Kiểm toán nhà nước trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản

16/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Với mục đích trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực kiểm toán công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, sáng 16/12/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản”.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh phát biểu đề dẫn tọa đàm

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh; Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Anh Tuấn; Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự có 103 đại biểu là Lãnh đạo, Kiểm toán viên đến từ Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra KTNN, KTNN chuyên ngành II, V, VI và 13 KTNN khu vực.

Phát biểu đề dẫn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết, tài nguyên khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia. “Với đặc điểm của tài nguyên khoáng sản hầu hết là không tái tạo, Nhà nước cần có sự quản lý thống nhất từ khâu quy hoạch, thẩm định, cấp phép thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước của các đơn vị khai thác khoáng sản.”- Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Luật Khoáng sản là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động về tài nguyên, khoáng sản. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản không phép, trái phép còn diễn ra, gây thất thu ngân sách trong hoạt động tài nguyên khoáng sản, phá vỡ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường… ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Năm 2013 và 2017, KTNN đã thực hiện 02 cuộc kiểm toán phạm vi toàn Ngành về quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, năm 2013, KTNN tổ chức kiểm toán chuyên đề về “Cấp giấy phép và quản lý Nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2009-2012” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 25 tỉnh, thành phố. Năm 2017, KTNN tổ chức kiểm toán chuyên đề về “Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014-2016”.

Trong năm 2022, KTNN tổ chức cuộc kiểm toán chuyên đề về “Công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021” với phạm vi kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam và 28 tỉnh, thành phố. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản ngay từ khâu thăm dò, quy hoạch đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trong giai đoạn 2017-2021.
 

Quang cảnh tọa đàm

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức kiểm toán cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhất định trong việc chuẩn bị kiểm toán cũng như công tác phối hợp giữa các Đoàn kiểm toán với các cơ quan quản lý tài nguyên khoáng sản của địa phương, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản … “Cuộc kiểm toán mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng còn khoảng cách so với yêu cầu ngày càng cao về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết.

Tại tọa đàm, với 7 tham luận do đại diện các đơn vị Vụ Chế độ &KSCL Kiểm toán, Thanh tra KTNN, KTNN chuyên ngành II, chuyên ngành VI, các KTNN khu vực IV, VI, VII trình bầy và 5 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường đã cung cấp nhiều thông tin xoay quanh một số phát hiện kiểm toán quan trọng trong quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán; các kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán cùng những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện kiểm toán.

Qua trao đổi, thảo luận, các đại biểu đã khẳng định vai trò quan trọng của việc quản lý tài nguyên, khoáng sản trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển; chỉ ra tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn và tính tuân thủ pháp luật của các đơn vị khai thác tài nguyên, khoáng sản.
 
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Huỳnh Hữu Thọ phát biểu tại tọa đàm

Theo các đại biểu, qua việc triển khai các cuộc kiểm toán về công tác quản lý Nhà nước về tài  nguyên khoáng sản và kết quả các cuộc kiểm toán mang lại đã làm rõ vai trò của KTNN trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản thông qua việc kiến nghị các đơn vị có liên quan chấn chỉnh những tồn tại trong các khâu từ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khai thác tài nguyên, khoáng sản đến cấp phép, kiểm tra, giám sát việc khai thác tài nguyên, khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước của các đơn vị khai thác tài nguyên, khoảng sản.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất, kiến nghị các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm toán công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, trong đó nhấn mạnh đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của KTNN trong tổ chức kiểm toán; công tác đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến trao đổi kinh nghiệm; việc nâng cao chất lượng công tác khảo sát nhằm đảm bảo các thông tin thu thập được đầy đủ, chính xác; công tác trao đổi thông tin của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, của các Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán... Đặc biệt là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật cao trong hoạt động kiểm toán và làm tốt công tác kiểm tra thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, có các biện pháp, chế tài đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN.

Phát biểu bế mạc tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đánh giá cao công tác tổ chức, chuẩn bị nội dung chu đáo, chất lượng của các đơn vị được phân công, sự tham gia đầy đủ của các đại biểu đến từ nhiều đơn vị trực thuộc KTNN với nhiều bài tham luận có chất lượng và các ý kiến phát biểu tâm huyết tại tọa đàm.

Cũng theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu đã tập trung thảo luận để làm rõ các vấn đề, tìm ra các giải pháp có tính khả thi cao, giúp cho các cơ quan Nhà nước có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý về tài nguyên khoáng sản, đồng thời giúp KTNN hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả Tọa đàm sẽ được tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu tối đa để xây dựng các giải pháp hữu hiệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán có liên quan trong thời gian tới./.

Phương Ngọc

Xem thêm »