Hội thảo khoa học góp ý kiến đề tài khoa học cấp Bộ “Giải pháp kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình dựa trên mô hình thông tin công trình”

26/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 26/8/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ về “Giải pháp kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình dựa trên mô hình thông tin công trình (BIM)” (Đề tài) đã tổ chức Hội thảo xin ý kiến các thành viên của Hội đồng khoa học, đồng thời là các chuyên gia của KTNN về nội dung của Đề tài.

Quang cảnh Hội thảo

Đề tài do Ths. Võ Văn Thọ - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XIII và TS. Đặng Anh Tuấn – KTNN khu vực IV đồng chủ nhiệm.

Trình bày tại Hội thảo, TS. Đặng Anh Tuấn cho biết, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã cung cấp cơ hội để biến những ý tưởng thành hiện thực trong quản lý dự án đầu tư nhằm đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả và an toàn cho công trình. Nhiều công cụ công nghệ cao ra đời đã đáp ứng được phần nào những mong muốn này. Mô hình thông tin công trình BIM xuất hiện lần đầu vào năm 1985 là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công, vận hành và bảo trì công trình dựa trên việc tích hợp thông tin của công trình vào một nguồn cơ sở dữ liệu.

Ưu điểm của BIM cho phép xây dựng công trình ảo trước rồi mới đến công trình trên thực tế. Bằng cách này, các bên tham gia dự án có thể xem xét trước và đánh giá hiệu quả của nó trước khi thực hiện. Giải quyết được các vấn đề liên quan ngay ở giai đoạn ban đầu của dự án, đạt được kết quả tiết kiệm đáng kể về mặt thời gian, chi phí và nhân lực, cùng với các khả năng theo dõi kế hoạch, chi phí và quản lý chất lượng được nâng cao.

Theo ông Anh Tuấn, hiện nay, KTNN Việt Nam vẫn thực hiện kiểm toán dự án đầu tư chủ yếu dựa trên hồ sơ lưu trữ của đơn vị được kiểm toán với các công cụ và một số phần mềm kiểm toán như: Phần mềm dự toán, phần mềm tính toán kết cấu áo đường, phần mềm thiết kế… Bên cạnh đó, KTNN cũng bước đầu ứng dụng một số công nghệ cao như công nghệ viễn thám, công nghệ siêu âm một số công trình dự án trong hoạt động kiểm toán và đã đạt được những kết quả khích lệ.

Tuy nhiên, việc ứng dụng mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm, chưa được tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng. Do đó, việc nghiên cứu, hệ thống hoá phương pháp, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất ứng dụng công nghệ cao với Mô hình BIM là chủ đạo trong hoạt động kiểm toán của KTNN trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết.
 

Ban Đề tài phát biểu tại Hội thảo

Mục tiêu tổng quát của Đề tài là tìm hiểu và vận dụng Mô hình BIM trong kiểm toán chất lượng, khối lượng dự án đầu tư. Để đạt được mục tiêu trên, Đề tài sẽ nghiên cứu, hệ thống hóa cơ sở lý luận các phương pháp kiểm toán khối lượng và chất lượng; Khảo sát kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động kiểm tra, kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình xây dựng tại một số quốc gia phát triển trên thế giới; Khảo sát thực trạng để đánh giá khả năng và hiệu quả vận dụng công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình xây dựng của KTNN Việt Nam; Đề xuất giải pháp hữu hiệu trong áp dụng mô hình BIM để kiểm toán chất lượng, khối lượng dựa trên công cụ công nghệ cao.

Đề tài được kết cấu thành 03 Chương: Cơ sở lý luận vận dụng các công cụ công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình; Thực trạng vận dụng các công cụ kiểm toán trong kiểm toán chất lượng và khối lượng dự án đầu tư xây dựng công trình; Định hướng và hướng dẫn thực hiện kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình áp dụng Mô hình BIM.
 
Phát biểu tại Hội thảo, các nhà khoa học đánh giá đây là một nội dung rất mới, được triển khai nghiên cứu đi trước, có tính ứng dụng rất cao, thiết thực phục vụ cho hoạt động của KTNN.

Để hoàn thiện Đề tài, các ý kiến đề nghị Ban Đề tài cần rà soát, phân bổ lại nội dung giữa các Chương để đảm bảo tính logic; Làm rõ thực trạng ứng dụng Mô hình BIM trong quản lý thi công công trình ở Việt Nam; Đi sâu nghiên cứu các điều kiện, nội dung để có thể ứng dụng Mô hình BIM trong hoạt động kiểm toán…

Trong Chương 3, cần biên tập để tập trung hơn về những định hướng và giải pháp thực hiện kiểm toán chất lượng, khối lượng công trình dựa trên công nghệ cao.

Ban Chủ nhiệm đề tài trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề tài trước khi trình Hội đồng thẩm định./.

M. Thúy
 

Xem thêm »