Cuộc kiểm toán “Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021”: Nhiều tồn tại, bất cập trong việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công ích trong phạm vi toàn quốc

15/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nhằm tăng cường kiểm toán các nội dung có liên quan đến dịch vụ công, công ích, năm 2022, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công/ công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Thông qua hoạt động kiểm toán đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công ích trong phạm vi toàn quốc, có các kiến nghị nổi bật để chấn chỉnh các sai phạm, thu hồi các khoản chi sai, giúp các đơn vị thực hiện đúng quy định, sử dụng kinh phí nhà nước cho các hoạt động dịch vụ công ích tiết kiệm, hiệu quả.

KTNN tổ chức Tọa đàm nhằm trao đổi các phát hiện, kết quả và khó khăn vướng mắc trong thực hiện đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công ích

Nhiều kết quả kiểm toán nổi bật

Thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2022, Chuyên đề “Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công/công ích giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” được triển khai ở 14 tỉnh, Thành phố: Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Lâm Đồng.  Đến thời điểm hiện tại, có 7 Đoàn kiểm toán đã kết thúc và gửi dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT) trình phát hành.

Theo bà Bùi Thị Minh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), cuộc kiểm toán chuyên đề được thực hiện với mục tiêu tập trung vào 04 loại dịch vụ công/công ích: Quản lý công viên, trồng và quản lý chăm sóc cây xanh, hoa cảnh vỉa hè, đường phố, dải phân cách, vòng xoay; Thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng; Vận tải công cộng tại các đô thị; Thoát nước đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung.

 Với hình thức tổ chức kiểm toán lồng ghép, các giai đoạn từ tổ chức khảo sát thu thập thông tin đến giai đoạn lập BCKT được thực hiện song song với các cuộc kiểm toán Ngân sách địa phương (NSĐP) của các KTNN khu vực. Về công tác lập, phân bổ và giao dự toán chi dịch vụ công/công ích, các Đoàn kiểm toán đã chỉ ra một số đơn vị xác định nội dung, khối lượng công việc thực hiện làm cơ sở lập dự toán các dịch vụ công/công ích còn chưa đảm bảo các căn cứ hợp lý, thiếu cơ sở, không thuyết minh rõ được các nội dung công việc; giao dự toán đối với hoạt động giá dịch vụ công/công ích đối với một số hạng mục địa phương chỉ căn cứ vào khối lượng thực tế, chưa căn cứ vào định mức đơn giá do tỉnh chưa ban hành.

Về tổ chức thực hiện dịch vụ công ích, kết quả kiểm toán cho thấy, một số địa phương chưa thực hiện đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ công/công ích; thực hiện đặt hàng đối với một số dịch vụ công/công ích chưa đảm bảo điều kiện "chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện"; đặt hàng với đơn vị sự nghiệp công lập chưa có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ... Hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ tính pháp lý. Việc thực hiện nghiệm thu, thanh quyết toán còn sai quy định, thiếu căn cứ để xác định khối lượng hoàn thành so với hợp đồng đặt hàng.

Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI Mai Văn Quang, qua kiểm toán tại các địa bàn được phân công, Đoàn kiểm toán đã phát hiện một số vấn đề nổi cộm: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân một số địa phương về giao dự toán chi sự nghiệp môi trường không rõ ràng; các quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đối với dịch vụ công ích chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ; các địa phương chưa có quy định về tần suất thực hiện của từng công việc; định mức chi phí chung chưa được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quy định cụ thể cho từng địa phương. Ngoài ra, việc tham mưu, ban hành định mức một số nội dung công việc chưa có trong định mức do Trung ương ban hành chưa kịp thời; việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thực hiện bằng cơ giới thay cho thực hiện bằng thủ công; chưa có tiêu chuẩn áp dụng đối với việc quản lý chất lượng, nghiệm thu khối lượng hoàn thành…

Ngoài ra, UBND một số thành phố, huyện, thị chưa ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như các quy định cụ thể về: Tần suất thực hiện, điều kiện và thủ tục tăng cường và giảm tần suất với một số công việc cần thực hiện để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường; các nội dung công việc cần thực hiện cho các tuyến đường trên các khu vực địa bàn để đảm bảo quản lý chất lượng đồng thời làm cơ sở để xác định khối lượng dự toán, khối lượng mời thầu công việc duy trì vệ sinh môi trường… Khối lượng quét, thu gom rác lòng đường, vỉa hè các tuyến đường không có hồ sơ xác định chi tiết mà kế thừa cách xác định khối lượng đã thực hiện những năm trước. “Những tồn tại trên dẫn đến việc khó xác định khối lượng thực hiện đã trừ phần giao nhau giữa các tuyến đường trong quét lòng đường, trừ phần bồn cây chiếm chỗ trong quét hè …Việc lập dự toán đơn giá quét, thu gom rác đường phố bằng phương pháp thủ công với đơn giá cao hơn trong khi thực tế có đủ điều kiện, phương tiện để thi công bằng phương pháp cơ giới với đơn giá thấp hơn” - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XI Mai Văn Quang cho biết.

