Tọa đàm khoa học đề tài cấp Bộ "Xây dựng giải pháp phân tích dữ liệu lớn phục vụ hoạt động kiểm toán dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo"

17/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 16/9/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Xây dựng giải pháp phân tích dữ liệu lớn phục vụ hoạt động kiểm toán dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo” (Đề tài) đã tổ chức Tọa đàm để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học của KTNN về các nội dung Đề tài.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Quán Hải - Chủ nhiệm Đề tài trao đổi các nội dung tại buổi Tọa đàm

Đề tài do TS. Nguyễn Quán Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và TS. Lê Anh Vũ - KTNN chuyên ngành VII, đồng chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, những năm gần đây, sự phát triển như vũ bão của dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động lớn đến kinh tế, văn hóa và đời sống con người; có ảnh hưởng sâu sắc đến khái niệm, phương thức, hình thức, phương pháp và cấu trúc của kiểm toán.

Công nghệ Big Data có thể ứng dụng vào công tác kiểm toán để tìm ra vấn đề thông qua phân tích, so sánh dữ liệu tài chính của các đơn vị được kiểm toán. Ứng dụng công nghệ Big Data không chỉ hỗ trợ thu thập thông tin cơ sở dữ liệu hiệu quả mà còn hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả kiểm toán. Ngày nay, kiểm toán Big Data và dự đoán khả năng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp đều có vai trò to lớn. Tuy nhiên, do công nghệ ra đời muộn và quy định về bảo mật dữ liệu chưa hoàn thiện nên cần thời gian cải thiện.

Thông tin tại buổi Tọa đảm, Ban Đề tài cho biết, ở khu vực kiểm toán công, năm 2016, Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) đã thành lập Nhóm công tác về Dữ liệu lớn với mục tiêu giúp các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) xác định cơ hội, thách thức trong bối cảnh các công ty kiểm toán độc lập đang đi trước một bước trong việc ứng dụng Big Data và AI trong hoạt động kiểm toán, từ đó nâng cao năng lực kiểm toán Big Data trong lĩnh vực kiểm toán công. Kiểm toán Big Data không chỉ mang lại thay đổi về kỹ thuật, mà còn là lựa chọn chiến lược cho sự phát triển của các SAI trong tương lai và trong kỷ nguyên số.

Tại Việt Nam, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của KTNN luôn là yêu cầu cấp thiết trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Ngành, đặc biệt trong Chiến lược phát triển KTNN về phát triển công nghệ thông tin đến năm 2030 xác định: “Xây dựng hạ tầng số của KTNN nhằm hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số; chuyển đổi quy trình kiểm toán truyền thống sang quy trình kiểm toán dựa trên dữ liệu số và phương thức kiểm toán dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của các công nghệ số tiên tiến, tiêu biểu là Big Data và AI; hướng tới môi trường kiểm toán số, bảo mật và tích hợp cao”.

Tuy nhiên, việc ứng dụng Big Data và AI tại KTNN đang ở những bước đi đầu tiên, còn nhiều hạn chế, chưa được triển khai sâu rộng, chưa đồng bộ, còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Việc thực hiện Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến 2030 còn một số tồn tại trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán tập trung, hạ tầng tích hợp dữ liệu; hệ thống văn bản pháp lý ứng dụng Big Data và AI; đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực Big Data và AI...

Trong bối cảnh Luật KTNN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 cho phép KTNN “được truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán”, hơn lúc nào hết, KTNN cần có những nghiên cứu mang tính học thuật và thực tiễn cao để xác định chiến lược phát triển kiểm toán Big Data dựa trên nền tảng AI, giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, sâu sắc hơn và toàn diện hơn để bắt kịp với xu thế phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Với kết cấu 03 Chương, Đề tài hướng đến mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn sự cần thiết đề xuất giải pháp ứng dụng phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN dựa trên nền tảng AI. Trên cơ sở đó hệ thống hóa và xây dựng khung lý thuyết phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN dựa trên nền tảng AI.  

Đồng thời, đánh giá thực trạng ứng dụng phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN dựa trên nền tảng AI. Từ đó đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện nhằm ứng dụng phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN dựa trên nền tảng AI nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN trong thời gian tới.
 

GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước trao đổi tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, các chuyên gia đánh giá đề tài được nghiên cứu mới, khó, song đặc biệt có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh KTNN đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.

Tham gia góp ý với Ban Đề tài, các chuyên gia lưu ý cần tập trung nghiên cứu vào 2 vấn đề chính: Các giải pháp để tổ chức thực hiện phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán của KTNN; việc sử dụng nền tảng AI để ứng dụng xây dựng Big Data và phân tích Big Data trong hoạt động kiểm toán của KTNN.  

Để Đề tài đạt chất lượng hơn, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, Ban Đề tài cần làm rõ và trả lời một số câu hỏi: Nền tảng AI để ứng dụng trong hoạt động kiểm toán của KTNN là gì? Big Data của KTNN bao gồm những gì? Thực trạng nền tảng AI và Big Data của KTNN đã ứng dụng ở mức độ nào? Những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân ảnh hưởng đến việc xây dựng và phân tích Big Data? Thực tế việc quản lý, khai thác, sử dụng, phân tích Big Data phục vụ hoạt động kiểm toán đã đạt được yêu cầu phục vụ, hỗ trợ hoạt động kiểm toán ở mức độ nào, những giai đoạn nào của quy trình kiểm toán? Làm thế nào để KTNN có được Big Data đáp ứng yêu cầu?..

Một số ý kiến cũng cho rằng, Ban Đề tài cần tập trung các nhóm giải pháp để xây dựng, phân tích Big Data dựa trên nền tảng AI phục vụ hoạt động kiểm toán như: Công cụ hỗ trợ (phần mềm, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu…); xây dựng và thực hiện các quy chế, quy định, hướng dẫn; tổ chức vận hành và quản lý, bộ máy; nguồn lực (nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí…); các giải pháp hỗ trợ, phối hợp khác (môi trường chuyển đổi số, công nghệ quốc gia, sự phối hợp các đơn vị, Bộ, ngành…).  

Ngoài ra, Ban Đề tài cần rà soát, biên tập và trình bày các nội dung về Big Data, AI gắn sát hơn với hoạt động kiểm toán; mô hình nghiên cứu định lượng nên phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến các nhóm giải pháp; đưa thêm bài toán về định danh...

Kết thúc Tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Quán Hải cảm ơn các ý kiến góp ý của các chuyên gia đồng thời khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Đề tài trước khi trình Hội đồng khoa học của KTNN./.

M. Thúy

Xem thêm »