Khai giảng Lớp bồi dưỡng Tổng quan về kinh tế đối ngoại và nghiệp vụ hải quan

05/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 05/9/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 111 Trần Duy Hưng, Câu Giấy, Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (ĐT & BDNVKT) khai giảng Lớp Bồi dưỡng “Tổng quan về kinh tế đối ngoại và nghiệp vụ hải quan”.

Trưởng phòng QLĐT & BD Nguyễn Anh Phương phát biểu khai giảng lớp học

Tham dự Buổi khai giảng có Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng, Trường ĐT & BDNVKT Nguyễn Anh Phương cùng 36 học viên theo Quyết định số 91/QĐ-KTNN ngày 25/1/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Giảng viên hướng dẫn lớp học là bà Dương Thị Quyên, Trưởng phòng Pháp Chế, Tổng cục Hải Quan.

Phát biểu khai giảng lớp học, ông Nguyễn Anh Phương cho biết, chương trình bồi dưỡng tổng quan về kinh tế đối ngoại và nghiệp vụ hải quan có thời lượng bồi dưỡng 40 tiết, trong đó có 8 tiết tổng quan về hoạt động kinh tế đối ngoại, 28 tiết về nghiệp vụ hải quan và 4 tiết kiểm tra đánh giá cuối khóa học. Chương trình dành cho đối tượng là Kiểm toán viên nhà nước tại các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực và các đơn vị tham mưu tham gia hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với công tác quản lý thu thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cơ quan Hải quan; đối tượng khác cần bổ trợ kiến thức theo Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Tài liệu lớp bồi dưỡng được chia làm hai chuyên đề, Chuyên đề 1: Tổng quan về hoạt động kinh tế đối ngoại; chuyên đề 2: Nghiệp vụ hải quan, nhằm bổ trợ kiến thức về kinh tế đối ngoại, hoạt động ngoại thương, hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, giúp các học viên có kiến thức nền tảng trước khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về kiểm toán thuế tại các cơ quan Hải quan. Các học viên được trang bị kiến thức chung về: Quản lý Nhà nước đối với kinh tế đối ngoại; những kiến thức cơ bản về hoạt động ngoại thương, xuất nhập khẩu hàng hóa và nghiệp vụ hải quan có liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa như hợp đồng thương mại, thanh toán quốc tế, vận tải bảo hiểm; khái quát về hệ thống pháp luật Hải quan, các nghiệp vụ hải quan, một số quy trình thủ tục hải quan và công tác quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
 
Quang cảnh lớp học

Tại lớp học, giảng viên đã chia sẻ các nội dung cụ thể: Khái niệm chung về hoạt động kinh tế đối ngoại; vai trò của hoạt động kinh tế đối ngoại trong nền kinh tế; hoạt động kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong các giai đoạn; bối cảnh chung của kinh tế thế giới; quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động kinh tế đối ngoại; khái niệm và đặc điểm của Hợp đồng mua bán Quốc tế; điều kiện hiệu lực của Hợp đồng mua bán Quốc tế; các nội dung và điều khoản cơ bản của Hợp đồng mua bán Quốc tế; các điều kiện thương mại quốc tế Incoterm (ấn bản Incoterm 2020); các loại chứng từ vận tải ngoại thương; đối tượng của bảo hiểm ngoại thương và các điều khoản áp dụng...
Bên cạnh đó, học viên cũng sẽ được tìm hiểu kiến thức quản lý Nhà nước về Hải quan, giới thiệu về Luật Hải quan năm 2014; quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; chứng từ hàng hóa xuất nhập khẩu; quy tắc phân loại hàng hóa; các phương pháp xác định trị giá đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, nhập khẩu tại cơ quan Hải quan; quản lý rủi ro; quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu...

Đại diện Ban Tổ chức lớp học yêu cầu các học viên tham gia đầy đủ các buổi học, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế đào tạo của trường. Mong muốn thông qua khóa học, các học viên sẽ có dịp trao đổi chia sẻ thêm kinh nghiệm về kinh tế đối ngoại và nghiệp vụ hải quan, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lớp học diễn ra từ ngày 05/9 đến hết ngày 09/9/2022./.

Thanh Trang
 

Xem thêm »