Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra

10/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 09/01/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội bế mạch Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.  

Toàn cảnh buổi bế mạc

Tham dự phiên bế mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu khách mời.

Về phía Quốc hội có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn và các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn tham dự phiên bế mạc.
 
Sau 04 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 Luật, 03 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc

Theo đó, Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Đối với công tác nhân sự, căn cứ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với ông Phạm Bình Minh và ông Lê Minh Chuẩn; phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam và phê chuẩn việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và ông Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục đúng quy định…
 
Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ tài liệu, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350 lượt đại biểu phát biểu qua 03 phiên thảo luận Tổ, 02 phiên thảo luận Đoàn và 07 phiên họp toàn thể. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua 01 và 03 Nghị quyết và hoàn thành công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ucraina còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong Quý IV/2022 chỉ tăng 3%; vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm. Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh đã bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. “Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và từng người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đặc biệt, cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn và dài hạn bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ và có hệ thống. Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để chấn hưng và phát triển văn hóa như Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển nhanh và bền vững” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm thực hiện đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, chủ động góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão tươi vui, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới ngay từ cơ sở và mỗi gia đình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
 
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung, chương trình của Kỳ họp, góp phần quan trọng làm nên thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội. “Việc Quốc hội xem xét, quyết định 05 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định./.
\
Buổi sáng ngày 9/1/2023, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 25, Điều 104, Điều 11 và toàn bộ Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau:
Về Điều 25 quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia: có 481 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96.98% tổng số ĐBQH), trong đó có 382 đại biểu tán thành (bằng 77.02% tổng số ĐBQH); có 79 đại biểu không tán thành (bằng 15.93% tổng số ĐBQH); có 20 đại biểu không biểu quyết (bằng 4.03% tổng số ĐBQH).
+ Về Điều 104 quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh: có 482 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97.18% tổng số ĐBQH), trong đó có 418 đại biểu tán thành (bằng 84.27% tổng số ĐBQH); có 31 đại biểu không tán thành (bằng 6.25% tổng số ĐBQH); có 33 đại biểu không biểu quyết (bằng 6.65% tổng số ĐBQH).
+ Về Điều 11 quy định về quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh: có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.96% tổng số ĐBQH), trong đó có 381 đại biểu tán thành (bằng 76.81% tổng số ĐBQH); có 55 đại biểu không tán thành (bằng 11.09% tổng số ĐBQH); có 35 đại biểu không biểu quyết (bằng 7.06% tổng số ĐBQH).
+ Về toàn bộ Luật: có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.36% tổng số ĐBQH), trong đó có 386 đại biểu tán thành (bằng 77.82% tổng số ĐBQH); có 51 đại biểu không tán thành (bằng 10.28% tổng số ĐBQH); có 36 đại biểu không biểu quyết (bằng 7.26% tổng số ĐBQH).

Khánh Vy
 
 

Xem thêm »