Cũng theo ông Mai Văn Quang, một số UBND các thành phố, các huyện chưa phối hợp với Cơ quan thuế trong việc lập bộ các hộ kinh doanh trên địa bàn làm căn cứ thu phí vệ sinh môi trường. Dự toán thu chưa lập số thu được từ các hộ kinh doanh làm căn cứ giảm trừ phần hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (NSNN). Các số liệu làm căn cứ lập dự toán thu giá dịch vụ của các đơn vị hầu hết chưa sát với số liệu thống kê của Chi cục thống kê của các thành phố, các huyện tại tất cả các chỉ tiêu về dân số, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp và tổ chức.

Nhấn mạnh trong quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ công/ công ích, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu là khâu quan trọng, là chốt chặn ngăn ngừa nguy cơ lãng phí, tham nhũng kinh phí NSNN, ông Mai Văn Tân, đại diện KTNN khu vực XIII, đơn vị được Lãnh đạo KTNN giao chủ trì lập Đề cương kiểm toán chuyên đề và tổng hợp Báo cáo kiểm toán chuyên đề của toàn Ngành đã chỉ ra một số các phát hiện kiểm toán quan trọng ở nội dung này, như: Có địa phương lập, thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh và duy tu, sữa chữa dịch vụ chiếu sáng công cộng và đèn tín hiệu giao thông trên địa bàn huyện bao gồm cả tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong khi các sản phẩm dịch vụ này là đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định Luật Thuế GTGT. Ngoài ra, có địa phương lập, thẩm định, phê duyệt dự toán kinh phí chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trong khuôn viên các cơ quan Nhà nước, trường học… theo đơn giá chăm sóc cây xanh ngoài khuôn viên, làm gia tăng bất hợp lý dự toán kinh phí. Cũng có địa phương hướng dẫn xác định cự ly vận chuyển rác thải bao gồm cả quãng đường vận chuyển đi và quay trở về không đúng quy định tại Quyết định của Bộ Xây dựng, làm gia tăng không đúng quy định chi phí vận chuyển rác. Có địa phương lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu xử lý rác với mức chi phí cao hơn mức chi phí xử lý rác theo quy định của Bộ Xây dựng; sau khi đấu thầu, mặc dù có giảm giá nhưng giá trúng thầu vẫn cao hơn mức chi phí xử lý rác Bộ Xây dựng ban hành…

Tổng hợp kết quả của một số KTNN khu vực thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề cũng cho thấy, trong công tác lựa chọn nhà thầu, có tình trạng không thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; có trường hợp, sau khi đấu thầu lựa chọn nhà thầu xử lý rác không thành công, địa phương lại đặt hàng cho doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu xử lý rác theo quy định của địa phương thực hiện, gây bất cập cho công tác xử lý môi trường theo quy định.

Trong công tác thanh toán, quyết toán kinh phí còn một số tồn tại như áp sai đơn giá, định mức, hoặc thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công, hồ sơ thanh toán, quyết toán sơ sài, không đầy đủ các hồ sơ, tài liệu chứng minh khối lượng, chất lượng dịch vụ công/ công ích đã thực hiện, ngoài biên bản nghiệm thu đã ký giữa các bên. Có địa phương không giảm trừ số phí vệ sinh thu gom rác thu được của các tổ chức, hộ gia đình tại các tuyến đường được NSNN cấp kinh phí thu gom, xử lý rác.
 
Nâng cao chất lượng kiểm toán việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công ích

Việc tổ chức thực hiện các dịch vụ công, dịch vụ công ích tại các địa phương, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các thành phố du lịch đang trở thành mối quan tâm ngày càng lớn của Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội. Đây là các hoạt động tạo nên những tác động trực tiếp, trực quan đến đời sống của người dân, và cũng là lĩnh vực có rủi ro lớn về "lợi ích nhóm". Ở các thành phố lớn, nguồn phí NSNN dành cho các dịch vụ công, dịch vụ công ích thường rất lớn, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong kinh phí sự nghiệp của ngân sách địa phương. Vì vậy kiểm toán để đánh giá và xác nhận tính đúng đắn trung thực hợp lý việc chấp hành chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong quản lý sử dụng nguồn kinh phí này là rất cần thiết. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán nổi bật về việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp DVCI giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị, Đoàn kiểm toán đã rút ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện cuộc kiểm toán trên, cũng như đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán.
 

Việc thu gom xử lý rác thải cũng có chỗ, có nơi thực hiện chưa đúng quy định

Để nâng cao chất lượng kiểm toán, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Quán Hải đề xuất: KTNN cần xem xét giao một đơn vị trong Ngành làm đầu mối để theo dõi và tham mưu Lãnh đạo KTNN thống nhất trong quá trình tổ chức kiểm toán, xử lý các kiến nghị và kịp thời rút kinh nghiệm đối với các vấn đề phát sinh ở từng cuộc kiểm toán. Đồng thời, trong quá trình kiểm toán cần tổng hợp các sai sót, tồn tại trong việc đặt hàng, đấu thầu, cung cấp dịch vụ công ích tại các địa phương gửi cho các KTNN khu vực để tập trung kiểm toán các nội dung có trọng tâm, thường có sai sót.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của mỗi bằng chứng kiểm toán đối với kết quả kiểm toán, ông Nguyễn Quán Hải cho rằng trong quá trình thực hiện kiểm toán, các Đoàn kiểm toán cần phải rà soát, thu thập, củng cố các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp, làm cơ sở cho các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ Kiểm toán viên cũng là yếu tố sống còn của hoạt động kiểm toán.

Đối với việc triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề, các đơn vị kiểm toán, Đoàn kiểm toán phải bám sát đề cương kiểm toán trong quá trình thực hiện; đồng thời qua các cuộc kiểm toán đã tiến hành, cần tiếp tục rà soát, tổng hợp, đánh giá đề cương kiểm toán để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trước khi triển khai, KTNN cần tổ chức tập huấn trong toàn Ngành đề cương kiểm toán chuyên đề, các văn bản pháp luật có liên quan do các chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, cũng như các Kiểm toán viên giàu kinh nghiệm trình bày để định hướng cho đội ngũ Kiểm toán viên trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Đặc biệt, các đơn vị kiểm toán cần quyết liệt, sát sao hơn nữa trong việc chỉ đạo điều hành các Đoàn kiểm toán bám sát đề cương kiểm toán để thực hiện kiểm toán. Thường xuyên thực hiện kiểm tra, nhắc nhở các Kiểm toán viên thực hiện kiểm toán đầy đủ các nội dung kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được duyệt. Tăng cường phối hợp với địa phương, đơn vị được kiểm toán để đảm bảo thông tin được cung cấp đầy đủ, kịp thời, từ đó góp phần nâng cao kết quả kiểm toán.

Đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm toán chuyên đề nói chung và cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019-2021”, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và KSCLKT Bùi Thị Minh Ngọc cho rằng, các Đoàn kiểm toán cần tăng cường nhân sự và thời gian cho công tác khảo sát, lập KHKT để xác định đầy đủ nội dung, trọng tâm, phạm vi kiểm toán, đồng thời phù hợp với tình hình thực hiện tại địa phương.

Bà Bùi Thị Minh Ngọc đề xuất, trong quá trình lập, thẩm định dự thảo BCKT cũng như trong hoạt động kiểm toán, nếu phát hiện những kết quả kiểm toán điển hình về cơ chế, chính sách, những sai sót mang tính hệ thống, cần kịp thời trao đổi giữa các Đoàn kiểm toán nhằm đảm bảo các kết quả, kiến nghị kiểm toán được thống nhất và đầy đủ.

Để đánh giá được tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc tổ chức thực hiện dịch vụ công ích cho cả giai đoạn gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, theo đại diện KTNN khu vực III, các đơn vị của KTNN nên xem xét tổ chức“việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” gắn với giai đoạn phát triển kinh tế xã hội cụ thể của các địa phương; đi sâu đánh giá sự phù hợp, hiệu quả của việc sử dụng các nguồn kinh phí gắn với công tác quy hoạch phát triển của từng lĩnh vực của DVCI như: Cây xanh, điện chiếu sáng công cộng, vệ sinh môi trường, duy tu bảo dưỡng đường bộ tại địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng thống nhất cho rằng cần nâng cao tính minh bạch, tính kịp thời về thông tin và tình hình thực hiện nhiệm vụ của các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán. Các Trưởng Đoàn kiểm toán phải nắm vững thông tin, tình hình, kết quả kiểm toán của các Tổ kiểm toán, kịp thời báo cáo Kiểm toán trưởng để báo cáo Lãnh đạo KTNN những dấu hiệu sai phạm lớn, nghiêm trọng,, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo Đoàn kiểm toán và các Tổ kiểm toán đánh giá cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán, xác định các thông tin, tài liệu cần thu thập bổ sung để củng cố bằng chứng kiểm toán, hồ sơ kiểm toán, làm rõ nội dung kiểm toán hoặc chuyển các cơ quan bảo vệ pháp luật để điều tra, xử lý theo quy định.

KTNN cũng cần thống nhất các phương thức xử lý đối với các dạng sai phạm, tránh trường hợp cùng một sai phạm nhưng ở các địa phương khác nhau lại có kiến nghị khác nhau. Đồng thời, công khai các kết luận, kiến nghị kiểm toán của chuyên đề để người dân, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán, qua đó tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội và các cơ quan chức năng đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nâng cao hiệu lực của các kiến nghị kiểm toán của KTNN./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »