Đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước - yếu tố quan trọng để phòng chống tham nhũng trong hoạt động Kiểm toán nhà nước

26/08/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 (sav.gov.vn) - Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố quan trọng tác động đến phòng chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Kể từ năm 2014, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký và ban hành Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp - Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước (KTNN) số 30 quy định về Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN). Bộ Quy tắc được coi là cơ sở để KTVNN rèn luyện ý thức, nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về đạo đức công vụ gắn với đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước - yếu tố quan trọng để phòng chống tham nhũng trong hoạt động Kiểm toán nhà nước

Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước, hạn chế tối đa hành vi tiêu cực nảy sinh trong quá trình kiểm toán

Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của KTNN được xây dựng trên cơ sở Tuyên bố Lima về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán, Bộ quy tắc đạo đức của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), các chuẩn mực khác của INTOSAI, đặc điểm, yêu cầu quản lý cán bộ, công chức, công vụ và hoạt động kiểm toán tại Việt Nam. Hành vi đạo đức của KTVNN là một trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo uy tín của KTNN. Bất kỳ vi phạm nào về tư cách đạo đức nghề nghiệp hay bất kỳ một thái độ cư xử chưa thỏa đáng nào trong cuộc sống cá nhân của kiểm toán viên cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tính liêm chính, chất lượng và hiệu lực của hoạt động kiểm toán; ảnh hưởng đến uy tín về năng lực và độ tin cậy của KTNN. Vì vậy, việc chấp nhận và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTVNN sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTNN, KTVNN và hoạt động kiểm toán của KTNN.

KTVNN có trách nhiệm tăng cường, củng cố uy tín và độ tin cậy của cơ quan KTNN thông qua việc chấp nhận và tuân thủ các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, đó là: “Liêm chính, Độc lập, Khách quan, Uy tín và Tin cậy”.

KTVNN phải chấp nhận và có nghĩa vụ tuân thủ triệt để các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, gồm: Liêm chính, độc lập và khách quan; trình độ, năng lực và kỹ năng chuyên môn; thận trọng nghề nghiệp và bảo mật thông tin. Bởi, việc tuân thủ và áp dụng những quy định về đạo đức đối với các KTVNN sẽ làm tăng uy tín và độ tin cậy của KTVNN và KTNN, quyết định đến sự phát triển của KTNN.

Mặt khác, việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp cho KTVNN tránh được những rủi ro trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, trong đó nổi lên là nguy cơ: Tư lợi, quan hệ ruột thịt, từ việc bị đe dọa, bị mua chuộc… Điều này sẽ dẫn đến các hành vi sai trái của KTVNN như: Không đưa ra kết luận đầy đủ về sai phạm của đơn vị, cố tình che giấu bớt sai phạm lớn.

Trong hoạt động kiểm toán, KTVNN phải đối diện với các nguy cơ trong các lĩnh vực thực hiện kiểm toán, như: Ngân sách địa phương và quản lý đất đai gắn với phát triển nhà, đô thị; đầu tư xây dựng; ngân sách Bộ, ngành… Hoạt động kiểm toán mang tính nhạy cảm, KTVNN thường xuyên phải đối mặt với cám dỗ nên vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng như kỹ năng đối phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán được Lãnh đạo KTNN phải được coi trọng hàng đầu.

Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp KTVNN và đối phó với hành vi tiêu cực nảy sinh trong quá trình kiểm toán, KTNN đã và đang dần hoàn thiện, áp dụng chính sách, văn bản hướng dẫn chuẩn mực và nghiệp vụ kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, ý thức cho KTVNN; đề cao vai trò gương mẫu của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, Trưởng đoàn, Tổ trưởng Tổ kiểm toán trong việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của KTNN.

