Công khai kết quả kiểm toán tại tỉnh Lai Châu: Kiến nghị xử lý tài chính 267,383 tỷ đồng

27/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2022 ban hành kèm theo Quyết định số 1985/QĐ-KTNN ngày 02/12/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương tại tỉnh Lai Châu và hoàn thành việc phát hành công khai Báo cáo kết quả kiểm toán.

Năm 2022, KTNN thực hiện kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Lai Châu

Theo đánh giá của KTNN, trong năm, tỉnh Lai Châu đã có nhiều cố gắng trong quản lý, chỉ đạo điều hành dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN). Thu NSNN trên địa bàn tỉnh thực hiện 2.067 tỷ đồng, bằng 140,7% so với dự toán Trung ương giao và bằng 108% so với dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND), trong đó hầu hết các khoản thu chủ yếu từ kinh tế đều vượt với tỷ lệ cao, cho thấy số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Lai Châu đảm bảo tính bền vững; công tác phân cấp quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế được thực hiện theo quy định...

Bên cạnh đó, KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, đề nghị tỉnh Lai Châu nhìn nhận và chấn chỉnh.

Báo cáo của KTNN nêu rõ, trong chi cân đối ngân sách địa phương, tổng số chi của tỉnh Lai Châu là 9.429 tỷ đồng, đạt 129,6% so với dự toán Trung ương giao và bằng 123,5% so với dự toán của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh Lai Châu chưa ưu tiên bố trí đủ vốn cho một số dự án quyết toán, một số dự án hoàn thành chờ quyết toán, một số dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu năm còn chưa sát với khả năng giải ngân thực tế tại một số dự án, dẫn đến cuối năm phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn so với kế hoạch đã giao đầu năm.

KTNN phát hiện, 14 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (đã được cấp thẩm quyền phê duyệt) chưa được UBND tỉnh cho thuê đất, thu tiền thuê đất. Đơn cử như: Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng Lai Châu chậm nộp hồ sơ, thủ tục miễn tiền thuê đất đối với diện tích hơn 3.915 m2, nhưng vẫn được Cục Thuế quyết định miễn tiền thuê đất cho cả thời gian đơn vị chậm nộp hồ sơ. Tập đoàn Điện lực Việt Nam chậm nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền thuê đất với tổng diện tích đất là hơn 5.044 m2, tuy nhiên Cục Thuế tỉnh Lai Châu chưa thực hiện thu tiền thuê đất trong thời gian đơn vị chậm nộp hồ sơ hơn 5 tháng.

Qua kiểm tra, đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của 43 doanh nghiệp và 02 đơn vị dự toán cho thấy, các đơn vị chưa hạch toán, kê khai đủ doanh thu, chi phí và hạch toán một số khoản chi phí chưa đúng quy định; kê khai chưa đúng thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào; kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra; chưa loại trừ các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Vì vậy, KTNN kiến nghị tăng thuế GTGT phải nộp 166,5 triệu đồng; giảm thuế GTGT được khấu trừ 318,7 triệu đồng; giảm nộp thừa NSNN về thuế GTGT 2,7 triệu đồng; tăng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp 326,8 triệu đồng; thuế thu nhập cá nhân 4 triệu đồng; giảm số lỗ phát sinh trong năm 2021 số tiền 486,7 triệu đồng.

Về chi đầu tư phát triển, KTNN cho biết, công tác lập, thẩm định dự án đầu tư tại một số dự án còn chưa sát với điều kiện thực tế phải điều chỉnh. Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2021 của tỉnh Lai Châu còn thiếu một số nội dung so với quy định, không có thông tin về nợ đọng xây dựng cơ bản.

Kết quả kiểm toán chi tiết các dự án đầu tư cho thấy, còn các hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, trong quản lý chi phí đầu tư dẫn đến sai khối lượng, sai chi phí khác; nghiệm thu sai khối lượng... Từ đó, KTNN xác định thu hồi, giảm thanh toán, giảm giá trị hợp đồng của 18 dự án tại 05 Chủ đầu tư số tiền 5,81 tỷ đồng...

Ngoài ra, một số tồn tại trong công tác chuyển nguồn một số khoản kinh phí hết nhiệm vụ chi sang năm 2002; nguồn thực hiện cải cách tiền lương; việc quản lý, sử dụng Quỷ bảo vệ và phát triển rừng; tình trạng xác định thuế, khoản phải nộp NSNN chưa đúng, chi sai quy định, thanh toán các khoản chi nhưng hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định... cũng được KTNN chỉ rõ.
 

Quang cảnh Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán tại tỉnh Lai Châu

Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Lai Châu xử lý tài chính số tiền 267,383 tỷ đồng, gồm tăng thu ngân sách 2,3 tỷ đồng, thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 264,59 tỷ đồng; giảm lỗ 487 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu cần phải có biện pháp để chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài chính công.

Cụ thể: Tỉnh Lai Châu cần bố trí vốn xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với công tác lập, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc chưa phân khai và giao dự toán ngay từ đầu năm cho các đơn vị, còn giữ lại giao sau trong năm; bố trí dự phòng ngân sách huyện chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định tại Điều 10 Luật NSNN.

Tỉnh Lai Châu cần chỉ đạo các cơ quan tham mưu kịp thời soạn thảo, trình và ban hành Quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất năm hàng năm đảm bảo thời gian so với quy định tại Điều 2 Nghị định 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Đồng thời rút kinh nghiệm trong việc chậm hướng dẫn thu các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh; hướng dẫn chi trả tiền trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng dân quân trên địa bàn tỉnh chậm so với Trung ương ban hành; chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh trong việc cho thuê đất và thu tiền thuê đất theo quy định đối với 14 đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.

KTNN cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong việc thực hiện phân bổ dự toán, bố trí dự phòng các huyện đảm bảo tỷ lệ; giảm trừ dự toán nguồn cải cách tiền lương khi thẩm định nguồn và nhu cầu thực hiện năm sau của các đơn vị; thực hiện chuyển nguồn ngân sách, hạch toán tạm ứng, thu hồi tạm ứng, kết dư theo quy định...

Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác: Tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác lập, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa đảm bảo tuân thủ đúng thời gian quy định của Luật đầu tư công, tuân thủ đúng các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hàng năm còn thiếu nội dung so với quy định, không có thông tin số nợ đọng xây dựng cơ bản...

Chỉ đạo Cục Thuế tỉnh Lai Châu phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (trong đó Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì) tham mưu cho tỉnh ban hành các Quyết định cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên (đã được cấp thẩm quyền phê duyệt) phù hợp với Điểm e, Khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013. Đồng thời, tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm liên quan đến việc thực hiện miễn tiền thuê đất không đúng quy định, chưa thực hiện thu tiền thuê đất đối với thời gian chậm làm thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất.

Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước Lai Châu tiếp tục theo dõi, đôn đốc các Chủ đầu tư và tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành biện pháp cụ thể để thu hồi tạm ứng 36 dự án có số dư tạm ứng quá hạn nhưng chưa thu hồi theo quy định, tổng số tiền hơn 29,47 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2021...

KTNN cũng kiến nghị HĐND tỉnh Lai Châu xem xét kết quả kiểm toán khi phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Lai Châu. Đồng thời, xem xét chỉnh sửa Điều 31 Nghị quyết số 58/2021/NQ-HĐND tỉnh ngày 10/12/2021 của HĐND chưa đúng với quy định của khoản 1 Điều 10 Luật Ngân sách Nhà nước./.

M. Thúy
 

Xem thêm »