Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”

23/09/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 23/9/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng đoàn giám sát báo cáo tại phiên họp

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dự phiên họp.

Báo cáo trước UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng đoàn giám sát cho biết, Đoàn Giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm: Công tác chỉ đạo, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia (Bao gồm cả công tác chỉ đạo điều hành chung các Chương trình; chỉ đạo, điều hành riêng từng Chương trình); Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các Chương trình; Kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các Chương trình. “Với cách tiếp cận như trên, các nội dung này đã được cụ thể hóa trong dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo chi tiết” – ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ.

Liên quan đến phạm vi thực hiện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.  Đồng thời, qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.

Về yêu cầu, giám sát bám sát quy định các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan thể chế hóa thành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để giám sát.

Về các mốc thời gian dự kiến: Các Bộ, ngành, địa phương báo cáo lần một trước ngày 28/2/2023; tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, báo cáo lần hai trước ngày 15/7/2023; Báo cáo UBTVQH kết quả bước đầu qua giám sát văn bản lần 1 trong tháng 4/2023; Đoàn Giám sát tổ chức giám sát các Bộ, ngành và địa phương từ tháng 4 đến tháng 8/2023…

Đoàn Giám sát xin ý kiến UBTVQH về các mốc thời gian cần hoàn thành; dự kiến các Bộ, ngành, địa phương sẽ giám sát trực tiếp; danh sách phân công các thành viên Đoàn Công tác; về nội dung phân công; về số lượng, các loại đề cương báo cáo…
 

Quang cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng đoàn giám sát cho biết, đây là chuyên đề giám sát của Quốc hội có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và nhiều đối tượng, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước. Do đó, trong Kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, gồm: Rà soát, tổng hợp các cơ chế, chính sách, pháp luật; Công tác chỉ đạo, điều hành, phân công trách nhiệm, tổ chức thực hiện của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, của từng Chương trình mục tiêu quốc gia và lồng ghép 3 Chương trình của Chính phủ, các Bộ, ngành; Việc xây dựng và chất lượng của các văn bản hướng dẫn các tiêu chuẩn, định mức, chế độ cho cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Công tác phối hợp, lồng ghép nội dung, đối tượng, địa bàn và nguồn vốn trong thực tế phù hợp với các quy định…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị tích cực của Đoàn giám sát. Nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giám sát trong bối cảnh các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai còn chậm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần làm rõ có hay không việc lạm dụng chính sách, trục lợi chính sách; tiêu chí xây dựng nông thôn mới có phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền; việc tổ chức thực hiện một số đề án xây dựng nông thôn mới ở một số khu vực đặc biệt khó khăn? giải pháp trong vấn đề nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững.…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, quá trình giám sát cần tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cốt lõi, gốc rễ về mặt luật pháp, chính sách. Hiện nay có 03 Nghị quyết trực tiếp của Quốc hội, quá trình triển khai, thể chế hóa chính sách… được thực hiện ra sao cần có đánh giá, nhận diện cụ thể. Đối với vấn đề nợ đọng của các Chương trình, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua giám sát cần làm rõ tình hình giải quyết và các kiến nghị chính sách cụ thể, rõ ràng; nêu rõ kinh nghiệm giải quyết nợ đọng ngay từ khâu điều phối các nguồn lực của chương trình hiện nay.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, Đoàn giám sát cần nghiên cứu, bổ sung nội dung rà soát các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong việc triển khai nghị quyết Quốc hội. Đồng thời, bổ sung thêm phương pháp thực hiện, nguyên nhân của những tồn tại về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong vấn đề triển khai Nghị quyết Quốc hội; tách kiến nghị cụ thể đối với 3 cơ quan chủ trì của Chính phủ trong việc chỉ đạo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, 3 Chương trình mục tiêu có thời gian triển khai khác nhau, nhưng thời điểm giám sát chung là trong 5 năm, từ năm 2021 đến 2025. Đánh giá bước đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nhìn chung việc triển khai cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm. 

Nhấn mạnh, giai đoạn hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia là giai đoạn mất rất nhiều thời gian, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát cần đưa ra được những kiến nghị chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai cho không chỉ với 3 Chương trình thuộc phạm vi giám sát lần này, mà còn đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu các Bộ có liên quan đến các chuyên ngành trong lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, khoa học, văn hóa, thông tin truyền thông xây dựng báo cáo liên quan đến các nội dung chuyên môn gắn với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; thành lập các tiểu đề án, các tiểu dự án trong mỗi chương trình. 

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Thường trực Đoàn giám sát và Tổ giúp việc khẩn trương tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, đặc biệt là những gợi ý cụ thể của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoàn thành Kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo phục vụ Hội nghị toàn quốc về triển khai giám sát của Quốc hội năm 2023.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát chú ý tính thực tiễn, cách làm hay, mô hình sáng tạo để nhân rộng trong toàn quốc, kể cả về kinh tế, xã hội, về chính trị, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đề cương giám sát phải tính đến đặc thù của từng Bộ, ngành và từng địa phương, vùng, miền cho phù hợp với Chương trình.../.

M. Thúy
 

Xem thêm »