Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu trong toàn quốc. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung -
Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 16; Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An. Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc đại diện KTNN tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 16 Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, thực chất tình hình kết quả thực hiện Chỉ thị số 16 của các ngành, địa phương trong cả nước. Sau Hội nghị, các ý kiến sẽ được tổng hợp để báo cáo Ban Bí thư xem xét, tiếp tục ban hành các văn bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với bối cảnh tình hình mới.
Nêu khái quát những yêu cầu nhiệm vụ của Chỉ thị 16, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị, với kinh nghiệm thực tiễn, tập trung thảo luận đánh giá về chủ trương, định hướng lãnh đạo của Đảng, những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác này.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16, công tác quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện Chỉ thị được triển khai nghiêm túc, kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Hệ thống luật pháp, chính sách về nội dung này từng bước được sửa đổi, bổ sung, cơ bản phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế và chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta; công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được nâng cao chất lượng; công tác phát triển thị trường lao động ở các nước được coi trọng; công tác quản lý và bảo hộ công dân Việt Nam được Chính phủ và các địa phương tích cực thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đối với người lao động trong diện được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài được bổ sung, hoàn thiện. Các hội quần chúng đã góp phần rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên.
10 năm qua, quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh; thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển; trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam. Thu nhập người lao động tương đối ổn định, không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước, góp phần xây dựng quê hương, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời; việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ; công tác bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn chưa tốt; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những hạn chế và nguyên nhân việc thực hiện Chỉ thị, đề xuất nhiều giải pháp phù hợp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ trong tình hình mới: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước; đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và văn hóa cho người lao động…
Kết luận Hội nghị, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, người lao động đi làm việc tại nước ngoài là xu hướng tất yếu và phổ biến hiện nay, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này, cùng với việc hướng tới những thị trường lao động chất lượng cao, cần duy trì số lượng lao động trong và ngoài nước bảo đảm hài hòa. “Đề nghị các Bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chú trọng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, tập trung chăm lo, giải quyết hài hòa các chính sách an sinh xã hội, tạo sự yên tâm cho người lao động” – ông Đào Ngọc Dung nói.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt trong quá trình đàm phán với các quốc gia nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chú trọng vấn đề cung-cầu lao động; xây dựng quy trình, tạo sự đồng bộ trong thị trường lao động, mở ra các thị trường mới; đổi mới công tác đào tạo nghề để chuẩn bị chu đáo cho người lao động nhằm nâng cao hiệu quả khi tham gia thị trường lao động nước ngoài./.
Thanh Trang