Sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước

21/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 20/12/2022, Phân hội Kiểm toán viên nhà nước và Vụ Chế độ và Kiểm soát Chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT), Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN (Hệ thống CMKTNN) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bà Bùi Thị Minh Ngọc– Phó Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT, Phó Chủ tịch Phân hội Kiểm toán viên nhà nước và ông Đỗ Trung Dũng, Phó Vụ trưởng CĐ&KSCLKT đồng chủ trì hội thảo.

Phó Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT, Phó Chủ tịch Phân hội Kiểm toán viên nhà nước Bùi Thị Minh Ngọc phát biểu đề dẫn Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị tham mưu, sự nghiệp, các KTNN chuyên ngành và khu vực.

Phát biểu đề dẫn, bà Bùi Thị Minh Ngọc cho biết: Hiện nay, KTNN đã xây dựng, ban hành và đang áp dụng Hệ thống CMKTNN gồm 39 chuẩn mực với 3 cấp độ: Cấp độ 2 - Các điều kiện tiên quyết để thực hiện chức năng của KTNN; cấp độ 3 - Các nguyên tắc kiểm toán cơ bản (6 chuẩn mực) và cấp độ 4 - Các hướng dẫn kiểm toán (33 chuẩn mực).

Tuy nhiên, việc áp dụng Hệ thống chuẩn mực còn bất cập, bên cạnh đó, Hệ thống CMKT của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao INTOSAI (ISSAIs) đã sửa đổi một số nội dung. “Thực tiễn trên đã đặt ra yêu cầu KTNN thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ soạn thảo sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN, dự kiến ban hành vào năm 2023”- bà Bùi Thị Minh Ngoc cho biết.
 

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trụ sở KTNN - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội

Tại hội thảo, thay mặt Tổ soạn thảo CMKTNN, ông Đỗ Trung Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT đã báo cáo tóm tắt quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN.

Theo đó, đến nay, Ban Soạn thảo đã lấy ý kiến của các đơn vị của KTNN, xin ý kiến Ban Cán sự về 2 phương án sửa đổi, bổ sung: Phương án 1 - giữ nguyên 39 chuẩn mực như hiện hành trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các nội dung sửa đổi của Hệ thống chuẩn mực của INTOSAI. Phương án 2 gồm 6 chuẩn mực cấp độ 3: CMKTNN 100 - Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kiểm toán của KTNN; CMKTNN 130 - Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, CMKTNN 140 - Kiểm soát chất lượng kiểm toán, CMKTNN 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính, CMKTNN 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động, CMKTNN 400 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ. Trong đó CMKTNN 130 và CMKTNN 140 là CMKTNN 30 và CMKTNN 40 theo Hệ thống CMKTNN cũ.

Không xây dựng các CMKTNN cấp độ 4, tuy nhiên có lồng các nguyên tắc cơ bản của từng chuẩn mực vào các CMKTNN cấp độ 3, cụ thể: Lồng các nguyên tắc cơ bản của các CMKTNN tài chính (từ CMKTNN 1200-1805) vào CMKTNN 200 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tài chính; lồng các nội dung cơ bản của CMKTNN 3000 và 4000 vào CMKTNN 300 -  Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động và CMKTNN 400 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán tuân thủ.

Tại hội thảo, đã có 2 tham luận và 5 ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội trường xoay quanh những khó khăn, vướng mắc, hạn chế khi áp dụng Hệ thống CMKTNN trong việc lập kế hoạch kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán.
 
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín trình bày tham luận qua hệ thống trực tuyến 

Trong bài tham luận  “Những khó khăn, vướng mắc, hạn chế khi áp dụng hệ thống CMKTNN trong lập KHKT tổng quát cuộc kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) và giải pháp khắc phục”, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết: Việc thực hiện đúng các yêu cầu của các chuẩn mực KTNN về lập KHKT tổng quát đối với cuộc kiểm toán NSĐP, BCQT NSĐP trong thực tế còn nhiều bấp cập, khó thực hiện, nội dung chuẩn mực chưa phù hợp với đặc thù cuộc kiểm toán NSĐP, BCQT NSĐP mà KTNN tổ chức thực hiện dẫn đến tình trạng mất nhiều thời gian, nhân sự để khảo sát, thu thập thông tin nhưng thông tin lại chưa đầy đủ, không phù hợp thực tế, giá trị sử dụng thấp, không trên cơ sở thực tiễn của từng địa phương, từng đơn vị được kiểm toán… “ Điều này dẫn đến việc xác định mục tiêu, nội dung và khoản mục trọng yếu hầu như cùng khuôn mẫu, giống nhau ở các cuộc kiểm toán NSĐP do  KTNN khu vực V thực hiện.”- ông Nguyễn Đức Tín nhấn mạnh.

Cũng trao đổi về những khó khăn trong quá trình áp dụng Hệ thống CMKTNN trong hoạt động kiểm toán, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng cho rằng, trong việc áp dụng Hệ thống CMKTNN, chưa có sự thống nhất trong cách hiểu giữa các đơn vị trực thuộc, bên cạnh đó mức độ quan tâm của Kiểm toán viên về Hệ thống CMKTNN chưa cao, chưa coi đó là công cụ để bảo vệ trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
 
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Lê Đình Thăng trao đổi tại hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cũng làm rõ thêm một số vấn đề, như: Cách tiếp cận CMKTNN, việc sử dụng một số thuật ngữ trong chuẩn mực kiểm toán chưa thống nhất, chưa rõ ràng. Hệ thống CMKTNN với quy trình kiểm toán, hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, các hướng dẫn kiểm toán... còn những nội dung chưa thống nhất. Các khái niệm đưa ra trong Luật Kiểm toán nhà nước và Hệ thống CMKTNN còn có sự khác biệt dẫn đến còn có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng vào thực tiễn.

Bên cạnh việc chỉ ra các vướng mắc nêu trên, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp và gợi mở hướng sửa đổi, bổ sung Hệ thống CMKTNN cho phù hợp với thực tiễn hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam và phù hợp với Hệ thống CMKT ISSAIs.

Phát biểu kết luận hội thảo, bà Bùi Thị Minh Ngọc cho rằng, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn và tâm huyết của các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị KTNN, các chuyên gia những người có nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và áp dụng Hệ thống CMKTNN trong thực hiện hoạt động kiểm toán. Theo bà Bùi Thị Minh Ngọc, các ý kiến tham gia sẽ được tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo KTNN trong quá trình soạn thảo, xây dựng Hệ thống CMKTNN đáp ứng được các mục tiêu đề ra là đáp ứng được yêu cầu, nguyên tắc, thủ tục kiểm toán và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán theo đúng tinh thần được luật hóa tại Điều 6 Luật KTNN, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động kiểm toán, góp phần thực hiện mục tiêu theo chiến lược phát triển KTNN đến 2030 theo Nghị quyết số: 999/2020/UBTVQH14 của UBTV Quốc hội./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »