Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

23/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 22/9/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn – Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban soạn thảo xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, KTNN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Hồ sơ Dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn – Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh – Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Phó Trưởng ban soạn thảo xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN tại trụ sở tại Hà Nội.
 
Báo cáo về dự thảo Tờ trình về dự án Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN (Pháp lệnh), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thanh Hải cho biết, việc xây dựng Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực KTNN nhằm triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.
 
Dự thảo tờ trình nêu rõ, qua gần 30 năm hoạt động, hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay chưa có đầy đủ quy định về cơ chế bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; thiếu chế tài cụ thể nên chưa xử lý các vi phạm. Đây là một trong những nguyên nhân lớn làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, tính nghiêm minh của Luật KTNN.
 
KTNN xây dựng Pháp lệnh dựa trên các quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về KTNN; Xây dựng và phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; Tạo cơ sở pháp lý cho KTNN có quyền trong việc đề xuất xử lý hoặc xử lý các hành vi vi phạm Luật KTNN; Bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, trong đó bao gồm cả lĩnh vực KTNN; Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
 
Pháp lệnh dự kiến gồm 5 chương, 19 điều, điều chỉnh các vấn đề : Quy định các hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể trong lĩnh vực KTNN; nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền và thủ tục lập biên bản, quy định chi tiết thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN…
 
Theo kế hoạch, đầu tháng 10/2022, KTNN sẽ hoàn thiện Dự án Pháp lệnh để xin ý kiến của Chính phủ; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 17 (tháng 11/2022) và thông qua tại Phiên họp thứ 18 (tháng 12/2022).

Tại Hội thảo, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Dự án Pháp lệnh, đại diện các đơn vị trực thuộc đã trao đổi, thảo luận làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến: Đối tượng bị xử phạt VPHC; hành vi bị xử phạt VPHC; hình thức xử phạt, mức phạt tiền cụ thể; Thẩm quyền xử phạt VPHC.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách Ngô Văn Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, việc xây dựng Pháp lệnh xử phạt VPHC trong lĩnh vực KTNN nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật đối với đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực KTNN; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật. “Tờ trình dự thảo Pháp lệnh cần nêu rõ tính đặc thù của KTNN - không phải là cơ quan hành chính nhưng phải thực hiện chức năng xử phạt VPHC; Đối tượng xử phạt phần lớn là các cơ quan Nhà nước, đối tượng sử dụng ngân sách Nhà nước. Những đặc điểm này ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của Pháp lệnh. Sau Hội thảo, các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là các KTNN chuyên ngành, khu vực tham gia ý kiến cụ thể bằng văn bản để Ban soạn thảo, Tổ biên tập xem xét, cân nhắc điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện, trình dự án Pháp lệnh theo đúng kế hoạch đề ra” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phụ trách yêu cầu./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »