Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Đấu thầu và Luật Giá (sửa đổi)

07/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 07/11/2022, các đại biểu Quốc hội thảo luận luận tham gia góp ý tại tổ về Dự thảo Luật Đấu thầu và Luật Giá (sửa đổi).

Tổ 10 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai thảo luận

Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) gồm 10 Chương, 98 Điều, được xây dựng với 5 nhóm chính sách, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu; sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu; sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách đấu thầu mua sắm hàng hóa trong nước; sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu.
 
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu….
 
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Phạm vi điều chỉnh; Nguyên tắc áp dụng Luật Đấu thầu; Quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư; Hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu…
 
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, quy định về khái niệm “vốn Nhà nước” nhằm bảo đảm đầy đủ, bao quát và thống nhất với quy định tại các Luật có liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đối tác công tư; Rà soát quy định cụ thể các ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, không quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế hoặc tùy nghi áp dụng.
 
Góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương cho rằng dự thảo Luật nên quy định việc lựa chọn nhà thầu đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và các dự án vốn ngân sách nên có cách thực hiện tương tự nhau.
 
Cùng góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Văn Dành, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng việc phạm vi điều chỉnh của Luật bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” so với Luật hiện hành sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và điều này có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, sẽ có khoảng trống pháp lý dễ dẫn đến tùy tiện trong quá trình tham gia thực hiện việc quản lý tại doanh nghiệp.
 
Để hiệu quả đấu thầu thực chất, tránh lãng phí, hình thức, đề nghị cần có cơ quan quản lý Nhà nước về giá để có sự so sánh, đối chiếu khi tiến hành đấu thầu; đồng thời tăng cường đấu thầu qua mạng để công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc. Bên cạnh đó, việc xây dựng giá thầu rất quan trọng, đại biểu cho rằng đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ phổ biến được tiến hành đấu thầu lặp lại ở các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố đều phải tiến hành đấu thầu theo một quy trình giống nhau, làm mất thời gian và lãng phí nguồn lực. Đại biểu đề nghị xây dựng giá tham chiếu để giảm thủ tục xây dựng hồ sơ mời thầu, thẩm định giá...
 
Góp ý về việc bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, đại biểu Nguyễn Văn Dành cho rằng cần phải giải thích rõ thêm tính độc lập về pháp lý cũng như độc lập về tài chính trong quy định này nhằm đảm bảo huy động được tất cả các doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
 
Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, để tránh tùy tiện trong việc gia hạn thời gian đóng thầu, dự thảo Luật nên bỏ việc gia hạn thời điểm đóng thầu mà xem xét tăng thời gian chuẩn bị hồ sơ mời thầu so với quy định.
 
Đại biểu Trần Thị Hồng An, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi  đánh giá rất cao quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu tại dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo Luật bổ sung thêm 5 đối tượng mới được hưởng ưu đãi, đặc biệt trong đó có bổ sung các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như các nhà thầu có gắn với đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ các ưu đãi, vì trong dự thảo quy định vẫn còn chung chung, dẫn đến khó áp dụng khi tổ chức thực hiện. Một số ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp được áp dụng ưu đãi, đánh giá tác động của việc quy định mới này và có bổ sung thêm kinh nghiệm quốc tế có liên quan và đảm bảo mục tiêu khả thi, đồng bộ, thống nhất với các Luật khác.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật quy định 10 trường hợp chỉ định thầu, mở rộng hơn so với luật hiện hành là chưa phù hợp, đại biểu đồng tình với 4 trường hợp được chỉ định thầu như nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Mặt khác, các ý kiến cũng cho rằng, chỉ định thầu tiềm ẩn nhiều rủi ro trục lợi chính sách, tính thiếu cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong công tác lựa chọn nhà thầu. Do đó, cần phải có cơ chế báo cáo, giám sát chặt chẽ; có chế tài xử phạt đối với các vi phạm...
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, cần nêu rõ quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư, phải định nghĩa đây là loại gói thầu như thế nào đối với Tư vấn, xây lắp hay toàn bộ dự án tái định cư. Ngoài ra, cần làm rõ đối với các Dự án xây dựng khu tái định cư tập trung để phục vụ cho nhiều dự án trên địa bàn có thuộc trường hợp chỉ định thầu hay không.
 
