Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân

23/12/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 21/12/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký và ban hành Chỉ thị số 1187/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg về tăng cường, củng cố hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

Cần có phương án cụ thể về xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt

Để triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra của Chỉ thị số 06/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Bộ, Ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Tiếp tục củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo đúng mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”.

Nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Báo cáo số 121/TTr-NHNN ngày 14/11/2022, tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 06/CT-TTg nhằm đạt được các mục tiêu, yêu cầu đã đề ra về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát toàn diện hoạt động của QTDND, nhất là đối với các QTDND có quy mô lớn, có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường xuyên trao đổi thông tin và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn, lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế.

Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung: Các quy định về tổ chức, hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo đúng tôn chỉ, mục đích; quy định phương án cụ thể về xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt, cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng tham gia xử lý.

Thực hiện xử lý pháp nhân các QTDND được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo quy định của pháp luật, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ, thận trọng và công khai; thống nhất về chủ trương, hình thức, biện pháp xử lý; hạn chế tối đa tác động tiêu cực và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Bộ Công an:

Chỉ đạo Công an các địa phương chủ động nắm tình hình, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật và dấu hiệu bất thường khác trong hoạt động của QTDND; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xây dựng kịch bản, phương án đảm bảo giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình xử lý QTDND yếu kém.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra để khởi tố các sai phạm theo quy định pháp luật và phối hợp với các cơ quan tư pháp khẩn trương truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án liên quan đến Quỹ tín dụng nhân dân để tăng tính răn đe, phòng ngừa chung; có biện pháp kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, phối hợp, giám sát hoạt động của QTDND trên địa bàn; chủ động thông tin sớm cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố về dấu hiệu vi phạm, bất thường trong hoạt động của các QTDND để có biện pháp xử lý, trong đó bao gồm cả xử lý nhân sự quản lý, điều hành, kiểm soát; tránh gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn hệ thống QTDND trên địa bàn; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố kịp thời xử lý các sự cố phát sinh, đặc biệt là việc xử lý các QTDND yếu kém, được kiểm soát đặc biệt, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan tư pháp địa phương đẩy nhanh tiến độ xét xử theo quy định các vụ án liên quan đến QTDND, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia xử lý QTDND yếu kém theo quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các QTDND, chính quyền địa phương, cơ quan thi hành án đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhằm đảm bảo thu hồi nợ cho QTDND./.
 

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến 30/9/2022, toàn hệ thống QTDND có 1.179 QTDND, hoạt động trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố. Tổng tài sản hệ thống QTDND: 166.674,5 tỷ đồng, tăng 4,9% so với 31/12/2021, trong đó, dư nợ cho vay: 130.861,3 tỷ đồng, tăng 13,2% so với 31/12/2021; tiền gửi tại Ngân hàng Hợp tác xã (NHHTX): 28.128,8 tỷ đồng, giảm 21,0% so với 31/12/2021; tiền gửi tại TCTD khác (ngoài NHHTX): 1.402,1 tỷ đồng, tăng 5,7% so với 31/12/2021.

Nguồn vốn từ: Tiền gửi của khách hàng là 145.707,9 tỷ đồng, tăng 4,0% so với 31/12/2021; vay NHHTX: 4.342,6 tỷ đồng, tăng 27,3% so với 31/12/2021; vay từ Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND: 132,8 tỷ đồng; vay tổ chức tín dụng (TCTD) khác: 10,9 tỷ đồng.

Nợ xấu: 747,0 tỷ đồng, tăng 1,0% so với 31/12/2021. Nợ xấu của hệ thống QTDND không bao gồm nợ xấu của các QTDND được kiểm soát đặc biệt (KSĐB) (hầu hết là các khoản nợ do vi phạm pháp luật không có khả năng thu hồi); dự phòng rủi ro: 1.259,4 tỷ đồng, tăng 7,7% so với 31/12/2021.

Vốn chủ sở hữu: 11.826,8 tỷ đồng, tăng 13,1% so với 31/12/2021, trong đó: Vốn điều lệ: 6.283,7 tỷ đồng, tăng 11,0 so với 31/12/2021; vốn điều lệ trung bình của 01 QTDND là 5,3 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với quy định về vốn pháp định tại Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 ở mức từ 500 triệu - 1 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh đạt 1.747,0 tỷ đồng.

Qua 03 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg đã góp phần củng cố an toàn hoạt động của hệ thống QTDND; Xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc có thể gây nên hệ lụy, vấn đề mất an toàn an ninh hệ thống chính trị, xã hội tại địa phương; Đặt ra những tiền đề trong việc tiếp tục đổi mới, củng cố, cơ cấu lại hệ thống QTDND. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hệ thống QTDND về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý các biện pháp hỗ trợ, xử lý QTDND yếu kém, QTDND được kiểm soát đặc biệt, về phối hợp cung cấp thông tin, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đến thời điểm hiện tại, toàn hệ thống QTDND có 29 QTDND được NHNN chi nhánh (CN) đặt vào kiểm soát đặc biệt, hầu hết các QTDND này đang triển khai theo phương án phê duyệt của NHNN CN: Phục hồi, giải thể... Đặc biệt, để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và ngăn chặn nguy cơ đe dọa sự an toàn của hệ thống các TCTD, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và chủ động triển khai phương án xử lý một số QTDND thông qua việc các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia xử lý. Đến nay, tổng số tiền các NHTM kết tham gia xử lý đủ để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.


Khánh Vy
 
 

Xem thêm »