Đề tài “
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước” do ThS. Đỗ Xuân Long, ThS. Đoàn Thị Ngọc Hà, KTNN chuyên ngành Ia đồng chủ trì.
Theo Ban chủ nhiệm đề tài, ngày 10/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc KTNN, những đổi mới của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã đem lại nhiều lợi ích cho các đơn vị, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thúc đẩy các hoạt động của đơn vị, cung cấp sự nghiệp dịch vụ công theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao số lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên việc tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc KTNN hiện nay vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua do một số nguyên nhân như: Nhiều văn bản pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung; Hệ thống quản trị nội bộ của một số đơn vị còn yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp; Chi tiêu NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập chưa hiệu quả, gây lãng phí; Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp.
Chính vì vậy việc chủ động thay đổi cách thức hỗ trợ từ NSNN trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước chuyển từ giao dự toán khoán chi hoạt động thường xuyên như trước đây, sang đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công là một trong những giải pháp, nội dung cần chú trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại KTNN.
Trước đây tại KTNN đã có một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở liên quan đến cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc KTNN. Tuy nhiên những đề tài này đã được nghiên cứu và công bố rất lâu (năm 2005) do đó trong bối cảnh các điều kiện về kinh tế, xã hội, cơ chế, chính sách đã có nhiều thay đổi so với thời điểm trước.
Chính vì vậy Đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước” sẽ tập trung nghiên cứu các khoảng trống chưa được đề cập hoặc chưa được nghiên cứu một cách cụ thể trước đây, qua đó góp phần hoàn thiện giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại KTNN.
Ban Chủ nhiệm đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước” báo cáo
Đề tài có kết cấu 3 chương: Cơ sở lý luận và pháp lý về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN; Thực trạng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của KTNN; Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN tại KTNN.
Đề tài
“Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ” do Ths. Nguyễn Giang Sơn và Ths.Nguyễn Thu Giang, KTNN chuyên ngành VI chủ trì.
Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, kết quả kiểm toán thời gian qua cho thấy, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn thiếu ổn định, chưa đồng bộ, nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và có kẽ hở để các tổ chức và cá nhân liên quan có thể trục lợi, tham nhũng, lãng phí; việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp do Nhà nước (DNNN) nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ chậm được triển khai và có nhiều vướng mắc; nhiều Tập đoàn, Tổng công ty và DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với NSNN.
Trong thời gian vừa qua, KTNN đã ban hành hướng dẫn và thực hiện kiểm toán chuyên đề “Công tác quản lý Nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021 tại một số địa phương” và “Việc quản lý, sử dụng đất đai trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2017”; tuy nhiên nội dung kiểm toán chung về việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai do các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nắm giữ thì chưa có hướng dẫn.
Vì vậy, việc lựa chọn đề tài
“Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai do các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ
” nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN, góp phần xác định các giải pháp nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Thời kỳ nghiên cứu của đề tài là giai đoạn 2017-2022 - từ khi có Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN và các chủ trương của Đảng về DNNN.
Đề tài được trình bày thành 03 chương: Tổng quan công tác quản lý Nhà nước về đất đai; Thực trạng công tác quản lý đất đai do các DNNN nắm giữ và kết quả kiểm toán của KTNN trong việc quản lý, sử dụng đât đai do các DNNN nắm giữ trong thời gian vừa qua; Các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán viêc quản lý, sử dụng đất đai do các DNNN nắm giữ.
Đề tài
“Xây dựng hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ” do ThS. Trần Việt Sơn; ThS. Cao Đức Hiếu, KTNN chuyên ngành III đồng chủ trì.
Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong thời gian qua, KTNN Việt Nam luôn đồng hành cùng với Chính phủ trong công tác bảo vệ môi trường thông qua việc tổ chức các cuộc kiểm toán môi trường, đặc biệt là đối với các chủ đề liên quan đến Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN), qua đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế làm cơ sở đề xuất nhiều kiến nghị nhằm khắc phục, chấn chỉnh và bảo vệ môi trường.
Trước đây, đã có một số đề tài nghiên cứu có liên quan đến hoạt động kiểm toán công tác bảo vệ môi trường tại các KKT, KCN. Tuy nhiên, các đề tài này chưa nghiên cứu cụ thể về việc quản lý, xử lý chất thải rắn, khí thải phát sinh hoặc chưa bảo đảm mẫu chọn mang tính đại diện, tổng thể trên địa bàn toàn quốc.
Các đề tài đã được công bố trước đây chủ yếu xem xét, dẫn chiếu đến các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đến nay đã hết hiệu lực, do đó chưa có đề tài nào cập nhật theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn mới được ban hành; các đề tài chủ yếu tập trung vào hoạt động kiểm toán đối với công tác quản lý Nhà nước, chưa đi sâu phân tích để đưa ra các phương pháp kiểm toán đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động tại các KCN, KKT, vốn là các chủ thể phát sinh chất thải và có tác động trực tiếp tới môi trường. Ngoài ra, cũng chưa có đề tài nào thực hiện tổng hợp, phân tích các kinh nghiệm, thông lệ quốc tế có liên quan kiểm toán môi trường tại các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại KCN, KKT từ cơ quan KTNN tại các quốc gia trên thế giới để nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn tại KTNN Việt Nam. Đồng thời, việc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN, KKT còn rất mới mẻ, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, người dân nhưng chưa có đề tài nghiên cứu nào về vấn đề này.
Chính vì vậy, Đề tài “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ” sẽ tập trung nghiên cứu các khoảng trống chưa được đề cập hoặc chưa được nghiên cứu một cách cụ thể trước đây, qua đó góp phần hoàn thiện giải pháp kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại KKT, KCN, cụm công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm cập nhật theo các quy định hiện hành và có thể áp dụng trong các cuộc kiểm toán của KTNN Việt Nam trong tương lai.
Đề tài gồm 3 chương: Tổng quan về công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ; Thực trạng kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ và kinh nghiệm quốc tế; Xây dựng Hướng dẫn kiểm toán công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Đề tài
“Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp” do Ths. Lê Thanh Minh và Ths. Cao Minh Xuyến, KTNN khu vực II đồng chủ nhiệm.
Trình bày về đề tài, ban Chủ nhiệm đề tài cho rằng, tổ chức kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất đai được KTNN quan tâm và thực hiện thường xuyên, tuy nhiên, chưa có đề tài, đề cương nào nghiên cứu và đánh giá sâu đối với việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp để đưa ra các giải pháp nâng cao tăng cường công tác quản lý của các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương đối với lĩnh vực này nhằm hạn chế thất thoát tiền và tài sản của Nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm toán.
Trong khi đó việc sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào các mục đích phi nông nghiệp đều có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó tăng mạnh nhất là đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất giao thông; đất thương mại, dịch vụ du lịch… Quá trình triển khai thực hiện có nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, đăng ký, thống kê, kiểm kê, công tác thanh, kiểm tra... việc quản lý sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển.
Do đó, việc nghiên cứu đề tài "
Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp” là hết sức cần thiết nhằm góp phần tham gia vào việc giải quyết những vấn đề trên và đáp ứng đòi hỏi thực tế đặt ra.
Đề tài gồm 3 chương: Cơ sở lý luận về việc tổ chức kiểm toán việc việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp; Thực trạng việc tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp; Tổ chức kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển vào mục đích phi nông nghiệp.
Tại cuộc họp, Tổ thẩm định đánh giá cao ý nghĩa khoa học cũng như thống nhất với ý tưởng nghiên cứu của 04 đề tài. Các thành viên Tổ thẩm định đã trao đổi tham gia đóng góp chi tiết, cụ thể nhằm hoàn thiện đối với từng đề tài: Về tên, mục tiêu, phạm vi, nội dung nghiên cứu để phù hợp, sát thực với hoạt động của Ngành.
Kết luận buổi thẩm định, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đánh giá cao sự nỗ lực của các Ban chủ nhiệm đề tài; cho rằng, các đề tài đã tập trung nghiên cứu những vấn đề cần thiết cả về lý luận và thực tiễn với với hoạt động của Ngành. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Ban Chủ nhiệm các đề tài tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của Tổ thẩm định, hoàn thiện đề cương; sản phẩm đầu ra của các đề tài để việc nghiên cứu được hiệu quả và khả thi./
Ngọc Bích