Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự và chỉ đạo hội nghị.
Báo cáo về kết quả công tác năm 2022, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Lê Đức Luận cho biết, năm 2022, Vụ CĐ&KSCLKT đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác trên tất cả các mặt: Tham mưu xây dựng và tham gia xây dựng các văn bản chế độ của KTNN; thẩm định Kế hoạch và Báo cáo kiểm toán; kiểm soát chất lượng kiểm toán; trả lời khiếu nại đối với đơn vị được kiểm toán.
Trong năm, Vụ Chế độ và KSCLKT được giao chủ trì soạn thảo 4 văn bản quy phạm pháp luật và 6 văn bản quản lý. Đến 30/11/2022, Vụ đã hoàn thành và ban hành 1 văn bản trước thời hạn quy định, 1 văn bản đang trình ký ban hành, 5 văn bản đang lấy ý kiến toàn Ngành, dự kiến quý IV/2022 ban hành.
Vụ đã hoàn thành thẩm định và rà soát lần cuối trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước, ký ban hành 2 văn bản chuyên môn nghiệp vụ và 5 đề cương kiểm toán chuyên đề toàn Ngành năm 2022. Vụ cũng đã cử cán bộ tham gia các Tổ soạn thảo do các đơn vị khác chủ trì 04 văn bản; tham gia ý kiến đối với 17 dự thảo văn bản QPPL và văn bản quản lý của KTNN; góp ý 10 dự thảo văn bản QPPL của các Bộ, ngành. “Với sự cố gắng của toàn đơn vị, các văn bản được soạn thảo theo đúng tiến độ đề ra, đến nay cơ bản hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán đã đã được xây dựng đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với Chuẩn mực KTNN và Luật KTNN sửa đổi, giảm thủ tục hành chính, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu lực hiệu quả hoạt động kiểm toán” - Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT khẳng định.
Trong hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ đã bám sát mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm soát theo kế hoạch đã được giao, Vụ CĐ&KSCLKT đã triển khai các hoạt động kiểm soát theo đúng kế hoạch phù hợp với tiến độ các đợt kiểm toán của các đơn vị. Cụ thể, hoàn thành KSCL các cuộc kiểm toán năm 2021 chuyển sang và các cuộc KSCL thuộc KHKT năm 2022: Giám sát hoạt động của 232 Đoàn kiểm toán; kiểm soát trực tiếp 14 cuộc; kiểm soát việc tổ chức KSCLKT của 05 Kiểm toán trưởng; kiểm soát đột xuất 1 cuộc, kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành báo cáo kiểm toán 3 cuộc.
Vụ đã hoàn thành thẩm định 100% kế hoạch kiểm toán (KHKT) tổng quát và báo cáo kiểm toán, bảo đảm kiểm soát thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các giai đoạn của quá trình kiểm toán; công tác KSCLKT của các cấp kiểm soát đã đi vào nề nếp, ngày càng có hiệu quả.
Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT cho biết, công tác KSCLKT của Vụ tập trung vào những nội dung có nhiều rủi ro, lĩnh vực nhạy cảm và các Đoàn, Tổ kiểm toán có hạn chế về nhân lực. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát việc thu thập và tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán, xem xét cơ sở pháp lý đối với các đánh giá, kết luận và kiến nghị kiểm toán nhằm đảm bảo cho hoạt động kiểm toán được minh bạch, rõ ràng, đầy đủ cơ sở pháp lý. Hạn chế đến mức thấp nhất các đánh giá, kết luận, kiến nghị thiếu cơ sở, bằng chứng; các kết quả kiểm toán đều được rà soát cơ sở pháp lý, bằng chứng thích hợp, đảm bảo chặt chẽ. Qua kiểm soát, đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót của các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán để chấn chỉnh kịp thời, hạn chế được rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán toàn Ngành. Kết quả kiểm soát trong quá trình kiểm toán đã phối hợp rà soát, tăng kết quả kiểm toán về xử lý tài chính hơn 150 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Lê Đức Luận trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kế hoạch công tác năm 2023
Về công tác thẩm định KHKT, trong năm Vụ CĐ&KSCLKT đã tham gia thẩm định 233 KHKT tổng quát theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Kết quả thẩm định KHKT đảm bảo tiến độ, chất lượng thẩm định ngày càng nâng cao, tập trung vào các nội dung thiết thực để nâng cao chất lượng kiểm toán: Tính đầy đủ, hợp lý của các thông tin thu thập; đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; áp dụng các phương pháp kiểm toán để đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán; tuân thủ các quy trình chuẩn mực, đề cương, hướng dẫn, mẫu biểu kiểm toán đã góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Đánh giá việc tuân thủ các quy định trong hoạt động kiểm toán thông qua công tác KSCLKT, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT cho biết, qua kiểm soát, nhìn chung các Đoàn kiểm toán đã thực hiện cơ bản đầy đủ quy định về mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán, quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ, phương pháp kiểm toán. Công tác kiểm soát, của các đơn vị đã dần đi vào nề nếp; có 30 Đoàn kiểm toán đăng ký chất lượng vàng; nhiều Đoàn kiểm toán có kết quả phát hiện tốt, có kiến nghị xử lý tài chính cao, kỷ luật kỷ cương được giữ vững.
Trong năm 2022, Vụ CĐ&KSCLKT đã phối hợp với các đơn vị, tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời 32/32 văn bản kiến nghị khiếu nại kiểm toán đảm bảo đúng tiến độ quy định; phối hợp tốt với Thanh tra KTNN trong việc triển khai công tác kiểm soát chất lượng không để xảy ra chồng chéo...
Tuy nhiên còn một số tồn tại: Việc áp dụng Hướng dẫn kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu nhiều Đoàn kiểm toán chưa thuần thục; một số kết quả kiểm toán còn viện dẫn chưa đầy đủ cơ sở pháp lý hoặc viện dẫn cơ sở pháp lý chưa phù hợp; việc lưu trữ hồ sơ, bằng chứng kiểm toán còn chưa kịp thời và đầy đủ theo quy định; báo cáo KSCLKT trực tiếp của Tổ kiểm soát của KTNN chuyên ngành, khu vực còn một số hạn chế, chưa thể hiện đầy đủ kết quả kiểm soát các nội dung theo quy định.
Đánh giá về các bài học kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ, Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT nêu rõ một số bài học: Nêu cao và phát huy tốt vai trò hạt nhân, vai trò lãnh đạo của cấp ủy và đảng viên trong mọi hoạt động đơn vị, đặc biệt là công tác KSCLKT và xây dựng chính sách, chế độ; chú trọng công tác tổ chức cán bộ, thường xuyên coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên; xây dựng và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tăng cường công tác đào tạo, phổ biến kinh nghiệm để xây dựng đội ngũ cán bộ công chức của Vụ ngày càng giỏi về nghiệp vụ kiểm toán, kiểm soát và khả năng xây dựng văn bản chế độ; tăng cường tính chủ động trong công để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các công việc; công tác phân công nhiệm vụ cho các Kiểm toán viên thực hiện giám sát và KSCL kiểm toán phải cụ thể cho từng Đoàn kiểm toán để tạo sự chủ động và nâng cao trách nhiệm trong công việc…
Về triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023, Vụ xác định phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023: “Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác KSCL kiểm toán; hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động KSCLKT; tập trung kiểm soát chặt chẽ bằng chứng kiểm toán; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức, thực hiện các cuộc kiểm toán; nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo kiểm toán, bảo đảm tính thống nhất trong kiến nghị, đủ bằng chứng, cơ sở pháp lý; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán”.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chế độ kiểm toán tập trung vào: Sửa đổi, bổ sung Quy chế KSCLKT, Hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán; rà soát, nghiên cứu để đề xuất Tổng Kiểm toán nhà nước tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL và VBQL về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán phù hợp với Hệ thống CMKTNN mới ban hành để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của Hệ thống văn bản chế độ kiểm toán của KTNN; biên tập và phát hành Sổ tay KTVNN; phối hợp với Trung tâm Tin học để tin học hóa các sai sót thường gặp và kết luận, kiến nghị kiểm toán; thực hiện thẩm định đề cương kiểm toán các chuyên đề thực hiện toàn ngành trong năm 2023 do các KTNN chuyên ngành, khu vực chủ trì xây dựng để trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, trong đó cụ thể hóa nội dung, các phương pháp tổ chức kiểm toán, các mẫu biểu phù hợp với quy trình và mẫu biểu chung.
