Nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) luôn là yêu cầu quan trọng mà mỗi cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) cần hướng đến nhằm khẳng định vị thế cũng như uy tín của mình. Để phù hợp với thông lệ quốc tế, SAI Việt Nam cần cập nhật và sửa đổi Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
SAI Việt Nam cần cập nhật và sửa đổi Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế. Ảnh tư liệu
Chuẩn mực quốc tế về đạo đức kiểm toán viên nhà nước
Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp - ISSAI 30 của INTOSAI cung cấp cho các SAI và nhân viên của họ những giá trị và nguyên tắc để thực hiện hành vi của mình. Hơn nữa, do đặc thù môi trường hoạt động trong khu vực công nên ISSAI 130 có những hướng dẫn bổ sung về cách vận dụng các nguyên tắc vào công việc hằng ngày và trong tình huống cụ thể. ISSAI 130 cũng thể hiện rõ các yêu cầu, hướng dẫn ứng dụng và định nghĩa chúng cho từng giá trị đạo đức cơ bản. Đặc biệt, Bộ quy tắc này không chỉ quy định đối với SAI và các nhân viên nội bộ mà còn áp dụng cho tất cả những người trực tiếp làm việc hoặc ký hợp đồng để thực hiện kiểm toán cùng với SAI.
ISSAI 130 được xây dựng dựa trên 5 giá trị cơ bản, bao gồm: Liêm chính (hành động trung thực, đáng tin cậy, thiện chí và vì lợi ích công); độc lập và khách quan (thoát khỏi hoàn cảnh hoặc các mối đe dọa có thể được coi là thỏa hiệp, các xét đoán chuyên môn, hành động một cách vô tư và không thiên vị); trình độ, hiểu biết, kỹ năng và thái độ (có trình độ chuyên môn phù hợp, lĩnh hội và duy trì kiến thức, kỹ năng phù hợp với vai trò; hành động phù hợp với chuẩn mực và sự thận trọng); hành vi chuyên nghiệp (tuân thủ luật pháp, quy định hiện hành và các quy định có liên quan để tránh mọi hành vi có thể làm mất uy tín của Kiểm toán nhà nước - KTNN); bảo mật và minh bạch (để bảo vệ thông tin một cách thích hợp, cân bằng giữa bảo mật với nhu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình).
Đối với quy tắc ứng xử nghề nghiệp, INTOSAI không ban hành hướng dẫn cụ thể nhưng khuyến khích các SAI căn cứ vào môi trường văn hóa, đạo đức của mỗi nước, môi trường kiểm toán và những vấn đề chủ yếu cần điều chỉnh về hành vi ứng xử của KTVNN để ban hành những quy định phù hợp. Về tổng quan, quy tắc ứng xử nghề nghiệp của KTVNN dựa trên 3 tiêu chí sau:
Ứng xử với đơn vị được kiểm toán phải tôn trọng, thiện chí; ngôn ngữ sử dụng và kỹ năng giao tiếp phù hợp với từng mối quan hệ và tình huống công việc; không được lợi dụng danh nghĩa KTVNN để thực hiện hành vi vụ lợi trái pháp luật; tôn trọng các quy định nội bộ của đơn vị...
Ứng xử với đồng nghiệp thân thiện, tôn trọng, đoàn kết, bảo vệ danh dự và giữ uy tín của nhau; phối hợp và giúp đỡ đồng nghiệp để hoàn thành công việc; tôn trọng và chấp hành các quyết định của cấp trên; trung thực trong báo cáo công việc và cung cấp thông tin với cấp quản lý...
Ứng xử với đơn vị liên quan đến cuộc kiểm toán phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật; yêu cầu về thông tin phải có nội dung rõ ràng; tôn trọng và khuyến khích sự hợp tác; chỉ cung cấp những thông tin, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức có liên quan khi có kết luận chính thức và theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát rủi ro và quy định rõ trách nhiệm theo từng cấp
Trên cơ sở các tiêu chí trong ISSAI 30 và ISSAI 130 của INTOSAI, mỗi SAI sẽ cụ thể hóa thành các nội dung cụ thể trong Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử nghề nghiệp. Để phù hợp với ISSAI 130, SAI Việt Nam cần cập nhật và sửa đổi Chuẩn mực KTNN 30, trong đó có các quy định về đạo đức đối với cơ quan KTNN và đạo đức chuyên môn nghề nghiệp cho các KTVNN.
Đặc biệt, SAI Việt Nam cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định mới theo ISSAI 130 trên các khía cạnh sau: Đảm bảo uy tín - SAI cần hoạt động như một tổ chức kiểu mẫu và thể hiện rõ sự tự tin, uy tín đối với công chúng và các bên liên quan. Hành vi đạo đức là một thành phần chính trong thiết lập, duy trì sự tin tưởng và uy tín cần thiết, vì vậy, quy tắc đạo đức là điều kiện tiên quyết cho hoạt động của KTNN.
ISSAI 130 đã bổ sung nội dung xác định rủi ro về đạo đức - rủi ro về việc không tuân thủ các giá trị đạo đức cơ bản và thường chịu ảnh hưởng của một loạt các nhân tố như: Chính trị và áp lực từ các bên khác, lợi ích cá nhân, sự thiên vị trong xét đoán chuyên môn, mối quan hệ lâu dài hoặc gần gũi với đơn vị được kiểm toán... Để kiểm soát các rủi ro trên, SAI Việt Nam cần quy định việc xác định, đánh giá rủi ro và kiểm soát rủi ro thông qua các biện pháp nhằm giảm thiểu hành vi phi đạo đức trên cơ sở luật pháp và các quy định về kiểm toán.
SAI Việt Nam cũng cần nghiên cứu quy định về trách nhiệm của cơ quan kiểm toán theo ISSAI 30 để sửa đổi Chuẩn mực KTNN 30 cho phù hợp, bao gồm: Trách nhiệm chung (bộ quy tắc đạo đức phù hợp với chuẩn mực quốc tế và công khai với công chúng; lãnh đạo SAI phải trở thành các tấm gương điển hình về đạo đức; xây dựng hệ thống kiểm soát đạo đức để thúc đẩy các hành vi tuân thủ…); trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo các cấp thuộc SAI (có thông điệp rõ ràng, nhất quán và thường xuyên; thực hiện các chiến lược, chính sách và thủ tục nhằm thúc đẩy đạo đức; duy trì các chuẩn mực về chuyên môn nghiệp vụ, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong việc ra quyết định...); trách nhiệm trong quản lý và giám sát về đạo đức nghề nghiệp (công nhận đạo đức là một tiêu chí trong tuyển dụng, đánh giá hoạt động và phát triển nghề nghiệp, nhận diện các hành vi đạo đức tốt và áp dụng các biện pháp bảo vệ trước các rủi ro từ các xung đột về lợi ích hay các vấn đề về bảo mật).
Đối với KTVNN, Chuẩn mực KTNN 30 cần thể hiện rõ các giá trị đạo đức cơ bản theo ISSAI 130, bao gồm: Tính chính trực; độc lập và khách quan; hành vi chuyên nghiệp; bảo mật và minh bạch. Bên cạnh đó, SAI Việt Nam cần thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho KTVNN theo phương châm “Công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”; xây dựng văn hóa ứng xử nghề nghiệp của KTVNN, nhất là KTVNN trẻ, văn hóa ứng xử trong nội bộ đơn vị, giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các thành viên đoàn kiểm toán và các đơn vị trong cơ quan./.
TS. ĐẶNG THỊ HOÀNG LIÊN
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước
(Báo Kiểm toán số 34/2022)