Kiểm toán nhà nước ban hành Chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

26/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Mới đây, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đã ký ban hành Chương trình hành động của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023, áp dụng tại các đơn vị trực thuộc KTNN, gồm: Các đơn vị dự toán thuộc KTNN, khối cơ quan KTNN, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc KTNN.

Chương trình nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nguồn nhân lực trong toàn Ngành. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành về THTK, CLP trong công tác chuyên môn, nhiệm vụ được giao và trong cuộc sống hàng ngày. Đưa công tác THTK, CLP trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên ở tất cả các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc KTNN.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc THTK, CLP tại các đơn vị được kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.

Chương trình hành động của KTNN về THTK, CLP năm 2023 nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ tại các đơn vị làm cơ sở để sơ kết, tổng kết kết quả THTK, CLP của toàn Ngành; đẩy mạnh việc thực hiện chống lãng phí trong năm 2023, thông qua thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm; THTK, CLP phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi; phải đảm bảo thực chất, có kết quả cụ thể, gắn với việc đánh giá, kiểm tra theo quy định.

THTK, CLP phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi; phải bảo đảm thực chất, có kết quả cụ thể, gắn với viêc đánh giá, kiểm tra theo quy định. Đồng thời phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hướng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Thường xuyên theo dõi, tổng hợp nhận định tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó có những biện pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả THTK, CLP.

THTK, CLP là trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Chương trình đề ra một số chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, cụ thể:

Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước: Các đơn vị trực thuộc KTNN phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu… Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng các khoản chi ngân sách Nhà nước.

Đồng thời tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Từng bước giảm chi hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình, nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, chế độ chi tiêu, nhất là chi phí công tác phí, tiền xăng xe đi công tác, chi điện nước, chi quản trị trụ sở và các chi phí khác.

Triệt để tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm, thực hiện nhận văn bản chỉ đạo qua mạng công nghệ thông tin để hạn chế in, sao chụp giấy tờ không cần thiết, tăng cường tận dụng giấy in 02 mặt.

Đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm chi phí thường xuyên, đặc biệt là chi phí phục vụ Đoàn kiểm toán gồm chi phí đi lại, tiền phòng ngủ.

Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: Chỉ thực hiện phân bổ vốn năm 2023 cho các dự án khởi công mới khi đảm bảo hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư của dự án; các dự án chuyển tiếp tuân thủ thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm B theo quy định; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các Nghị định hướng dẫn Luật.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, đối tượng theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật, đúng tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân; hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công…

Trong quản lý, sử dụng tài sản công: Tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công; tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, bảo đảm sử dụng đúng mục đích theo chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi thanh lý tài sản công.

Tiếp tục thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chí, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức về quản lý, sử dụng tài sản công làm cơ sở lập kế hoạch, dự toán, quản lý, bố trí sử dụng, xử lý tài sản công theo đúng quy định.

Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo đúng mục đích đồng thời khuyến khích, tăng cường ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả.

Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động: Hoàn thành việc rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định số 77-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về biên chế của KTNN giai đoạn 2022-2026; Nghị quyết số 583/NQ-UBTVQH15 ngày 30/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giao biên chế của KTNN giai đoạn 2022-2026, Đề án tổ chức và biên chế của KTNN đến 2021 và tầm nhìn 2030, Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Khắc phục tình trạng giảm biên chế cơ học, cào bằng, đảm bảo bố trí biên chế phù hợp với từng loại hình tổ chức và từng địa bàn.

THTK, CLP đối với từng cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức: Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong KTNN phải gương mẫu chấp hành các quy định của Luật THTK, CLP; Chương trình hành động của KTNN về THTK, CLP năm 2023; sử dụng tiền và tài sản của cơ quan được giao đúng mục đích, đúng định mức, tiêu chuẩn; tiết kiệm tiêu dùng cá nhân trong dịp lễ tết, việc cưới, việc tang và lễ hội; khuyến khích gia đình và người thân thực hành tiết kiệm trong đời sống hàng ngày; tham gia đề xuất các biện pháp, giải pháp THTK, CLP của cơ quan về phần việc được phân công.

Cải cách thủ tục hành chính: Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính và thủ tục hành chính, trọng tâm là thường xuyên rà soát, sửa đổi các quy trình, quy định nhằm đơn giản hóa, giảm các thủ tục mang tính hình thức, các khâu trung gian. Các đơn vị quy định quy trình xử lý, xác định rõ trách nhiệm giải quyết công việc từ cấp chuyên viên, cấp phòng, cấp vụ để đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc. Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của KTNN và cụ thể hóa quy chế làm việc của từng đơn vị trực thuộc KTNN.

Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động kiểm toán, thường xuyên sửa đổi, bổ  sung đề cương, quy trình, hồ sơ mẫu biểu để rút ngắn thời gian kiểm toán gắn với đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp…

Đối với việc phát hiện và ngăn chặn lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán: Lãnh đạo đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Lãnh đạo Đoàn kiểm toán cần chỉ đạo và điều hành cuộc kiểm toán theo đúng mục tiêu kiểm toán đã được phê duyệt, trong đó đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực việc thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Quốc hội về THTK, CLP tại các đơn vị kiểm toán; kiểm tra việc sử dụng ngân sách tại các đơn vị theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức, dự toán; kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân và thực hiện chế độ trách nhiệm đối với thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong quản lý điều hành ngân sách để xảy ra thất thoát, lãng phí, sai chế độ; phát hiện và làm rõ trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyển xử lý sai phạm của các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Các KTNN chuyên ngành và khu vực cần đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, đánh giá hiệu quả, hiệu lực Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, kiểm toán lĩnh vực đầu tư công, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, lĩnh vực quản lý tiền và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, kiểm toán các lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm như: Khoa học công nghệ, chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý nợ công…

Các Đoàn kiểm toán, Kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán cần tích cực và chú trọng phát hiện những hành vi, biểu hiện tham nhũng, thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước, tiền và tài sản Nhà nước để góp phần thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật THTK, CLP. Kiến nghị Tổng Kiểm toán nhà nước về việc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra và các cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.

Tăng cường kiến nghị đối với các cơ quan Nhà nước về sửa đổi cơ chế, chính sách tạo điều kiện thực hiện tốt công tác THTK, CLP trong lĩnh vực được kiểm toán.

Tổ chức công bố công khai kế hoạch kiểm toán, báo cáo kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định của pháp luật nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước./.

M. Thúy

Xem thêm »