Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”

14/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 14/9/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát Chuyên đề Tối cao của Quốc hội: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội điều hành phiên họp

Tham dự buổi làm việc Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện các cơ quan, Bộ, ngành; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ dự phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Nguyễn Phú Cường – Phó Trưởng đoàn Giám sát cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát Tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát; xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo chuyên đề giám sát. Đồng thời, tổ chức làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Để chuẩn bị tài liệu làm việc, giám sát tại Bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát đã thành lập các Tổ công tác khảo sát, làm việc, chuẩn bị các báo cáo đánh giá kết quả làm việc bước đầu với các Bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, các Bộ, ngành, địa phương đã gửi đủ các báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Quá trình giám sát, các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu.  Tuy nhiên, do phạm vi, quy mô giám sát Chuyên đề rộng, khoảng thời gian dài từ năm 2016 đến năm 2021, hệ thống thông tin, dữ liệu liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức, nên mặc dù rất nỗ lực, nhưng sau nhiều lần bổ sung báo cáo thông tin, số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn giám sát; chưa lượng hóa được nhiều số liệu tiết kiệm, thất thoát, lãng phí; nhiều thông tin, số liệu báo cáo chưa chính xác, còn mâu thuẫn trong từng báo cáo và giữa các Bộ, ngành quản lý với kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra. “Hạn chế này đã gây nên những khó khăn nhất định cho việc tổng hợp, nhận định, đánh giá của Đoàn giám sát” – Phó Trưởng đoàn Giám sát nêu rõ.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBTVQH. Lãnh đạo Quốc hội đã dành thời gian tham dự một số cuộc làm việc với Đoàn giám sát và một số Bộ, địa phương và có ý kiến cụ thể để các Bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thông tin báo cáo. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tổ chức đóng góp ý kiến cho nội dung của Báo cáo giám sát.

Bên cạnh đó, các Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương đã tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp vừa có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của ngành mình, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật của các đối tượng thuộc lĩnh vực được phân công thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước cho cả giai đoạn 2016-2021 phục vụ chuyên đề giám sát.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ dự phiên họp

Về tổng thể, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội được Đảng, Quốc hội đề ra, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh với mức tăng GDP bình quân đạt 6,8% trong các năm 2016-2019. Các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm ngày càng vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Giai đoạn 2016-2021, Quốc hội, UBTVQH thông qua 179 Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành ở Trung ương đã ban hành theo thẩm quyền 5.978 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN), các nguồn vốn Nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực. Quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển; bảo đảm kinh phí thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng và thực hiện chuẩn nghèo đa chiều. 

Tổng số tiền tiết kiệm kinh phí NSNN, vốn Nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,2% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát vốn, tài sản Nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản Nhà nước lớn, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, tài sản Nhà nước, đất đai và tài nguyên, khoáng sản.

Ông Nguyễn Phú Cường khẳng định: Kết quả bước đầu hoạt động giám sát Chuyên đề Tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương. “Công tác giám sát đã giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều Bộ, ngành, địa phương qua kết quả giám sát ban đầu của Đoàn giám sát và giám sát Chuyên đề của Quốc hội đã chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế này” – ông Nguyễn Phú Cường cho biết.

Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH đồng tình cho rằng, công tác giám sát đã tạo chuyển biến bước đầu hết sức quan trọng về nhận thức và hành động của các cấp các ngành, địa phương.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, quyết định giám sát Chuyên đề là chủ trương rất đúng đắn, kịp thời của Quốc hội. Đây là sáng kiến của Chủ tịch Quốc hội để qua giám sát đánh giá lại được việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực quốc gia bao gồm cả nhân lực, tài lực và vật lực.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của Đoàn giám sát và trách nhiệm của Tổ biên tập, cơ bản bám sát được mục tiêu, đề cương giám sát. “Kết quả bước đầu giám sát cơ bản đáp ứng được sự kỳ vọng rất lớn của UBTVQH, các cơ quan dân cử Trung ương, địa phương và cử tri nhân dân, để sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết sẽ tạo chuyển biến trong quá trình tổ chức thực hiện” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lưu ý đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, phức tạp, rất nhiều thông tin số liệu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nói rõ hơn trong báo cáo mục tiêu, quan điểm, phạm vi, trọng tâm, định hướng của Chuyên đề giám sát này.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với những nội dung lớn của dự thảo báo cáo và đề nghị: Quốc hội phát động cuộc vận động, Chính phủ phát động phong trào thi đua trong toàn quốc về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tiếp tục ban hành Chương trình hành động hàng năm; định kỳ tổng kết, đánh giá, có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với các mô hình hay, điển hình tiên tiến; kịp thời xử lý các vi phạm./.

M. Thúy
 

Xem thêm »