Lãnh đạo và toàn Ngành KTNN luôn quyết tâm cao, coi trọng việc tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của KTVNN và đối phó với hành vi tiêu cực, gian lận trong hoạt động kiểm toán. Trong đó, công tác xây dựng văn hóa tổ chức, chấp hành quy định về đạo đức được coi trọng. Các KTVNN phải phải tự ý thức, cân nhắc và chịu trách nhiệm đối với các hành vi của bản thân, vì chỉ KTV mới có thể tuân thủ một cách tự thân và có hiệu quả nhất. Mỗi KTVNN phải nhận thức đúng về vai trò của KTNN trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và những biểu hiện tiêu cực khác. Đồng thời, KTVNN phải nhận thức được đầy đủ về quyền và nhiệm vụ của mình liên quan đến việc bảo đảm tính độc lập trong quá trình kiểm toán; thường xuyên nâng cao nhận thức về tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng nghề nghiệp, không ngừng tự rèn luyện bản lĩnh chính trị.

KTNN luôn chú trọng việc kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của KTVNN bằng nhiều biện pháp, trong đó tăng cường các cuộc kiểm tra, đánh giá mang tính đột xuất việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị kiểm toán, Đoàn, Tổ kiểm toán và các thành viên. Đề cao sự công khai, minh bạch các quy trình thực hiện kiểm toán và coi đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm hạn chế tiêu cực nảy sinh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ của KTNN.

Để ứng phó với hành vi tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, bên cạnh các quy định chung của Luật Công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên ban hành các Chỉ thị để điều hành hoạt động của Ngành, chấn chỉnh hoạt động kiểm toán, nâng cao kỷ luật công chức, công vụ. Theo đó, KTVNN phải tuân thủ đầy đủ các quy định về Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp của KTVNN; giữ gìn tác phong, đạo đức công vụ; giữ gìn uy tín, hình ảnh và nguyên tắc độc lập, khách quan và liêm chính của KTVNN. Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải chủ động báo cáo kịp thời hoạt động của Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và KTVNN đang trong quá trình thục hiện kiểm toán, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của KTNN và chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, như: Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán, KTVNN không kịp thời báo cáo về các hành vi, dấu hiệu tham nhũng phát hiện qua kiểm toán để chuyển cơ quan điều tra theo quy định; vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, đưa, nhận, môi giới hối lộ dưới mọi hình thức; kiểm toán ngoài phạm vi theo kế hoạch đã được phê duyệt; báo cáo sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán và vi phạm các quy định khác về thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn kiểm toán; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán, tiết lộ kết quả kiểm toán khi báo cáo kiểm toán chưa được phát hành.

Bên cạnh đó, KTNN còn đẩy mạnh các hoạt động thanh tra nhằm phát hiện những hạn chế trong hoạt động của các đơn vị, từ đó kiến nghị đơn vị kiểm điểm rút kinh nghiệm; tăng cường hơn nữa công tác PCTN ngay trong hoạt động kiểm toán. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng được KTNN chú trọng, đi vào nề nếp, giúp hạn chế được rủi ro trong quá trình kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, đẩy mạnh PCTN…
 
Phẩm chất, năng lực, đạo đức của Kiểm toán viên nhà nước góp phần đảm bảo hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Kể từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức 77 lớp đào tạo, bồi dưỡng các ngạch KTVNN cho 5.246 lượt công chức, viên chức (CCVC); bồi dưỡng Lãnh đạo cấp Vụ, cấp phòng cho 894 lượt CCVC; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh: 780 lượt CCVC; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của ngành và đơn vị: Khoảng 1.188 lớp cho gần 62.000 lượt CCVC; bồi dưỡng lý luận chính trị cho 774 lượt CCVC; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước các ngạch cho 1.689 lượt CCVC; tổ chức 355 lớp đào tạo, bồi dưỡng tin học cho hơn 10.000 lượt CCVC; cử 359 lượt CCVC đi bồi dưỡng ngoại ngữ; cử 394 lượt CCVC học tập sau đại học...

Toàn Ngành KTNN có 5 Giáo sư, Phó giáo sư; 65 tiến sỹ, 893 thạc sỹ, nhiều người có chứng chỉ kiểm toán quốc tế, ACCA, ACCF… 100% công chức, viên chức có 1 bằng đại học, có nhiều người có 2 bằng đại học trở lên, 174 cán bộ tốt nghiệp Thạc sỹ ở nước ngoài. Cơ cấu cán bộ hợp lý, lực lượng trẻ được đào tạo cơ bản, năng lực cán bộ chính là giải pháp quan trọng để KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong công tác quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực công và PCTN.

