Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

22/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 22/10/2022, tiếp tục Phiên họp Chuyên đề về pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự phiên họp.
 
Tại phiên họp, UBTVQH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Thường trực UBKT tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thường trực UBKT đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 được tổ chức vào tháng 10/2022.

Qua rà soát sơ bộ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Thường trực UBKT thấy có khoảng hơn 80/240 điều có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung này để luật hóa tối đa các vấn đề có thể quy định ngay trong Luật. 

Theo Thường trực UBKT, việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài còn có nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt Nghị quyết số 18-NQ/TW không đề cập đến vấn đề công nhận quyền sử dụng đất đối với cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Do đó, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết cần xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Đối với việc giao “Chính phủ quy định tiêu chí và quyết định khoanh định khu vực hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh”, Thường trực UBKT cho rằng, việc hạn chế quyền tiếp cận đất đai liên quan đến việc hạn chế quyền của công dân. Theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đánh giá kỹ tác động của quy định này; cân nhắc nên quy định các tiêu chí ngay trong dự thảo Luật mà không giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, Thường trực UBKT đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định, bảo đảm các nguyên tắc tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do Luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.  

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 8 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai. Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Vì vậy, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi Luật với 11 nhóm chính sách lớn. “Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, vì vậy đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề trong dự án Luật: Sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai; tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; các quy định về áp dụng pháp luật; người sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị.
 
Góp ý về các nội dung cụ thể của dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các Luật liên quan đến Luật Đất đai, trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với Luật khác nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. “Dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, đề nghị xem xét Luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của Luật” – bà Lê Thị Nga nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, cần phải quy định chặt chẽ nội dung này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW, đảm bảo tính minh bạch, bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đưa các cơ chế hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai khác ngoài 2 hình thức quy định như dự thảo Luật; rà soát quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp
 
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật; thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật. “Việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Đây là Luật khó nhưng không có nghĩa không hoàn thành, vì vậy tôi đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, Qua thẩm tra sơ bộ, vẫn còn một số chủ trương lớn tiếp tục cần thể chế hóa; những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương thì tuyệt đối không đưa vào dự thảo Luật, chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Trong quá trình xây dựng Luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư. “Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu lại khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật Đất đai trong mối quan hệ với các Luật khác. Về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, đây là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng” – Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
 
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa nêu bật được tính chất quan trọng của Luật Đất đai trong hệ thống pháp luật, chưa làm rõ được yêu cầu trong việc xây dựng Luật đất đai phải đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật như thế nào? nếu giải quyết tốt các vấn đề của Luật Đất đai sẽ tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế xã hội và giải quyết được các nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng phức tạp trong khiếu nại, tố cáo hiện nay. “Chỉ có cách làm thật kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá toàn diện các mặt khi xây dựng, ban hành Luật trên cơ sở đánh giá về sự thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định trong dự thảo Luật này với hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó chỉ ra những điểm cần sửa để đảm bảo tính thống nhất cao của Luật” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng–An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng cần tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị quyết 132, để từ đó có cơ sở thực tiễn vững chắc, đưa ra các đề xuất cụ thể để sửa đổi nội dung sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong Luật Đất đai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục làm rõ các quy định về chế độ sử dụng đất quốc phòng, an ninh theo hướng phân định rõ đất sử dụng trực tiếp phục vụ cho quốc phòng ninh, và đất liên quan đến quốc phòng an ninh, để bao quát hết các loại đất quốc phòng, an ninh, rà soát kỹ quyền và nghĩa vụ của đơn vị doanh nghiệp, quân đội, công an khi thực hiện đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế, bảo đảm chặt chẽ và toàn diện. 

Về quy định tại Điều 172, Điều 173 trong dự thảo Luật, liên quan đến đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, đất sử dụng cho khu công nghệ cao, ông lê Tấn Tới đề nghị cần bổ sung quy định về việc sử dụng đất cho công tác phòng cháy, chữa cháy.
 
