Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương do Kiểm toán nhà nước thực hiện

06/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 05/12/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương do Kiểm toán nhà nước thực hiện” do Ths. Trương Tuấn Ngọc, KTNN Khu vực VI và Ths. Nông Thị Lịch, KTNN Chuyên ngành II đồng chủ nhiệm. GS.TS Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Kiểm toán theo phương pháp đánh giá trọng yếu, rủi ro là xu hướng tất yếu, khách quan, đã được triển khai rộng rãi trong thực tiễn hoạt động của KTNN, thông qua việc ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới, tổ chức đào tạo, tập huấn, ban hành quy trình, mẫu biểu hồ sơ mới, áp dụng trong thực tế kiểm toán… Ngân sách Nhà nước nói chung và ngân sách Bộ, các cơ quan Trung ương nói riêng là đối tượng kiểm toán thường xuyên và chủ yếu của KTNN, do đó, kiểm toán theo phương pháp đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương không nằm ngoài xu hướng này.

Tuy nhiên, trong thực tiễn kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương theo phương pháp đánh giá rủi ro, việc áp dụng các tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro đã bộc lộ những điểm hạn chế như: Áp dụng tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu không phản ánh bản chất hoạt động của đối tượng được kiểm toán; các tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu áp dụng thiếu đồng nhất; mức trọng yếu xác định chưa phù hợp với quy mô hoạt động của đối tượng được kiểm toán.

Ngoài ra, sự thay đổi của môi trường kiểm toán, các quy định pháp lý ảnh hưởng đáng kể tới việc trình bày và công bố thông tin của các đơn vị, tổ chức là đối tượng của kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương. Rủi ro gian lận trong trình bày công bố thông tin tăng lên, đặc biệt là trong những lĩnh vực hoạt động có rủi ro cao. Do đó, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương, là lĩnh vực vẫn được đánh giá là lĩnh vực trọng tâm trong hoạt động của KTNN hiện nay. Ngay cả khi việc tích hợp các nội dung kiểm toán trong một cuộc kiểm toán tăng lên xuất phát từ nhu cầu của đơn vị sử dụng cũng như của xã hội thì việc tập trung kiểm toán vào những khu vực rủi ro cũng phát huy những thế mạnh nhằm đạt được hiệu quả và hiệu lực kiểm toán tốt hơn.

Việc lựa chọn đề tài “Xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương do Kiểm toán nhà nước thực hiện” hướng tới xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương thích hợp, vận dụng cách tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro để áp dụng rộng rãi và nhất quán. Từ đó, KTNN có thể giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tiễn kiểm toán còn tồn tại trong kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương. Việc giải quyết những vấn đề nêu trên một cách có hệ thống, theo trình tự một cuộc kiểm toán với các nội dung kiểm toán được tích hợp nhằm cải thiện hiệu quả, hiệu lực.

Đề tài có tính cấp thiết nhằm phục vụ công tác kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán, phù hợp với lộ trình phát triển của KTNN theo chiến lược đã được phê duyệt.

Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được chia làm 3 chương: Chương I - Tổng quan về tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương; Chương II - Thực trạng vận dụng đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương; Chương III - Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương do KTNN thực hiện.

Đề tài sử dụng phương pháp tổng hợp, phân tích để hệ thống hóa lý luận và những vấn đề thực tiễn về tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro trong kiểm toán dựa trên rủi ro; phương pháp đánh giá tài liệu, quan sát, kiểm chứng để nghiên cứu, tổng kết thực trạng, làm rõ, nổi bật thực trạng các vấn đề nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân làm cơ sở đề xuất những giải pháp.
 

 Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, đề tài có ý nghĩa thực tiễn, khoa học và lý luận cao. Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của đề tài được trình bày theo bố cục các phần rõ ràng, mạch lạc, logic, các bảng biểu, sơ đồ khoa học, phù hợp với từng nội dung được đề cập. Đề tài đã hệ thống được những vấn đề lý luận cơ bản về tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương; tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng áp dụng các tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách Trung ương. Những nhận định, đánh giá dựa trên cơ sở thực tiễn và phản ánh một cách khách quan và khoa học tình hình thực tế của KTNN. Định hướng và các giải pháp được đề xuất sát thực, có tính khả thi về việc xây dựng tiêu chí đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể cung cấp những căn cứ thiết thực để  KTNN chuyên ngành (ngân sách), các đơn vị tham mưu của KTNN tham khảo trong việc đưa ra các quyết định về tổ chức, điều hành kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương.

Để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài cân nhắc thêm phạm vi nghiên cứu; biên tập ngắn gọn Chương I đảm bố cục giữa các chương cân đối; xem xét, chỉnh sửa cụm từ “đánh giá trọng yếu, rủi ro” thành cụm từ “đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu” cho đúng về mặt lý thuyết và bản chất của khái niệm. Đồng thời, Ban đề tài cần đi sâu phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế khi chưa có Bộ tiêu chí tại Chương 2, phần thực trạng. Trên cơ sở những nội dung đã trình bày, phần xây dựng bộ tiêu chí ở Chương 3 cần phân tích kỹ hơn và cần lô gic với phần lý luận, thực trạng.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao việc Ban đề tài đưa ra được các tiêu chí cụ thể đối với từng lĩnh vực như thu, chi thường xuyên, chi đầu tư, từng loại hình đơn vị, tuy nhiên để đề tài nghiên cứu đạt chất lượng cao hơn, Ban đề tài nghiên cứu đưa ra những lưu ý đối với từng loại hình đặc thù, phụ thuộc vào đặc điểm quản lý ngành của từng Bộ như phần đánh giá đặc điểm Chương I ban đề tài đã nêu. Bên cạnh đó việc xây dựng được các tiêu chí phục vụ cho kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách bộ, cơ quan trung ương cũng sẽ là một nội dung quan trọng có thể áp dụng trong thực tiễn hoạt động kiểm toán.
 
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, GS.TS Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban đề tài trong quá trình tổ chức thực hiện đề tài. Đề tài đã có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc trong việc hệ thống hoá được những vấn đề lý luận về tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương; đánh giá thực trạng đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương do KTNN thực hiện; xây dựng các tiêu chí đánh giá trọng yếu, rủi ro khi kiểm toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương do KTNN thực hiện. Đề tài có giá trị khoa học cả về mặt lý luận và thực tiễn kiểm toán tại KTNN. Ban chủ nhiệm đề tài cần xem xét tiếp thu những nội dung góp ý của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu để hoàn thiện đề tài.  Đề tài đạt 80,4 điểm và được Hội đồng nghiệm thu xếp loại khá./.

Hà Linh

Xem thêm »