Thảo luận về Luật Giá (sửa đổi): Cần cân bằng giữa yếu tố thị trường và yếu tố quản lý của Nhà nước để hoàn thiện dự án Luật

06/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 06/4/2023, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận, đã có 12 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu, các ý kiến đều đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nghiêm túc; các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về mặt khoa học và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đề nghị cần cân bằng giữa yếu tố thị trường và yếu tố quản lý của Nhà nước để hoàn thiện dự án Luật như: Áp dụng các khái niệm, giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật, tính đồng bộ thống nhất với các Luật khác; các hành vi bị cấm; bình ổn giá, thẩm định giá, định giá; nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá; thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá; nguyên tắc căn cứ phương pháp, tiêu chí thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; Quỹ bình ổn xăng dầu, giá dịch vụ y tế…

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tán thành việc dự thảo Luật có quy định về mặt hàng bình ổn giá, trong trường hợp đặc biệt thì không giao cho Chính phủ, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định các mặt hàng theo đề xuất của Chính phủ để đảm bảo khách quan. “Giá là vấn đề tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, do đó cần quy định cụ thể ngay trong Luật để đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của nhà nước” – đại biểu nhấn mạnh.

Đối với Quỹ bình ổn xăng dầu, đại biểu cho rằng nên giao Nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính quản lý, không giao doanh nghiệp, để đảm bảo tính công bằng. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để có phương pháp quản lý tốt hơn. Về lâu dài, cần có lộ trình để dần đảm bảo giá xăng dầu được điều chỉnh hợp lý theo giá thị trường.

Liên quan đến nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy định về Quỹ bình ổn giá là cần thiết nhưng cần có quy định rõ cơ chế quản lý, vận hành Quỹ này một cách công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích 3 bên: Nhà nước doanh nghiệp và nhân dân.

Theo đại biểu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua có nhiều bất cập. Đây là quỹ ngoài ngân sách, được trích lập và sử dụng bởi doanh nghiệp nhưng lại theo quyết định của cơ quan Nhà nước là Bộ Công thương. Quỹ thực chất là sử dụng tiền của dân, nhưng quản lý lại bởi doanh nghiệp trích lập do đó khó bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng.

Về danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị rà soát kỹ và đánh giá tác động kỹ với danh mục này. Đại biểu chỉ rõ thực tiễn đã có những mặt hàng rất thiết yếu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nhưng lại không đưa vào danh mục. 
 

Đại biểu Tạ Văn Hạ thảo luận tại Hội trường

Đánh giá cao việc dự thảo Luật đã bổ sung thêm một số hàng hóa do Nhà nước định giá, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị đơn vị soạn thảo cần thuyết minh thêm, làm rõ nguyên nhân của việc bổ sung các loại hàng này vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Đồng thời, rà soát lại tên của các loại mặt hàng để đảm bảo tính chính xác, đồng bộ.

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh , Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết, về hoạt động thẩm định giá của Nhà nước, dự thảo Luật quy định quy định chưa chặt chẽ về trách nhiệm, năng lực chuyên môn của thành viên Hội đồng thẩm định giá. Cụ thể, Điều 59 của dự thảo Luật quy định: Thẩm định giá của Nhà nước được thực hiện trong trường hợp pháp luật quy định sử dụng phương thức thẩm định giá của Nhà nước làm một trong các cơ sở để người có thẩm quyền xem xét quyết định hoặc phê duyệt giá. Điều 60 của dự thảo Luật quy định, Hội đồng thẩm định giá phải có tối thiểu 03 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng của người thành lập Hội đồng. Hội đồng phải có ít nhất 50% thành viên bao gồm Chủ tịch Hội đồng có một trong các chứng nhận chuyên môn.

Đại biểu đề nghị cần quy định rõ tất cả các thành viên Hội đồng thẩm định giá đều cần có các chứng nhận chuyên môn đầy đủ, để đảm bảo tất cả đều có đủ năng lực chuyên môn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các ý kiến, nhận định, đánh giá chuyên môn của mình, đồng thời cũng cần liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình, đảm bảo việc thẩm định giá được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị phải quy định về thành phần Hội đồng thẩm định giá để có thể an tâm về chất lượng của Hội đồng.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho biết, qua nghiên cứu các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, một trong những vấn đề nổi lên là việc thẩm định giá, thổi giá cao, đặc biệt với thiết bị y tế. Đại biểu cho rằng, tình trạng trên xảy ra do có lỗ hổng trong quy định pháp luật ở Luật Giá hiện hành.

Nhận thức điều đó, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi các điều khoản này để khắc phục những bất cập hiện hành, cụ thể ở Điều 47, Điều 53. Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ hơn nữa về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thẩm định viên. 

Đại biểu nêu rõ, cần có cơ chế kiểm soát, đảm bảo chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin giữa các bên liên quan trong vấn đề thẩm định giá. Bên cạnh đó, điểm c khoản 2 quy định: Thẩm định viên về giá có nghĩa vụ Giải trình hoặc bảo vệ Báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba được sử dụng Báo cáo kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu; giải trình Báo cáo kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật. 

Đại biểu cho rằng, để bảo vệ cán bộ, tránh trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm, cần quy định bắt buộc phải báo cáo kết quả thẩm định giá, chứ không phải chí có báo cáo khi yêu cầu, để đảm bảo hậu kiểm đầy đủ chặt chẽ trong thẩm định giá, phòng ngừa trường hợp thông đồng thao túng giá gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, trong chiều 05/4/2023, báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất bỏ 3 Điều; bổ sung 5 Điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 4 nội dung của các Luật có liên quan; bổ sung thêm Phụ lục số 1 quy định Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đáng chú ý, về bình ổn giá, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, theo đó cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong Luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa bình ổn giá.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nhấn mạnh, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong luật cũng nhằm khắc phục tình trạng “Luật khung, Luật ống”.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật cũng quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cho giữ như quy định của Luật hiện hành.

Liên quan Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo tán thành sự cần thiết phải duy trì quỹ này trong điều kiện hiện nay, vì Quỹ bình ổn là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Một nguyên nhân khác là thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước; quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở… Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ./.

M. Thúy

Xem thêm »