Đưa ra ý kiến góp ý hoàn thiện Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tại Khoản 3, Điều 3 có của dự thảo Luật giải thích: “Bản đồ quy hoạch sử dụng đất là bản đồ được lập tại thời điểm đầu kỳ quy hoạch, thể hiện sự phân bổ các loại đất tại thời điểm cuối kỳ của quy hoạch đó”, đề nghị sửa từ “tại thời điểm” bằng từ “đến”. Tại Khoản 25, Điều 3 có giải thích: “Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất và có thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác hộ gia đình”, đề nghị rà soát lại khái niệm này, nếu giải thích như vậy sẽ rất khó khi thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư. Tại Khoản 27, Điều 3 có giải thích: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”, đề nghị bổ sung giải thích này và ghi rõ đây là những hành vi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tại Chương 4 về quy hoạch sử dụng đất đã quy định rất nhiều nội dung về: Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh…  Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn vướng trong quy hoạch sử dụng đất, do đó việc quy định lập quy hoạch đồng thời cả quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch khác sẽ rất khó cho việc thực hiện. Vì vậy nên nghiên cứu kỹ về cách thiết kế này để đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.

Ông Nguyễn Phú Cường chỉ ra tại Điều 65 của Dự án Luật quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư, điểm đ khoản 2 quy định: Dự án điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp cần lựa chọn nhà đầu tư. Quy định như trên chưa rõ, chưa cụ thể, dễ nhầm lẫn với các dự án khu đô thị mới, nên cần rà soát kỹ để quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Về quy định đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Nguyễn Phú Cường cho rằng chưa được quy định chặt chẽ, còn thiếu tính khả thi trong dự thảo Luật, cụ thể, Điểm đ Khoản 1 quy định, một trong các điều kiện đặt ra là: Có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. “Chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quy định của Luật được khả thi, dễ dàng áp dụng trong thực tế” – ông Nguyễn Phú Cường góp ý.
 
Góp ý cụ thể vào dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường yêu cầu quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW, nhất là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người người dân. “Thực hiện điều tốt điều này sẽ tạo ra ổn định xã hội, bởi khi đạt được thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, nhận được sự đồng thuận của người dân cũng sẽ góp phần giảm khiếu kiện đông người, vượt cấp” – ông Bùi Văn Cường nhận định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) làm rõ về đấu giá đất sạch, bởi theo khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật quy định theo Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên Luật Đấu giá tài sản cũng chưa quy định cụ thể, cần quy định rõ ở trong Luật này để bảo đảm việc đấu giá tường minh hơn.
 
Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, qua rà soát, dự thảo Luật có nhiều điều quy định liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể, tại khoản 4, Điều 152 và khoản 3, Điều 153 về giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc, thiểu số, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đề nghị cần mở rộng hình thức giao đất để đáp ứng theo nhu cầu sử dụng đất của người dân làm đất ở, đất sản xuất kết hợp kinh doanh dịch vụ. Đây cũng là giải pháp, chính sách để hướng người dân chuyển dần cho các nghề phi nông nghiệp, hạn chế sử dụng nhiều diện tích đất để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở các địa phương. 

Điều 64 của dự thảo luật mới quy định việc giao đất, chưa đề cập đến việc cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị ban soạn thảo quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, cần giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; vấn đề về di cư ở Tây Nguyên để lại nhiều vướng mắc, bất cập cần được tiếp cận, giải quyết bằng luật trong khi đó trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành luật cũng không đề cập đến vấn đề này. 

Quy định về sử dụng đất rừng tại điều 167, Điều 157 về sử dụng đất rừng, một số quy định của Luật Đai chưa thống nhất với quy định của Luật Lâm nghiệp; một số quy định chưa tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế phù hợp, thu nhập ổn định, gắn bó với công tác bảo vệ phát triển rừng… Do vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo sinh kế của đồng bào theo điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, kết hợp trồng được dược liệu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi; đồng thời gắn việc thực hiện các quy định về bảo vệ và phát triển. Quy định như vậy là phù hợp, theo đúng cơ chế phân cấp, gắn với việc tham gia của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thực tế thời gian vừa qua. “Cần có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; đồng thời có quy định về hạn mức miễn giảm do Chính phủ quy định chi tiết” - ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị.
 
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ ra rằng, hiện có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa rà soát về tính tương thích, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Hiến pháp năm 2013, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo Luật. Đồng thời tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai. 

Về vấn đề phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện khắc phục ách tắc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý sử dụng đất, giảm khiếu kiện về đất đai cần quy định rõ hơn.

Tại Chương II dự thảo Luật quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân với đất đai có tất cả 18 Điều, nhưng lại dành 16 Điều quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước và chỉ có 02 Điều về quyền và nghĩa vụ của công dân, đề nghị ban soạn thảo cần xem xét để có sự tương xứng giữa 02 chủ thể giữa Nhà nước và công dân.

Đối với việc hoàn thiện quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu mở rộng quy định về phạm vi lấy ý kiến của nhân dân, bảo đảm Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình nghiêm túc, minh bạch, công khai, khắc phục thực tế việc lấy ý kiến nhân dân mang tính hình thức.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cảm ơn những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, toàn diện của các thành viên UBTVQH, đồng thời cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã nêu, hoàn thiện Dự án Luật chặt chẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao. “Đây là dự án Luật hết sức quan trọng, nội dung rộng lớn, liên quan đến chính trị, văn hóa, kinh tế, quốc phòng – an ninh, lịch sử, nên nội dung tương đối phức tạp, rất mong Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành, góp ý, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để Dự án Luật đạt được mục tiêu kiến tạo không gian phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, tháo gỡ những vướng mắc trong hiện tại” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.

Đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, Bộ trưởng cho biết, dự án Luật đã quy định trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên rất khó để đưa điều kiện, tiêu chí toàn diện về vấn đề này, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu để nghiên cứu, làm rõ nội hàm việc thu hồi đất đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng thời, cũng nghiên cứu mở rộng quỹ đất theo hướng tuyến đường để mở rộng các đường giao thông, lấy nguồn lực đất đai để tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông, phục vụ mục đích phát triển kinh tế- xã hội.
Liên quan đến hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc bổ sung quy định này nhằm góp phần khuyến khích việc thực hiện hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, đồng thời, thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”. Tuy nhiên, “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” là một khái niệm mới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục làm rõ và đánh giá tác động của quy định này, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và các doanh nghiệp.

Đối với vấn đề về áp dụng pháp luật, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ Luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Kế thừa các nghiên cứu từ các Luật khác, tại Điều 4 trong dự án Luật quy định đúng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần điều chỉnh, xử lý các mối quan hệ trong hệ thống pháp luật. Các quy định trong Điều 4 này cũng hướng đến làm rõ, điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật Đất đai 2023 với các Luật khác, chứ không phải Luật Đất đai 2013, nên sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề chồng chéo trước đây, mà còn hướng đến giảm thiểu các mâu thuẫn, chồng chéo của Luật sắp ban hành.
 
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, UBTVQH đánh giá cao quá trình chuẩn bị sửa đổi luật của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của UBKT và giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhấn mạnh đây là dự án Luật có vai trò hết sức quan trọng, nội dung phức tạp, phạm vi rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của UBTVQH và ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, trong đó lưu ý cần tập trung rà soát thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo: Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nhất là các vấn đề phức tạp như quy hoạch sử dụng đất tài chính, đất đai, giá đất xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu đất đai, ngân hàng, đất nông nghiệp; hoàn thiện quy định về phạm vi điều chỉnh để phù hợp với Luật Quy hoạch; bổ sung căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất; làm rõ đối tượng cơ sở xác định ảnh hưởng tác động của trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và trường hợp trả tiền hàng năm để hoàn thiện các quy định của luật; bổ sung nguyên tắc tiêu chí, điều kiện cụ thể về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong lĩnh vực văn hóa xã hội, du lịch, tôn giáo miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; xác định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí của các trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất để tránh lạm dụng và thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; tiếp tục rà soát các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phát triển quỹ đất tài chính về đất đai, giá đất để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18-NQ/TW, lưu ý bồi thường, hỗ trợ bảo đảm khả thi, bao quát đối tượng; có tiêu chí, điều kiện cụ thể cho các trường hợp thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.

Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của việc tập trung và tích tụ nhận đất nông nghiệp để quy định phù hợp; làm rõ cơ quan quản lý thẩm quyền trình tự, thủ tục thuê đất các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, bổ sung quy định về đất khu kinh tế, hoàn thiện quy định với đất sử dụng đa mục đích đất. Đối với những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, làm rõ cơ sở chính chỉ căn cứ pháp lý, tính khoa học và thực tiễn, ưu nhược điểm của từng loại ý kiến. Cần tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện với tinh thần cầu thị, thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị với tinh thần nghiêm túc, nghiên cứu thấu đáo, nhiều mặt tham khảo ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ để bảo đảm phòng chống tiêu cực trong xây dựng chính sách pháp luật, tiếp tục nghiên cứu báo cáo thẩm tra cần nâng cao tính phản biện, thể hiện rõ quan điểm đi thẳng vào các nội dung cần báo cáo Quốc hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật./.
 
Khánh Vy
 

Xem thêm »