Đại biểu Siu Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị dự án Luật cần phải làm rõ nội hàm tính cấp bách của các dự án, gói thầu được triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Tránh tình trạng một số địa phương, đơn vị thường trình xin áp dụng cơ chế đặc biệt về an ninh, quốc phòng, biên giới lãnh thổ để được giao thầu thực hiện dự án cấp bách nhằm tránh phải đấu thầu công khai, hay khi xin “cơ chế riêng” thì cố chứng minh rằng dự án hết sức cấp bách nhưng sau đó lại ì ạch triển khai...
 
Luật Giá (sửa đổi) cần tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, quyền tự định đoạt về giá

Thảo luận tại tổ về về Dự án Luật Giá (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu chỉ ra rằng, Luật Giá hiện hành đã bộc lộ những điểm chưa hoàn chỉnh về phạm vi quản lý, điều tiết giá của Nhà nước trong vận hành kinh tế; tính thống nhất, đồng bộ của Luật Giá với một số đạo luật liên quan đến quản lý giá trong một số trường hợp chưa bảo đảm. Vì vậy, cần thiết sửa đổi Luật này nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá.
 
Các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục rà soát tính đồng bộ, thống nhất của Luật này trong hệ thống pháp luật vì các Luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các Luật liên quan để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo; rà soát, bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong chính Luật Giá.
 
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật cần đảm bảo phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quy luật kinh tế thị trường, quyền tự định đoạt về giá. Vì vậy, cần xác định sự can thiệp của Nhà nước đến mức nào để đảm bảo nguyên tắc kinh tế thị trường; khuyến khích cạnh tranh lành mạnh; tôn trọng quyền tự định giá của người cung cấp sản phẩm.
 
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, báo cáo tổng kết thi hành Luật Giá có một số căn cứ, cơ sở pháp lý chưa thật đầy đủ, nhất là việc đánh giá những bất cập, hạn chế và nguyên nhân. Đề nghị cần nghiên cứu thêm Báo cáo tổng kết, đánh giá để xem xét bất cập, hạn chế đến mức nào, chính sách đề ra phải có đánh giá tác động; tránh việc giải quyết được khó khăn vướng mắc này thì lại phát sinh ra khó khăn vướng mắc khác; không tạo kẽ hở, khoảng trống trong pháp luật quản lý giá; đảm bảo tính tương thích của Luật này với các Hiệp định mà Việt Nam có tham gia.
 
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thảo luận tại Tổ 4 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu
 
Nhiều ý kiến đại biểu thảo luận đồng ý rằng, có nhiều mặt hàng cần sự điều tiết của Nhà nước, nhưng Luật giá (sửa đổi) cần xây dựng những đề xuất rõ ràng, tránh việc chỉ căn cứ vào kê khai giá.
 
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP.HCM đặt vấn đề căn cứ nào để duyệt giá, xác định giá cao hay thấp và căn cứ vào đâu để xử lý. Bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, vẫn phải có những mặt hàng cần sự điều tiết của Nhà nước để bảo vệ người dân, bảo đảm tính bình ổn cũng như sự ổn định của xã hội, nhưng biện pháp đưa ra không chỉ căn cứ vào việc kê khai giá để duyệt mà cần xây dựng những đề xuất cho rõ ràng.
 
Cho ý kiến về danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc đưa mặt hàng kiểm soát do Nhà nước định giá là cần thiết nhằm bình ổn giá, nhưng điều quan trọng hơn là phải đảm bảo nguồn cung ứng, không để xảy ra đứt gãy. Đại biểu cho rằng trong quá trình quản lý, điều hành phải đảm bảo thực hiện được mục tiêu kép vừa ổn định giá và không đứt gãy nguồn cung, trong đó đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa là ưu tiên số một, tránh tình trạng khan hiếm nguồn xăng dầu như thời gian vừa qua.
 
Một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ và cơ quan ngang Bộ, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc đề xuất trình Chính phủ Danh mục hàng hóa bình ổn giá và chương trình bình ổn giá. Đồng thời, quy định thống nhất Nhà nước là cơ quan thẩm định giá nhằm tránh tình trạng mỗi nơi một giá.
 
Các đại biểu chỉ ra rằng, bình ổn giá là vấn đề quan trọng trong quản lý giá, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; kiềm chế lạm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường.
 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn ĐBQH Kiên Giang thống nhất việc cần phải có đánh giá toàn diện về việc thực hiện Quỹ bình ổn giá để nghiên cứu đưa vào Luật. Việc thành lập Quỹ này là xuyên suốt hay chỉ trong thời điểm cần thiết? Với quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu cho rằng nên tiếp tục duy trì, nhưng trong quy định sử dụng Quỹ này cần phải làm rõ công khai minh bạch cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo điều hòa sử dụng. Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn ĐBQH Đồng Nai cho rằng, nếu điều chỉnh chính sách về thuế thì phải xem lại việc duy trì, cách vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong bối cảnh hiện tại việc duy trì Quỹ là cần thiết nhưng trong tương lai gần cần xem xét.
 
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chỉ ra rằng, việc đảm bảo bổ sung chính sách về giá phù hợp với khu vực đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục nghiên cứu thêm, đảm bảo tính phù hợp. Sự phân cấp phân quyền trong thẩm định giá cần thể hiện thật rõ ràng; tránh chồng chéo về trách nhiệm; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cấp địa phương. Bên cạnh đó, cơ chế hiệp thương về giá cần quy định chặt chẽ, tránh tạo ra sự thông đồng, hoặc có lợi cho một bên. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu quy định rõ hơn, đảm bảo tính khả thi đối với các quy định liên quan đến hiệp thương về giá.
 
Cơ bản thống nhất với dự thảo luật do Chính phủ trình, đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái ủng hộ chủ trương phân cấp mạnh cho Bộ, ngành, địa phương, Ban Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến giá. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát lại giá cả một số mặt hàng hóa, dịch vụ hiện nay chưa đảm bảo sự công bằng, không phù hợp với tình hình thực tế.
 
Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quyết định giá hàng hóa, dịch vụ cho thống nhất với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Đồng thời, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về hàng hóa dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân tỉnh trình xin ý kiến.
 
Liên quan đến với vấn đề giá sách giáo khoa, theo các đại biểu đây là mặt hàng thiết yếu và mặt hàng này có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, nhất là người có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần phải tiến hành kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dung, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo. Do đó, đề nghị Nhà nước quy định giá bán tối đa; không ấn định giá chi tiết, các đơn vị phát hành sách tự quyết định giá bán cụ thể nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện vấn đề này.
 
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cho rằng, tại dự thảo Luật còn nhiều điều khoản giao Chính phủ quy định. Cụ thể, trong số 72 điều Luật thì có đến 13 điều Luật giao Chính phủ quy định, trong đó nhiều nội dung quan trọng. Điều này một mặt chưa phù hợp thẩm quyền, mặt khác sẽ làm phát sinh vướng mắc trong thực hiện, không bảo đảm yêu cầu pháp điển hóa. Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ nội hàm, nhất là các quy định về tiêu chí liên quan đến xác định các loại hàng hóa thiết yếu, hàng hóa kê khai giá, niêm yết giá, bình ổn giá… để tạo cách hiểu thống nhất, đảm bảo áp dụng khả thi trong thực tiễn./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »