Tổng sản phẩm trong nước quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022

30/03/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, khu vực dịch vụ tăng 6,79%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2023 tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung của Việt Nam

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).

Đáng chú ý, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 đã phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 ước tính giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Chỉ số IIP ước tính giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%). Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I/2023 giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2023 là 81,1% (bình quân quý I/2022 là 79,9%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2023 theo giá hiện hành ước đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) quý I/2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán năm và tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi NSNN quý I/2023 ước đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán năm và tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,44 tỷ USD, tăng 238,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 5,66 tỷ USD, giảm 4,3%. Nhập siêu dịch vụ quý I/2023 là 216 triệu USD.
 

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2023 ước đạt 583,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong quý I/2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn. Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, mức tăng trưởng của quý I/2023 chưa đạt được mức tăng trưởng cao, nhưng là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn tồn tại. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với những khó khăn như: Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người nuôi có nguy cơ thua lỗ; sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm.

Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, trước khó khăn, thách thức của kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ngành hàng xuất khẩu để giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyền thống và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư công; thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất; thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm lãi suất huy động và cho vay, giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm 2023 tăng trưởng 6,5% thì quý I và quý II cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý I/2023 chỉ ước đạt 3,32%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo giảm; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. “Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%” – bà Nguyễn Thị Hương nhận định./.

Khánh Vy
 

Xem thêm »