(sav.gov.vn) – Ngày 29/12/2022, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng Thẩm định Đề cương giáo trình "Quản lý Ngân sách Nhà nước" (NSNN) tổ chức họp lấy ý kiến hoàn thiện giáo trình . TS. Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Toàn cảnh buổi họp
Báo cáo Hội đồng thẩm định, Ban biên soạn Đề cương giáo trình Quản lý NSNN đã trình bày khái quát một số nội dung chính của giáo trình. Theo đó, giáo trình được kết cấu thành 05 chương: Chương 1- Tổng quan về quản lý NSNN; Chương 2 - Lập và quyết định dự toán NSNN; Chương 3 - Chấp hành NSNN; Chương 4 - Kiểm toán và quyết toán NSNN; Chương 5 - Đánh giá quản lý NSNN.
Thời lượng giáo trình chia làm 32 tiết; trong đó, 17 tiết lý thuyết, 13 tiết thực hành; 02 tiết ôn tập và kiểm tra.
Giáo trình được xây dựng theo hướng mở để tiếp tục cập nhật, bổ sung phù hợp thực tiễn. Cuối mỗi chuyên đề có câu hỏi gợi ý thảo luận, danh mục tài liệu tham khảo. Nội dung tài liệu không trùng lặp giữa các chuyên đề, được gắn kết giữa lý luận với thực tiễn của KTNN...
Giáo trình sẽ trang bị cho người học kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý NSNN và vai trò của KTNN trong kiểm toán quyết toán NSNN; giúp người học vận dụng những kiến thức lý luận và nghiệp vụ vào giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn về NSNN, trên cơ sở đó có thể vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán NSNN.
Đối tượng bồi dưỡng là Kiểm toán viên nhà nước tham gia chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ quản lý NSNN theo quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước. Giáo trình được dành cho những học viên đã học môn học “Quản lý tài chính công, tài sản công”.
Tại buổi họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện Đề cương giáo trình và cơ bản đồng tình với các nội dung đề xuất. Đa số thành viên Hội đồng đều cho rằng: Giáo trình có giá trị cung cấp kiến thức cả về mặt lý thuyết và thực hành cho các học viên tham gia Chương trình bồi dưỡng ngạch Kiểm toán viên, làm nền tảng cho công tác kiểm toán NSNN. Đề cương cơ bản đã bao quát các nội dung về quản lý NSNN, từ lập dự toán, quyết định dự toán, chấp hành NSNN, quyết toán NSNN.
Tuy nhiên, đề tài hoàn thiện hơn nữa, Hội đồng thẩm định đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số nội dung: Kế toán NSNN; đối tượng bồi dưỡng; chỉnh sửa mục tiêu thành vai trò của KTNN trong kiểm toán NSNN (bao gồm lập dự toán, chấp hành, quyết toán ngân sách).
Bên cạnh đó, xem xét biên tập đổi tên Chương 4 “Kiểm toán và quyết toán NSNN” thành: “Kế toán, quyết toán NSNN và đánh giá quản lý NSNN”; biên tập lại Chương 5 từ tiêu đề “Đánh giá quản lý NSNN” thành “Kiểm toán quyết toán NSNN”; rà soát lại toàn bộ các đề mục về kiểm toán tại các Chương để đảm bảo thống nhất, tránh trùng lặp và nêu bật được vai trò, nhiệm vụ của KTNN trong quản lý NSNN, bao gồm lập, quyết định dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN. Hiện nay, Chương 2 và Chương 4 có đề cập đến KTNN, trong khi Chương 3 (Chấp hành ngân sách) không có mục về KTNN.
Hội đồng cũng đề nghị Ban rà soát nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung về: Bội thu NSNN, quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán từ nguồn bội thu; bội chi NSNN, quy định về nguồn bù đắp bội chi, việc quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn bội chi; tăng thu NSNN, quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn tăng thu; hụt thu NSNN, quy định về xử lý khi hụt thu NSNN; kết dư NSNN, quy định về xử lý, quản lý, sử dụng và quyết toán nguồn kết dư ngân sách; cách tính tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, mức bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới; kế toán NSNN và nghiệp vụ kho bạc (Tabmis); cấp ngân sách, đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách; khuân khổ, giới hạn trích, quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản Dự phòng ngân sách, Quỹ dự trữ tài chính, vay; hạch toán, kế toán, tổng hợp quyết toán các khoản Ứng trước dự toán năm sau; ghi thu – ghi chi, chi theo hình thức lệnh chi tiền, Chi chuyển giao giữa các cấp ngân sách...
Kết luận buổi họp, Chủ tịch Hội đồng thẩm định TS. Hà Thị Mỹ Dung cho biết, kiến thức về “Quản lý NSNN” rất rộng trong khi đề cương giáo trình được Ban biên soạn xây dựng chỉ có 32 tiết là hơi ngắn. Do vậy, đề nghị Ban biên soạn cần tìm hiểu và dựa theo quy định của Nhà nước để biên tập lại thời lượng giáo trình thành 40 tiết. Đồng thời, yêu cầu ban biên soạn tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, hoàn thiện giáo trình trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành./.
Thanh Trang