Công tác KSCLKT tập trung vào: Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch KSCL kiểm toán năm 2023; triển khai hoàn thành toàn diện Kế hoạch KSCL kiểm toán năm 2023, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khắc phục các hạn chế tồn tại; bảo đảm kiểm soát thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các cuộc kiểm toán; thực hiện đầy đủ 5 hình thức kiểm soát; thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro; tăng cường hình thức kiểm soát trực tiếp và kiểm soát việc tổ chức KSCLKT của Kiểm toán trưởng, trong đó đi sâu các nội dung kiểm soát theo quy định tại Công văn số 237/KTNN-CĐ ngày 14/3/2022 và Công văn số 274/CĐ-TH ngày 01/4/2022; Định kỳ đánh giá, báo cáo tình hình chất lượng kiểm toán; tiếp tục duy trì phiếu trao đổi công việc giữa các cuộc kiểm toán khi có phát hiện những tồn tại hoặc qua giám sát các cuộc kiểm toán để các Đoàn kiểm toán chấn chỉnh kịp thời; tiếp tục theo dõi và đánh giá chất lượng Đoàn, Tổ và thành viên Đoàn kiểm toán theo kết quả đầu ra để nâng cao tính tự giác, trách nhiệm của các Kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán...
Công tác trả lời kiến nghị, khiếu nại kiểm toán, tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh tiến độ trả lời văn bản kiến nghị khiếu nại kiểm toán còn tồn đọng và theo thực tế phát sinh.
Vụ đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch 2023: Phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, rà soát số lượng cụ thể công chức để chủ động đề xuất luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cho các cán bộ công chức theo nghị quyết của Ban cán sự; Phối hợp với Thanh tra KTNN và các KTNN chuyên ngành, khu vực triển khai thực hiện Kế hoạch KSCLKT bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo, đạt chất lượng; Đổi mới phương pháp KSCLKT, áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro, xác định trọng tâm kiểm soát nhằm giảm tối đa thời gian kiểm soát tại đơn vị và hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán của Đoàn, Tổ kiểm toán; Nâng cao chất lượng công tác thẩm định kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán. Kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm dựa trên đánh giá rủi ro theo 5 nội dung: Thực hiện các trọng tâm kiểm toán; tuân thủ, quy trình, quy chế; phát hiện các trường hợp Kiểm toán viên bỏ sót kết quả kiểm toán; kiểm soát việc thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp; chú trọng kiểm soát các vấn đề nhạy cảm...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao nỗ lực, phấn đấu của tập thể Lãnh đạo, công chức và người lao động Vụ CĐ&KSCLKT để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác năm 2022. “Trong năm 2022, Vụ CĐ&KSCLKT đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong Ngành, chủ động trong các mặt công tác, nâng cao chất lượng công tác KSCLKT” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Trong triển khai nhiệm vụ năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán lưu ý, Vụ cần bám sát chủ trương, định hướng của Ngành, chú trọng siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác KSCLKT, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán.
Phó Tổng Kiểm toán đề nghị Vụ tập trung vào một số giải pháp: Cấp ủy cần tiếp tục nêu cao tính gương mẫu, vai trò hạt nhân của người đứng đầu; tăng cường giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức chính trị cho đội ngũ công chức, người lao động; phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí trong toàn đơn vị; tăng cường đào tạo, tự đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, người lao động; tăng cường trao đổi, phối hợp với các đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ; chú trọng hoàn thiện các quy trình, văn bản hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Thay mặt tập thể Lãnh đạo, công chức, người lao động của Vụ CĐ&KSCLKT, Vụ Trưởng Vụ CĐ&KSCLKT Lê Đức Luận cảm ơn sự ghi nhận, đánh giá và chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị; cam kết sẽ tiếp thu để cụ thể hóa trong các kế hoạch hàng tháng của năm 2023. “Vụ CĐ&KSCLKT xác định mục tiêu của công tác KSCLKT chính là sự an toàn trong hoạt động toàn Ngành. Các hoạt động của Vụ có ảnh hưởng tới toàn Ngành. Vì vậy Vụ sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng, khắc phục những khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT phát biểu./.
Ngọc Bích