện Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn Giám sát đã làm việc trực tiếp với 15 Bộ, cơ quan trung ương và 15 địa phương. Cuộc làm việc này được tổ chức để bổ sung thêm các thông tin, số liệu phục vụ hoàn thiện báo cáo của Đoàn Giám sát trình Quốc hội, đặc biệt là các thông tin liên quan đến công tác điều tra, xét xử, thi hành án… có tác động đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu khai mạc tại buổi làm việc

Nhấn mạnh quá trình tố tụng rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có những vụ án đã thực hiện đúng yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng cũng có những vụ việc chậm đưa ra xét xử, chậm thi hành án, gây thất thoát, lãng phí. Khẳng định đây là nội dung khó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua báo cáo bước đầu, chỉ có Bộ Công an làm rõ được thất thoát, lãng phí trong công tác điều tra; Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới chỉ báo cáo cụ thể công tác xét xử thi hành án, tổng hợp số vụ việc; chưa lượng hóa được thông tin về thất thoát ngân sách nhà nước, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, khoáng sản, tài nguyên, trong việc thi hành các bản án, các quyết định của tòa án các cấp.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngày 27/7, Đoàn Giám sát đã có công văn yêu cầu báo cáo bổ sung. Đến nay, Đoàn đã nhận được báo cáo bổ sung của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an. Với tinh thần cầu thị, lắng nghe quan điểm của các cơ quan tư pháp về lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quy trình tố tụng, qua đó có thêm thông tin bổ sung vào báo cáo chung, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại diện các bộ, ngành tập trung báo cáo về quá trình điều tra, xét xử, thi hành án, các vụ án liên quan đến tiết kiệm, chống lãng phí; các thông tin, số liệu thất thoát, lãng phí phát hiện qua điều tra, xét xử thi hành án. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, để hoàn thiện hơn nữa về quy trình thủ tục, cơ chế chính sách, giúp công tác tư pháp đảm bảo được các yêu cầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.

Tại cuộc họp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã báo cáo bổ sung nhiều vấn đề liên quan đến thực hành tiết kiệm, lãng phí trong quá trình tố tụng. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2021, các cơ quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ Công an đã thường xuyên chỉ đạo kịp thời Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, làm tốt công tác nắm tình hình, thu thập nhiều thông tin về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, chủ động nỗ lực vượt bậc trong phát hiện khởi tố, điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện việc thực hiện khoán kinh phí, quản lý chi thường xuyên đã tạo những chuyển biến tích cực trong hoạt động của các đơn vị dự toán trong toàn hệ thống Tòa án Nhân dân. Ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của từng cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên rõ rệt. Sự thay đổi cơ chế khoán còn đem lại những lợi ích thiết thực cho cán bộ, công chức và viên chức.

Với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, tính riêng giai đoạn 2019 - 2021, Ngành Kiểm sát đã cắt giảm kinh phí tiền lương, chi thường xuyên của 10%/ tổng biên chế của Ngành là 216.254 triệu đồng; thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương là 8.406 triệu đồng. 100% các đơn vị Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định hiện hành, thực hiện kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, phương tiện làm việc, bảo đảm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ, tránh thất thoát, hư hỏng thiệt hại về tài sản công, không sử dụng tài sản công vào mục đích của cá nhân.

Bộ Tư pháp đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để xử lý các tài sản bị thu hồi, tránh thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó, nhận thấy tầm quan trọng của việc thống kê chỉ tiêu số liệu về thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước khác, tài sản Nhà nước, quản lý sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác qua các bản án, quyết định các bản án, quyết định của Tòa án Nhân dân các cấp, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu quy định các tiêu chí thống kê này trong thời gian tới.

Tham gia thảo luận, các đại biểu Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo TH, CLP của 4 cơ quan, khá đầy đủ, toàn diện, tuy nhiên Đoàn giám sát đề nghị các cơ quan tư pháp làm rõ thêm vấn đề khi bản án không thi hành được, tiền, tài sản, đất đai tồn đọng rất lớn - đây chính là sự lãng phí. Đoàn giám sát đề nghị, các cơ quan chia sẻ thêm giải pháp để xử lý vấn đề này. Có vướng mắc gì trong chính sách, pháp luật hay không?
 
Các Đại biểu thảo luận tại buổi làm việc

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, dự thảo Báo cáo kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” nên khái quát được bức tranh tổng thể về THTK, CLP. Trong đó, chú trọng nhấn mạnh các con số làm dữ liệu dẫn chứng cho nhận định của Đoàn giám sát, có hệ thống bảng biểu, phụ lục, so sánh theo các năm để thấy rõ hơn công tác THTK, CLP đã có những tiến bộ gì? Có ý kiến đề nghị, sản phẩm cuối cùng của giám sát chính là Nghị quyết giám sát, cho nên rất cần đầu tư cho các kiến nghị trong dự thảo Nghị quyết, phải sát, đúng với thực tiễn những vấn đề đang đặt ra.
 
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng và thiết thực, qua giám sát, Đoàn đã phát hiện được nhiều vấn đề thực tiễn, qua đó có phương hướng phù hợp để cải thiện công tác này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các Bộ, ngành đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ vấn đề thu hồi tài sản từ các vụ án lãng phí, vấn đề vướng mắc trong quy trình thủ tục tố tụng gây lãng phí, cách thức thể hiện các nội dung này trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trên cơ sở nhiệm vụ được Hiến pháp và pháp luật giao cho các cơ quan tư pháp Trung ương trong thực hiện quy trình tố tụng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đưa ra đề xuất hoàn thiện quy định về hoạt động tố tụng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tư pháp tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo, làm rõ các nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; làm rõ vấn đề kéo dài quá trình điều tra, truy tố, xét xử gây thất thoát, lãng phí…
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các báo cáo bổ sung, lượng hóa các thông tin đảm bảo chính xác, khách quan, đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể, rõ ràng, để Đoàn giám sát có cơ sở hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4./.
 
Thanh Trang
 

Xem thêm »