Từ năm 2002 đến nay, biên chế của KTNN luôn được Chính phủ và Quốc hội quan tâm, tạo điều kiện, giao tăng dần qua từng năm. Trên cơ sở số biên chế được giao, trong những năm qua, KTNN thực hiện tốt công tác tuyển dụng công chức phù hợp với từng đơn vị, từng vị trí công tác. Để thực hiện các mục tiêu về đào tạo, bồi dưỡng công chức KTNN ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCC ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xây dựng được chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng các ngạch KTVNN.

Bên cạnh đó, KTNN đã triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của KTVNN... Có thể nói, phẩm chất, năng lực cán bộ là chìa khóa quyết định sự lớn mạnh, uy tín, chuyên nghiệp của KTNN, nhờ chăm lo công tác cán bộ, lựa chọn, tiếp nhận cán bộ có tài năng, đức độ, thông qua công tác thi tuyển công chức công khai, nên KTNN đã chọn được cán bộ giỏi, cán bộ trẻ cho Ngành. Việc  coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN đã góp phần đảmbảo hiệu lực, hiệu quả phòng, chống htam nhũng ở nước ta.

Tuy nhiên, để công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức KTNN trong thời gian tới luôn đáp ứng với yêu cầu phát triển của Ngành, đặc biệt là gắn đào tạo và phát triển đội ngũ KTVNN đáp ứng yêu cầu của KTNN đối với công tác phòng, chống tham nhũng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức KTNN cần:

Tiếp tục đổi mới sát với thực tế để bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ KTVNN. Xây dựng đội ngũ KTVNN có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, mỗi KTVNN cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực nghiệp vụ để có được bản lĩnh, sự linh hoạt, nhạy bén nhằm giải quyết được các tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Chú trọng công tác tự bồi dưỡng, tự đào tạo theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”; tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm kiểm toán; thường xuyên cập nhật quy định mới của pháp luật để phổ biến, tập huấn cho đội ngũ KTVNN; đồng thời, tăng cường hoạt động sơ kết, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán tại các đơn vị KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực.

Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng hoặc lồng ghép nội dung về phòng, chống tham nhũng vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với các lớp bồi dưỡng ngạch KTVNN.

Cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ KTVNN nhằm trang bị kiến thức pháp luật vững vàng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức nghề nghiệp và kiến thức về phòng chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Đào tạo cơ bản và đào tạo thường xuyên; bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng chuyên sâu, theo chuyên đề. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành.

Nghiên cứu tổ chức các hội nghị tập huấn; các hội thảo khoa học nghiệp vụ về hoạt động phòng chống tham nhũng, về quan hệ phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc KTNN và quan hệ phối hợp với các đơn vị ngoài KTNN.

Tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng của các Cơ quan Kiểm toán trên thế giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện cho đội ngũ KTVNN đi khảo sát, học tập, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng ở nước ngoài. Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác quốc tế là nâng cao chất lượng của đội ngũ KTVNN về nghiệp vụ, chuyên môn thông qua việc trao đổi, nghiên cứu, học tập, cũng như tiếp cận phương pháp kiểm toán hiện đại, kinh nghiệm phòng chống tham nhũng của các nước phát triển; tiếp tục phát huy các mối quan hệ phối hợp đã có; đồng thời, tìm kiếm các đối tác mới với các hình thức hợp tác đa dạng, thiết thực.

KTNN cần tiếp tục nghiên cứu, cải cách chế độ tiền lương, tạo ra sự yên tâm công tác, tận tâm tận lực với công vụ của đội ngũ công chức, KTVNN. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Ngành.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hóa nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ KTVNN, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị thư viện điện tử góp phần hỗ trợ việc tham khảo tài liệu, mô phỏng thực tiễn, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ kiểm toán./.

Khánh Vy
 

Xem thêm »