Phát biểu mở đầu nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã được báo cáo trước Quốc hội tại phiên toàn thể ngày 20/10/2022. Theo đó, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật. Theo Tờ trình, việc hoàn thiện quy định pháp luật là một trong những yếu tố then chốt thúc đẩy công tác phòng chống rửa tiền nói riêng và phòng, chống tham nhũng nói chung.
Việc xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền cũng nhằm đáp ứng điều ước và cam kết quốc tế. Theo đó, năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng, chống rửa tiền (APG) và phải thực hiện các chuẩn mực quốc tế về rửa tiền/tài trợ khủng bố/tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; cam kết tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG.
Mặt khác, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động phòng, chống rửa tiền, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ về nội dung này với 107 lượt ý kiến phát biểu tại 19 tổ, cơ bản các ý kiến đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để áp dụng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, góp phần vào công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, phòng chống tham nhũng và đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó gợi ý 3 nhóm vấn đề lớn cần tập trung thảo luận; đề nghị các vị đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề, tránh trùng lặp.
Qua thảo luận tại phiên họp tại Hội trường, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền kinh tế, tài chính, kinh tế quốc gia nên việc phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp và hoạt động có thể thực hiện để có thể ngăn chặn các hành vi rửa tiền, được sử dụng bất cứ hình thức nào.
Theo các đại biểu, phòng, chống rửa tiền là yêu cầu cấp bách và cũng là thách thức đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 là một dấu mốc quan trọng để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, là một trong những yếu tố then chốt để phát hiện, ngăn chặn và sửa chữa kịp thời các hành vi rửa tiền, thúc đẩy việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền trong thời gian tới.
Để hoàn thiện dự án Luật, góp ý tại phiên họp, đại biểu K’Nhiễu – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro quốc gia, rủi ro ngành, đồng thời đề nghị rà soát nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đại biểu nhấn mạnh, khi sửa đổi các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cần đánh giá tới mức độ thực tiễn về tính khả thi, tức là từ các nguồn lực để tổ chức thực hiện, lộ trình thực hiện… của các quy định được sửa đổi, bảo đảm các đối tượng báo cáo, các cơ quan quản lý nhà nước đều có thể hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình. Quy định này bắt buộc đối tượng báo cáo phải chủ động thực hiện trách nhiệm báo cáo.
Tuy nhiên, đại biểu K’Nhiễu nhận thấy, còn thiếu quy định để giúp các đối tượng báo cáo chính sách, người yêu cầu giao dịch là bị can, bị cáo hoặc bị kết án theo quy định của Bộ Luật Hình sự hoặc tài sản có liên quan đến bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo Bộ Luật Hình sự thì thể hiện như thế nào cho rõ?
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên-Huế bày tỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức trực tuyến; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản. Ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng trực tuyến đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung cụm từ “hoặc các giao dịch khác” vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài.
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh trường hợp đối tượng hoặc tội phạm tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản; đối phó, bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu xem xét rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo thì sẽ phù hợp hơn với các thời hạn báo cáo, thời hạn thì họ giao dịch.
Quan tâm tới nội dung hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, trong lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao xảy ra hoạt động rửa tiền, các giao dịch bất động sản có thể qua sàn hoặc trực tiếp, thanh toán bằng tiền hoặc chuyển khoản nên khó kiểm soát.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết, không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Do đó, để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản, bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến; nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động. Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương, do đó cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật là khách hàng thực hiện nhiều giao dịch trở lên trong một ngày, khách hàng mua bán nhiều bất động sản trở lên trong một lần...
Theo đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, tại Khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật quy định về việc đánh giá rủi ro ngành - đây là một nội dung mới chưa được quy định trong Luật năm 2012. Theo đại biểu, việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là cơ sở để quốc gia tập trung nguồn lực một cách hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên. Lĩnh vực rủi ro cao về rửa tiền là một trong những trụ cột nền tảng của công tác phòng, chống rửa tiền theo chuẩn mực quốc tế. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền trên cơ sở rủi ro của đối tượng báo cáo cũng như hoạt động của thanh tra, giám sát phòng, chống rửa tiền là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền. Do vậy, việc bổ sung quy định đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền là rất cần thiết.
Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tiễn, đặc biệt là khuyến nghị và báo cáo kết quả đánh giá, đại biểu đề nghị bổ sung quy trình đánh giá rủi ro ngành về rửa tiền nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát về phòng, chống rửa tiền đối với các ngành, lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ rửa tiền.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ ngày 24/10/2022 cũng như tại hội trường. “Các ý kiến rất xác đáng, tâm huyết, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội đối với công tác phòng, chống rửa tiền nói chung cũng như việc xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng.” – Thống đốc nhấn mạnh.
Báo cáo thêm một số nội dung đại biểu nêu, trong đó đối với các nội dung liên quan đến các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các đối tượng báo cáo này trong dự thảo Luật là những đối tượng được kế thừa từ Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) bổ sung những đối tượng đang được quy định các văn bản dưới Luật.
Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật là các công ty cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động này vào trong dự thảo Luật, nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo Luật. Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến cái dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thống Đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dấu hiệu đáng ngờ chủ yếu là mang tính định tính, cơ quan soạn thảo tổng hợp từ kinh nghiệm mang tính phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và có cân nhắc những đặc thù về các hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm của Việt Nam.
Do dấu hiệu giao dịch đáng ngờ là định tính và chỉ là bước khởi đầu phát hiện ra có dấu hiệu đáng ngờ, là dấu hiệu cảnh báo ban đầu, sau đó các đối tượng báo cáo, các chủ thể báo cáo sẽ gửi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận thông tin để phân tích, xử lý…
Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng giải trình về nhóm vấn đề liên quan đến các vấn đề về trì hoãn giao dịch. Theo đó, để tránh lạm dụng với ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân dự thảo Luật đã quy định thời hạn trì hoãn không quá 03 ngày kể từ ngày thực hiện và đối tượng báo cáo được miễn trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện theo đúng các quy định của Luật…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong phiên thảo luận đã có 22 ý kiến phát biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế của luật hiện hành, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng đề nghị hoàn thiện dự thảo Luật về một số nội dung như: Tên gọi, khái niệm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; các hành vi bị cấm; đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền; nghĩa vụ, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phân loại thách thức xử lý đối với các kết quả đánh giá rủi ro; tiêu chí phân loại mức độ rủi ro của từng loại khách hàng… “Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh./.
Phương Ngọc