Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023

28/11/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 28/11/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai chương trình công tác năm 2023. Dự Hội nghị có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị tham mưu của KTNN cùng toàn thể lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI.

Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 của KTNN chuyên ngành VI

Báo cáo kết quả công tác năm 2022, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo cho biết, trong năm qua, đơn vị đã bám sát chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, triển khai đồng bộ các giải pháp với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó trọng tâm là nhiệm vụ kiểm toán đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Đến 30/11/2022, KTNN chuyên ngành VI đã hoàn thành 09/09 cuộc kiểm toán, trong đó, 06 cuộc đã phát hành Báo cáo kiểm toán, 03 cuộc đang gửi BCKT lấy ý kiến đơn vị. Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán bổ sung, KTNN chuyên ngành VI đã tổ chức khảo sát, lập, hoàn thiện và trình Lãnh đạo KTNN xét duyệt kế hoạch kiểm toán cuộc kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, dự kiến triển khai trong tháng 12/2022.

Theo các báo cáo kiểm toán (BCKT) và dự thảo BCKT, đến nay các Đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành VI đã kiến nghị xử lý tài chính tăng thu nộp NSNN 1.234,1 tỷ đồng, giảm phải thu Nhà nước 7,7 tỷ đồng, xử lý tài chính liên quan đến đầu tư XDCB 16,2 tỷ đồng; đồng thời, có 29 kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản, chính sách, cơ chế điều hành... gửi tới các cơ quan có thẩm quyền.

Đáng chú ý, trong năm 2022, KTNN chuyên ngành VI đã tổ chức triển khai thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) dưới hình thức thí điểm kiểm toán từ xa. Đến nay, cuộc kiểm toán đã hoàn thành và phát hành Báo cáo kiểm toán với các kết quả cụ thể như: Kiến nghị tăng thu 66,1 tỷ đồng; kiến nghị đơn vị chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý tài sản, đầu tư tài chính, đất đai, mua sắm hàng hoá...; kiến nghị Bộ Thông tin & Truyền thông kiểm tra rà soát 01 Quyết định.

Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, KTNN chuyên ngành VI đã tổ chức triển khai và hoàn thành cuộc kiểm toán thí điểm từ xa tại VNPT theo đúng tiến độ, chất lượng và yêu cầu của Ban cán sự Đảng và Tổng Kiểm toán nhà nước; phối hợp với Trung tâm Tin học và các đơn vị liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề bước đầu để KTNN thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán. Kết quả kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của VNPT đã đạt kết quả tốt với nhiều nội dung, phát hiện, kiến nghị quan trọng. “Việc kiểm toán từ xa trên môi trường số đã mở ra một hướng đi, hình thức kiểm toán mới; tạo lập được cơ sở dữ liệu về cơ cấu tổ chức bộ máy, tình hình kinh doanh và việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của VNPT; giảm thiểu tác động của các yếu tố khách quan bất khả kháng như dịch bệnh, thiên tai… và góp phần tăng tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán của KTNN” - Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo cho biết.

Thực tiễn kiểm toán từ xa cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: Các văn bản pháp luật, quy định, quy trình của KTNN còn chưa cụ thể hoá cho một số nội dung đặc thù của kiểm toán trên môi trường số; cấu trúc hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của KTNN và đơn vị được kiểm toán thường không đồng bộ nên phải nghiên cứu, thiết kế, xây dựng mới; hình thức kiểm toán từ xa yêu cầu tài liệu, chứng từ của đơn vị phải được số hoá ở mức độ cao nhưng hầu hết chứng từ, tài liệu, thủ tục phê duyệt của đơn vị vẫn được thực hiện và lưu trữ dưới dạng giấy; tương tác giữa Kiểm toán viên với đơn vị thông qua hệ thống CNTT chịu nhiều ảnh hưởng, giới hạn về kĩ thuật, công nghệ, tính ổn định của hệ thống... “Thực tiễn khó khăn, hạn chế trên đã giúp Lãnh đạo đơn vị đề xuất các bài học kinh nghiệm, kiến nghị các giải pháp thực hiện các cuộc kiểm toán từ xa trong những năm tới” – Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo nói.
 
Kiểm toán trưởng Trần Văn Hảo báo cáo tại Hội nghị 

Trong năm 2022, các mặt công tác của KTNN chuyên ngành VI như: Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và phổ biến pháp luật; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, văn thư lưu trữ; đoàn thể, thi đua cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI cho biết, đơn vị sẽ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, linh hoạt, sáng tạo trong công tác điều hành, phấn đấu hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt và các nhiệm vụ bổ sung đúng tiến độ, đảm bảo chất lượn. Cùng vói đó, xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nắm chắc pháp luật, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng; triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung có liên quan trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động kiểm toán cũng như điều hành của đơn vị; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán trong tất cả các khâu, đặc biệt là trong giai đoạn kiểm toán để kịp thời tham gia ý kiến, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với tình hình thực tế của các phát hiện, ý kiến kiểm toán.

Trình bày tham luận tại Hội nghị, đại diện các Phòng của KTNN chuyên ngành VI  bày tỏ sự đồng tình với các nội dung tại dự thảo Báo cáo. Các ý kiến cũng phân tích, đánh giá làm rõ thêm một số thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 từ đó kiến nghị, đề xuất, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác năm 2023.
 
Quang cảnh hội nghị 

 
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ biểu dương, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của KTNN chuyên ngành VI trong năm 2022. Nhận định năm 2023, hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán doanh nghiệp nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức do bối cảnh kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, lạm phát gia tăng, Phó Tổng Kiểm toán yêu cầu KTNN chuyên ngành VI  tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán; không ngừng đổi mới hoạt động kiểm toán; xác định rõ phạm vi, giới hạn cuộc kiểm toán ngay từ đầu. “Các báo cáo kiểm toán cần đưa ra dự báo tình hình tài chính của các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty. Đơn vị cần tăng cường chức năng phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán và đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán” – Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
            
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác đảng năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán nhà đề nghị Đảng bộ KTNN chuyên ngành VI tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên, nhất là quan tâm đến văn hóa đạo đức, ứng xử, trách nhiệm, nêu gương và lòng tự trọng nghề nghiệp cho đội ngũ Kiểm toán viên; chấp hành, tuân thủ tuyệt đối quy định về quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN; triển khai kịp thời, bài bản các các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các chủ trương của Ban cán sự, Đảng ủy và Lãnh đạo KTNN để tạo sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện; làm tốt công tác tổ chức xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; Công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể.

Thay mặt Lãnh đạo, công chức, Kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI, Kiểm toán Trưởng Trần Văn Hảo cảm ơn sự quan tâm, khích lệ, chỉ đạo sát sao của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ và Lãnh đạo KTNN đối với đơn vị. Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành VI khẳng định đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2023./.
 
Hà Linh
 

Xem thêm »