Kiểm toán nhà nước xây dựng quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng 

17/03/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 16/3/2023, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, KTNN tổ chức cuộc họp trực tuyến cho ý kiến về dự thảo quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ đạo cuộc họp

Cuộc họp có sự tham dự của các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Tuấn Anh, Doãn Anh Thơ, Đặng Thế Vinh và Hà Thị Mỹ Dung; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN.

Báo cáo tại cuộc họp về dự thảo Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (Quy trình), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Phú Thọ cho biết, Quy trình được ban hành nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN; tạo khuôn khổ pháp lý để tổ chức các công việc trong một cuộc kiểm toán, hoạt động của Đoàn kiểm toán; làm căn cứ để xây dựng hướng dẫn kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán...

Đối tượng áp dụng là các đơn vị trực thuộc KTNN được giao tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán, các Đoàn kiểm toán của KTNN, thành viên Đoàn kiểm toán, các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng kiểm toán và các cá nhân, đơn vị có liên quan. 

Dự thảo gồm 24 điều quy định về quy trình kiểm toán áp dụng từ bước chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Thảo luận, góp ý hoàn thiện dự thảo Quy trình, các ý kiến tập trung trao đổi, thảo luận về: Cơ sở pháp lý đối với việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các cuộc kiểm toán dấu hiệu tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền của KTNN không cho phép xác minh, làm rõ dấu hiệu phạm tội. Việc kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thường rất phức tạp và có liên quan đến nhiều đối tượng, đặc biệt là khó khăn trong việc thu thập bằng chứng tại các đơn vị, cá nhân có liên quan đến đơn vị được kiểm toán. 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN được coi là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng và được thể hiện rõ trong nhiều văn bản của Đảng, pháp luật có liên quan. Do đó, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN phải thể hiện rõ hơn vai trò phòng chống tham nhũng  thông qua hoạt động kiểm toán.

Đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng là nhiệm vụ khó, yêu cầu đặt ra cao, song nhiều quy định về quyền tiếp cận kiểm toán để làm rõ dấu hiệu tham nhũng còn hạn chế. Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu trước mắt, các đơn vị tiếp tục thực hiện trên tinh thần “dựa trên nguồn lực và các quy định hiện hành của KTNN, bằng hết khả năng, trách nhiệm của KTNN”.

Vì vậy, để hoạt động kiểm toán đối với các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thuận lợi,Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu cần nhanh chóng hoàn thiện quy trình, trong đó nhấn mạnh vào việc củng cố hồ sơ, bằng chứng kiểm toán sử dụng các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán. Việc xây dựng quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đòi hỏi cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính khả thi của quy định sau khi ban hành và triển khai thực hiện. 

Tổng Kiểm toán nhà nước lưu ý, trên cơ sở các ý kiến góp ý, Vụ Pháp chế tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến góp ý và hoàn thiện Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét./.

Ngọc Bích
 

Xem thêm »