(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng 07/11/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Luật Đấu thầu năm 2013 cùng với các Luật có liên quan đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hoạt động mua sắm, quản lý sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu năm 2013 trong thời gian qua cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện Luật và được xây dựng trên cơ sở 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua, gồm 10 Chương, 98 Điều. So với Luật Đấu thầu năm 2013, Luật này đã sửa đổi 75 điều, bổ sung mới 21 điều, giữ nguyên 02 điều, bãi bỏ 12 điều.
Việc sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn Nhà nước; đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu. Đồng thời, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó 3 Hiệp định có nội dung về cam kết mở cửa thị trường mua sắm công. Do đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Đấu thầu là yêu cầu cấp bách để bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường mua sắm công theo các Hiệp định nêu trên.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về ưu tiên, ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; ưu tiên, ưu đãi cho các sản phẩm thân thiện môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu, và phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra về dự thảo Luật Đầu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết Ủy ban Tài Chính, Ngân sách tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, luật hóa các vấn đề đã được áp dụng ổn định, thống nhất vào dự thảo Luật, đảm bảo đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật đã đề ra, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn.
Riêng đối với quy định về chỉ định thầu, UBNSTC cho rằng: “Dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu “nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế”. Do vậy, đề nghị Chính phủ rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.
Theo UBTCNS, việc bổ sung vào dự thảo Luật để quy định về trường hợp đặc biệt lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, luật hóa các quy định để bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng ban hành các văn bản hướng dẫn, quyết định về những vấn đề đặc biệt, không bảo đảm công khai, minh bạch… Đồng thời rà soát cụ thể từng trường hợp, đánh giá tác động của các trường hợp này để bảo đảm mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Đấu thầu đã đặt ra, tránh việc lợi dụng, lạm dụng chỉ định thầu.
Do vậy, dự thảo cần giới hạn các trường hợp chỉ định thầu, việc áp dụng chỉ định thầu chỉ sử dụng với các trường hợp đặc thù như dự án cấp bách; đảm bảo bí mật liên quan đến an ninh, quốc phòng; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán bản quyền sở hữu trí tuệ.
Về quy định chỉ định thầu đối với “Gói thầu thực hiện các dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội”, UBTNCS cho rằng Chính phủ cần đánh giá sâu, rộng về quy định này để có quy định chặt chẽ. Vì nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn tới các dự án quan trọng quốc gia, sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước thì chỉ định thầu, chỉ những dự án nhỏ lẻ, vốn ít thì bắt buộc đấu thầu như vậy sẽ không bảo đảm mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật Đấu thầu.
UBTCNS cho rằng, vấn đề đặt ra là với công trình lớn cần chuẩn bị dự án từ sớm, nhiệm kỳ này chuẩn bị để triển khai thực hiện dự án trong nhiệm kỳ sau, tránh việc phê duyệt gấp gáp và đặt ra yêu cầu chỉ định thầu. Thực tế thời gian vừa qua Quốc hội chỉ cho phép chỉ định thầu đối với dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là tình huống cấp bách trong bối cảnh ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, theo đó, đề nghị quy định thu hẹp phạm vi các trường hợp “chỉ định thầu”./.
Thanh Trang