(sav.gov.vn) - Chiều 23/12022, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới công tác tổ chức chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và các giải pháp để nâng cao chất lượng” do ThS. Thái Thị Lan - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib và Cử nhân Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN đồng Chủ nhiệm. TS. Vũ Văn Họa - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - là chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
ThS. Thái Thị Lan - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả nghiên cứu
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, Ban chủ nhiệm đề tài cho biết: Trong những năm qua, thông qua hoạt động kiểm toán quyết toán NSNN các cấp, KTNN đã chỉ ra những hạn chế chủ yếu trong công tác lập và giao dự toán của niên độ ngân sách được kiểm toán như: Lập dự toán chưa đầy đủ và bao quát hết nguồn thu, lập dự toán chậm so với thời gian quy định; số liệu ước thực hiện thu thấp so với khả năng thực hiện; danh mục dự án đề xuất bố trí vốn không sát thực tế nên phải điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch vốn; tình trạng lập dự toán chi thường xuyên cao hơn khả năng ngân sách, chưa đầy đủ căn cứ tính toán và không sát thực tế; giao dự toán chi đầu tư chưa phù hợp với danh mục dự kiến kế hoạch vốn, giao dự toán chi thường xuyên chậm, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm, một số địa phương phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên chưa phân khai hết cho các đơn vị từ đầu năm…Giá trị của kết quả kiểm toán cũng như kiến nghị kiểm toán đối với công tác lập, giao dự toán còn hạn chế, thiếu tính kịp thời so với thực tiễn do đặc điểm về độ trễ thời gian KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý tài chính, tài sản công hay kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN đều mang tính chất hậu kiểm. Trong khi quy định của Luật KTNN thì KTNN có nhiệm vụ quan trọng liên quan đến dự toán NSNN là “Trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương”, và “Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định”. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả vai trò của KTNN trong chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW hàng năm thì cần thiết phải đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện quá trình thảo luận, nghiên cứu cho ý kiến nhằm từng bước nâng cao chất lượng của Báo cáo ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW của KTNN từ đó tư vấn cho Quốc hội quyết định dự toán NSNN đồng thời giúp các đơn vị đảm bảo việc lập ngân sách theo đúng trình tự quy định của pháp luật và bao quát hết nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo việc phân bổ ngân sách vào những nội dung công việc một cách thiết thực, hiệu quả. Việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp bộ “Đổi mới công tác tổ chức chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN và các giải pháp để nâng cao chất lượng” là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với hoạt động kiểm toán của KTNN.
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW; Chương 2 - Thực trạng công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW giai đoạn 2016 – 2020; Chương 3 - Một số giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW.
Đề tài sử dụng phương pháp thống kê, tổng hợp, phân tích để đánh giá những kết quả, hạn chế và nguyên nhân hạn chế; những bài học kinh nghiệm… từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đạt được những thành công nhất định trong việc làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong việc cho ý kiến đối với dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTƯ); Đánh giá thực trạng tổ chức, chất lượng về việc cho ý kiến dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ; Đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng cho ý kiến về dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTƯ để Quốc hội có thông tin khách quan, độc lập từ KTNN trong việc xem xét, quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ; Chính phủ có thông tin phản biện khách quan trong việc lập, hoàn thiện báo cáo dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ trình Quốc hội; đồng thời khẳng định vai trò và vị thế của KTNN và thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng kiểm toán tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
Tuy nhiên, để đề tài có giá trị ứng dụng cao hơn và hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp thu các ý kiến, bổ sung quy trình chuẩn bị ý kiến của KTNN về dự toán NSNN; tổng hợp kết quả KTNN đã đạt được về việc cho ý kiến đối với từng lĩnh vực trong dự toán NSNN; đề xuất giải pháp đổi mới có tính đột phá theo hướng đề xuất kiểm toán dự toán NSNN, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhân sự, quy trình, thủ tục thực hiện.
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Vũ Văn Họa đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình tổ chức nghiên cứu. Đề tài đã được tổ chức nghiên cứu một cách nghiêm túc và công phu, có giá trị lý luận và ứng dụng thực tiễn. Kết quả nghiên cứu cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, song còn một số hạn chế nhất định cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại khá./.
Hà Linh