Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10

18/10/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Để chuẩn bị các nội dung cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 17/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10.

Quang cảnh phiên họp

Dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Lãnh đạo: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước: Ủy ban nhân dân: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Tại phiên họp lần này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra các nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí MinhBáo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025. Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023.


Trước đó, tại phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung này. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan đã khẩn trương hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội.

Liên quan đến tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho Thành phố Hồ Chí Minh, trình bày báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rõ Nghị quyết 54/2017/QH14 có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho Thành phố, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân Thành phố.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015. Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. 

Theo đánh giá của Thành phố, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép Thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai điều hành phiên họp

Tuy nhiên, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn… Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều. Một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời trên cơ sở đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.
 
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng Nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền Thành phố trong thực hiện Nghị quyết số 54. Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 04 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Với 5 năm triển khai, trong đó có 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện, song nổi lên một số kết quả đáng trân trọng. Trong đó, Thành phố đã thể hiện quyết tâm thực hiện với kế hoạch triển khai kịp thời. Các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân được ban hành kịp thời, xác định cụ thể lộ trình, nhiệm vụ cụ thể. Kết quả tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố có sự đóng góp của việc thực hiện Nghị quyết số 54.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều yếu tố tác động không thuận như đại dịch COVID-19; một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ; những hạn chế trong tổ chức thực hiện, các đại biểu cũng chỉ rõ còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 05 năm vẫn chưa được thực hiện.

Về đề nghị được tiếp tục áp dụng Nghị quyết số 54 Chính phủ đề nghị cho phép Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023. Tuy nhiên cũng lưu ý rằng, Việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn và điều này phần nào làm chậm quá  trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; làm giảm tính vững chắc, nhất quán trong thực thi pháp luật. Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 01 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID- 19, cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023, như vậy chỉ có thêm 01 năm để thực hiện, đây là khoảng thời gian không dài, khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện. Có ý kiến đề nghị cho phép kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 để bù lại tương ứng  02 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Liên quan đến báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, Ủy ban Tài chính -Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực, tỉnh thần quyết tâm, khẩn trương của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy, việc thực hiện sơ kết Nghị quyết số 115 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố Hà Nội mà còn tạo cơ sở thực tiễn đối với việc tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước. Báo cáo sơ kết của Chính phủ đã đánh giá cụ thể việc thực hiện đối với từng chính sách trong Nghị quyết số 115. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, sau hơn 3 năm triển khai, nội dung sơ kết cần đánh giá khái quát hiệu quả mang lại trên các mặt: Kinh tế, xã hội, đời sống người dân; cần có đánh giá bước đầu về tính phù hợp, khả thi của cơ chế, chính sách thí điểm, theo đó cần làm rõ những cơ chế, chính sách nào sớm đi vào cuộc sống, bắt đầu phát huy hiệu quả, cần tiếp tục áp dụng; đồng thời chỉ rõ những chính sách chưa phù hợp, cần dừng lại (nếu có).

Các đại biểu đề nghị cần đánh giá chính xác thực trạng tổ chức thực hiện. Trường hợp cố vướng mắc thì cần chỉ rõ những vướng mắc do thể chế, pháp luật những vướng tắc do tổ chức thực hiện và đặc biệt cần đề xuất phương án hoàn chỉnh. Đồng thời cần đánh giá trách nhiệm trong tổ chức thực hiện: Trách nhiệm của chính quyền Thủ đô, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan, của Chính phủ trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống./.

Hà Linh
 

Xem thêm »