UBTVQH cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và phòng chống tham nhũng năm 2022

15/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 15/9/2022, tại Nhà Quốc hội, UBTVQH nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và phòng chống tham nhũng năm 2022. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nêu rõ, năm 2022 (từ ngày 1/10/2021-31/7/2022) cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực nói chung, công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng.
 
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối bảo vệ an ninh quốc gia, thúc đẩy lợi ích của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; triển khai đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng; giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.
 
Theo đó, 29.169 vụ phạm tội về trật tự xã hội đã được điều tra, khám phá, đạt 86,57%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 94,61%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,45%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; đã triệt phá 631 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực; bắt và vận động đầu thú 4.919 đối tượng truy nã, trong đó có 1.452 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm...

Toàn quốc xảy ra 33.693 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 9,75%), về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (giảm 38,61%), 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (tăng 33,33%).
 
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp; sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn.
 
Công tác tấn công trấn áp tội phạm ma túy đạt nhiều kết quả nổi bật, nhất là đã triệt phá được nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy lớn. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19; phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ…
 
Theo Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn, như: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm  và áp dụng các biện pháp ngăn chặn ; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh đều đạt cao và vượt chỉ tiêu Quốc hội ; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; số lượng kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm tăng 1,2%; tiếp tục phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt 82,6% (vượt 22,6% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội).
 
Bên cạnh đó, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm được tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ cao và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội, tăng 8,3%; số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 53,2%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận tăng nhiều (tăng 20,3%) và vượt chỉ tiêu của Quốc hội (vượt 3,6%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Hội đồng xét xử chấp nhận, đạt 80% và vượt 10% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt…
 
Báo cáo công tác của Tòa án Nhân dân tối cao năm 2022 nêu rõ, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã giải quyết 71,07% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra. Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 85,2% các vụ việc đã thụ lý. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; các Tòa án đã phối hợp với Viện kiệm sát nhân dân tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm. Đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện.
 
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã giải quyết 68,06% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp. Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 49% số các vụ đã thụ lý. Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Trong kỳ báo cáo, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; các Tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
 
Thẩm tra báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, năm 2022, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao. Tuy nhiên, về tổng thể, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm, nhưng một số loại tội phạm gia tăng.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày các báo cáo thẩm tra
 
Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19, đã xảy ra một số vụ án tham nhũng có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có sự tham gia của một số cán bộ cấp cao lợi dụng chính sách của Nhà nước làm trái quy định để vụ lợi. Tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về chứng khoán thị trường, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, nhiều hành vi vi phạm được thực hiện trong một thời gian dài mới phát hiện, xử lý. Cùng với đó là tình trạng nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để làm ngơ cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội xảy ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.
 
Đối với báo cáo công tác của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác của ngành kiểm sát vẫn còn một số tồn tại cần kịp thời khắc phục như: Còn để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn. Mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị. Tại một số Viện kiểm sát địa phương, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới ít phát hiện được vi phạm, mặc dù có các bản án hành chính sơ thẩm bị hủy, nhưng trong nhiều năm Viện kiểm sát không có kháng nghị nào.
 
Thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, năm 2022, Tòa án đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nên chất lượng xét xử và nhiều chỉ tiêu công tác đạt và vượt yêu cầu Quốc hội giao. Về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%). Vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án; áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; một số trường hợp áp dụng án treo không đúng.
 
Với công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tỷ lệ giải quyết vụ việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (trên 78%); còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Còn một số trường hợp vi phạm về thời hạn chuyển giao văn bản tố tụng, trả lại đơn khởi kiện. Tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội (trên 60%). Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt yêu cầu của Quốc hội. Một số trường hợp còn có vi phạm, nên Viện kiểm sát đã ban hành 109 kiến nghị yêu cầu khắc phục và được chấp nhận thực hiện.
 
Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 của Chính phủ cho thấy, công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều mặt cao hơn năm trước. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN, tiêu cực. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ về công tác PCTN, tiêu cực năm 2022 theo Kế hoạch và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Tập trung nghiên cứu, cụ thể hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về PCTN, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.
 
Chính phủ đã ban hành 112 Nghị định, 171 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 Quyết định, 23 Chỉ thị về quản lý, điều hành; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; tăng cường kiểm tra việc ban hành các văn bản dưới luật; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; tổng kết, xây dựng Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2030, xây dựng, thực hiện nhiều đề án quan trọng về công tác PCTN.
 
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; đề cao vai trò của mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, lan tỏa các chủ trương, chính sách về PCTN, tiêu cực, những kết quả nổi bật về công tác đấu tranh PCTN…
 
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện; một số biện pháp hiệu quả thấp; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để PCTN còn nhiều bất cập…
 
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh và có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
 
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa PCTN với phòng, chống tiêu cực. Tuy nhiên, công tác này còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung…
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do một số đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về PCTN, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
 
Tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước vẫn xảy ra ở một số địa phương. chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm. Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng còn chậm, một số vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá... Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Kết quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền.
 
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao các báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong cả hệ thống chính trị, các cơ quan trong khối nội chính, khối tư pháp, công tác của Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân, các cơ quan của Chính phủ có liên quan đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn so với các năm trước.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo tiếp thu đầy đủ các ý kiến của UBTVQH, tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo yêu cầu, cập nhật số liệu đủ 12 tháng để báo cáo với Quốc hội và gửi Ủy ban Tư pháp để thẩm tra, đồng thời chuẩn bị các báo cáo tóm tắt để trình bày trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra; phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để ban hành kết luận của UBTVQH tại phiên họp; chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về nội dung này./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »