Nâng cao vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

01/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 01/12/2022, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Hội thảo “Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đồng chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo "Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và vai trò của Kiểm toán nhà nước”

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan của Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương; các Trường đại học, Viện nghiên cứu; các chuyên gia, nhà khoa học; các Tập đoàn, Tổng công ty, tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp và các đơn vị trực thuộc KTNN. Hội thảo được tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Mục đích của hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của KTNN trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, ngày nay phát triển bền vững gắn với quản lý tài nguyên và bảo vệ mội trường (BVMT) không còn là vấn đề riêng của một quốc gia nào, đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và là yếu tố sống còn quyết định đến sự phát triển bền vững của nhân loại. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường sống. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với các thách thức truyền thống và phi truyền thống khác sẽ còn tác động mạnh đến sự phát triển của nước ta trong những năm tới.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo

Nhiều năm qua, BVMT, quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Nhiều chủ trương, chính sách về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành. Nghị quyết Đại hội XIII của quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực tiễn công tác triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc bất cập, hiệu quả chưa cao. Nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, Lãnh đạo KTNN luôn quan tâm và coi kiểm toán lĩnh vực này là một trong các hoạt động ưu tiên của KTNN Việt Nam. KTNN đã thành lập Nhóm công tác về kiểm toán môi trường (KTMT) từ năm 2008; cử các thành viên trong nhóm tham gia các cuộc họp Nhóm công tác về KTMT của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI). KTMT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. KTNN đã xây dựng tài liệu, cẩm nang hướng dẫn về KTMT và triển khai áp dụng cho hoạt động KTMT của KTNN. “Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 14 được tổ chức tại Hà Nội năm 2018, KTNN Việt Nam đã có nhiều sáng kiến và cùng với các Cơ quan Kiểm toán tối cao đồng thuận thông qua Tuyên bố Hà Nội. Tuyên bố khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề KTMT vì sự phát triển bền vững” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết.

KTNN Việt Nam đã thực hiện các cuộc kiểm toán trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, BVMT như: Kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường; Kiểm toán Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững; Kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư đô thị giai đoạn 2017-2020; Kiểm toán Quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021… Qua đó, KTNN đã từng bước đánh giá công tác quản lý môi trường, đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực và dành sự quan tâm đến các khía cạnh về môi trường. “Tuy nhiên, KTMT do KTNN thực hiện hiện nay vẫn chủ yếu được lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, còn ít các cuộc KTMT mang tính chất kiểm toán hoạt động hoặc được thực hiện một cách độc lập nên kết quả kiểm toán chưa đạt được như kỳ vọng” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nói.
 
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp KTNN Lê Thị Thanh Thuỷ trình bày tham luận "Kết quả kiểm toán công tác quản lý tài nguyên,
bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu của KTNN giai đoạn 2018-2022"

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tập trung làm rõ quan điểm, chủ trương của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Thời gian qua, những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.

Những năm gần đây, KTNN đã đẩy mạnh kiểm toán công tác công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua việc lựa chọn các chủ đề kiểm toán được dư luận xã hội và truyền thông quan tâm. KTNN đã chỉ ra những bất cập về cơ chế chính sách; nguồn tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững, một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, có nơi nghiêm trọng; việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng…
 
Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Tiến Mạnh trình bày tham luận
"Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam gắn phát triển sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường"
 
PGS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường phát biểu tại Hội thảo

Qua các bài tham luận, các ý kiến đóng góp chất lượng trong phần thảo luận của các đại biểu, hội thảo đã đề xuất, kiến nghị các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể:

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong kế hoạch kiểm toán những năm tới, KTNN cần tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu trong quản lý Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; có kế hoạch kiểm toán trung hạn, hàng năm việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về môi trường trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; xác định kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

KTNN cần tăng cường tiền kiểm trong lĩnh vực kiểm toán công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như kiểm toán ngay từ khâu cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản; kiểm toán công tác đánh giá tác động môi trường trong khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án đầu tư xây dựng mới các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, các dự án đầu tư trọng điểm và các dự án đầu tư lớn khác; có các kiến nghị về các vấn đề liên quan đến môi trường, đến phát triển bền vững; tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu về kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và quản lý khai thác tài nguyên; tăng cường sử dụng chuyên gia trong quá trình thực hiện kiểm toán để đánh giá sự phù hợp về kỹ thuật, công nghệ, giá cả nhanh và chuẩn xác.

Ngoài ra, KTNN cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về kiểm toán môi trường một cách đầy đủ, chính xác và khoa học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm toán hoạt động để xác định tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
      
Kết luận Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết các ý kiến trao đổi, thảo luận tâm huyết của các đại biểu sẽ được Lãnh đạo KTNN tiếp thu tối đa để KTNN tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước./.
 
Hà Linh
 
 
 
 

Xem thêm »