Chính phủ họp phiên chuyên đề pháp luật, thảo luận dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Xây dựng các Luật cần tháo gỡ vướng mắc mà thực tiễn đặt ra

25/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 24/8/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2022. Phiên họp thảo luận về 4 dự án Luật quan trọng trước khi trình, phục vụ Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Các dự án Luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2022

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, 4 dự án Luật được thảo luận tại phiên họp đều hết sức quan trọng, có phạm vi, đối tượng rộng, nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định. Đây là những dự án Luật rất cần thiết trong thời điểm hiện nay để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cản trở sự phát triển, góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau đại dịch và trước những cú sốc từ bên ngoài do những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường trên thế giới. “Việc cho ý kiến vào các dự án Luật này trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo”-Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trong 4 dự án Luật, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; dự án Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt, báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định, báo cáo thẩm tra, thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào các dự án luật. Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều. Sửa đổi, bổ sung 153 điều. Bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

So với Luật Đất đai 2013, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 7 vấn đề mới được đưa vào như: Công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất; giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi bỏ quy định về khung giá đất. Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, bỏ khung giá đất thì bảng giá đất sẽ tiệm cận với giá đất cụ thể và góp phần tiến tới xóa bỏ cơ chế hai giá, giảm thất thoát, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với các ý kiến cụ thể vào từng nội dung của dự thảo Luật, Chính phủ tập trung thảo luận đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) như: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp; về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”; về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài...

Đối với Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu thảo luận một số vấn đề như: Các trường hợp sử dụng khái niệm thu phí, thu giá; về quỹ bình ổn giá; vấn đề thẩm định giá; danh mục Nhà nước quy định giá và không quy định giá, thẩm quyền quy định giá.

Đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi) các đại biểu thảo luận các nội dung liên quan đến: Thủ tục đấu thầu; hình thức đấu thầu; thủ tục lập, lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt danh mục đầu tư; chính sách sử dụng sản phẩm khuyến khích thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thân thiện môi trường, mua sắm xanh; nguyên tắc lựa chọn nhà thầu; trường hợp chỉ định thầu; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu...

Về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận: Các quy định về tên gọi của Luật; bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể...

Đối với 4 dự án Luật, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên, tập trung nguồn lực trong xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, tăng cường lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học.. đặc biệt trong quá trình làm luật cần tránh xin cho, tiêu cực. “Luật Đất đai cần được lấy ý kiến rộng rãi, đây là luật khó, do vậy thiết kế Luật cần gắn chủ trương đường lối của Đảng, kịp thời với thực tiễn đặt ra, cố gắng bao quát được các đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tình hình mới. Các cơ quan trình phối hợp chặt chẽ với nhau.”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói.
 

Quang cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra.  Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực thi pháp luật là đầu tư cho sự phát triển, yêu cầu bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác này.

Thời gian qua, cùng với Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều công sức, thời gian đầu tư cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ có nhiều văn bản trình Bộ Chính trị, Quốc hội và ban hành các nghị định, nghị quyết, thông tư… tạo chuyển biến tích cực trong quá trình vận hành bộ máy, chỉ đạo, điều hành; góp phần tháo gỡ vướng mắc, khơi thông, tạo điều kiện cho phát triển, nhất là phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19; góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cả 4 dự án Luật được thảo luận tại phiên họp này đều là luật khó, liên quan nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, nhiều Luật.

Thủ tướng biểu dương các Bộ đã có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, khẩn trương chuẩn bị, trình các dự án Luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng; hoan nghênh các thành viên Chính phủ đã phát huy tinh thần dân chủ, phát biểu trách nhiệm, sôi nổi, bám sát thực tiễn xây dựng các dự án Luật.

Về nhiệm vụ tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ trì tiếp tục huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động; thảo luận, tôn trọng ý kiến phản biện sao cho nội dung mang tính khả thi, hiệu quả để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo chất lượng, đúng thời gian. Đặc biệt là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), vì đây là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, liên quan nhiều luật và trên thực tế thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng các Luật cần bám sát và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tăng cường quản lý nhà nước; vừa tháo gỡ vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, các Luật phải tôn trọng quy luật thị trường, song cũng cần phải có công cụ để Nhà nước can thiệp kịp thời, hiệu quả khi cần thiết, đảm bảo an sinh xã hội; các luật phải bao quát được các đối tượng, phạm vi điều chỉnh, phù hợp với khả năng quản lý và điều kiện đất nước.

Việc xây dựng và hoàn thiện các dự thảo Luật phải trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng tối đa nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số, tránh tiếp xúc trực tiếp, tránh phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức; bảo đảm có ổn định, kế thừa và phát triển; đảm bảo tính hệ thống, liên thông, đồng bộ giữa các Luật; không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện các nội dung chuyển đổi; các quy định của luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; chống cơ chế "xin - cho", góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung cho nhiệm vụ hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển; không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện các nội dung chuyển đổi; phân cấp mạnh về thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, các cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý vi phạm.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ý kiến góp ý đối với các dự án Luật; tinh thần chung là vì chất lượng cao nhất của các Luật, vì lợi ích quốc gia. Các Bộ, cơ quan chủ động hơn nữa trong việc tham gia ý kiến và cùng nhau trao đổi, thảo luận để tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo Luật, Pháp lệnh chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.

Phương Ngọc

Xem thêm »