Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

12/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều ngày làm việc ngày thứ 2, phiên họp 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2024. Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự phiên họp.

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành nội dung phiên họp

Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội, UBTVQH không ngừng thực hiện mục tiêu “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đến nay, các nhiệm vụ theo Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
 
UBTVQH đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội bám sát Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022 và năm 2023 để chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ được giao với nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực đối với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước, được Nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận. 
 
Trong báo cáo Tổng Thư ký Quốc hội đã đánh giá cụ thể 8 nội dung đã triển khai, đối chiếu với 7 hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, 10 hoạt động giám sát của UBTVQH, 6 hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các hoạt động giám sát của các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
 
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và sắp xếp lần lượt theo thứ tự số lượng đề xuất từ cao xuống thấp.
 
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến đề xuất 07 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH lựa chọn 05 chuyên đề, trình UBTVQH lựa chọn 04 chuyên đề, trình Quốc hội lựa chọn 02 chuyên đề (02 chuyên đề còn lại giao UBTVQH giám sát và báo cáo Quốc hội).
 
Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH xem xét, lựa chọn 4 trong 5 nội dung chuyên đề giám sát cụ thể:
 
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
 
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.
 
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
 
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
 
Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
 
Với 04 chuyên đề được lựa chọn, UBTVQH sẽ trình Quốc hội lựa chọn 02 chuyên đề để giám sát tối cao (02 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội).
 
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đối chiếu với Luật để xem xét thêm về tính toàn diện trong báo cáo, cũng như về 8 nội dung đã triển khai và những trọng tâm, trọng điểm như trong báo cáo.  Trong năm 2022, 2023, các hoạt động giám sát của Quốc hội đều có tác động rất lớn, quá trình giám sát giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, các cơ quan có chuyển biến, do đó cần đánh giá thêm để khẳng định tính hiệu quả của hoạt động giám sát.
 
Thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung trong báo cáo và cho rằng báo cáo đã đánh giá được tổng thể, toàn diện, thể hiện rõ những ưu điểm và hạn chế trong hoạt động triển khai thực hiện giám sát; vác ý kiến cũng cơ bản đồng tình với việc lựa chọn chuyên đề cho năm tiếp theo; một số ý kiến đề nghị cần có đánh giá tổng thể, toàn diện hơn, nêu rõ hơn nữa những tồn tại, hạn chế, những nội dung đã có quy định, có chỉ đạo nhưng thực hiện không tốt để có phương án, giải pháp khả thi để nâng cao hiệu quả giám sát.
 
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, các ý kiến của các đại biểu cho rằng cần chú trọng công tác hậu giám sát; quan tâm hơn nữa đến việc đôn đốc thực hiện các kiến nghị, đặc biệt là các Nghị quyết giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH; sau phiên giải trình, chất vấn cần có văn bản kết luận chính thức, hoặc Nghị quyết đề xuất chi tiết và có thời hạn cụ thể để cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đặt ra.

Về cách thức tiến hành giám sát thực tiễn ở các địa phương, cần chọn địa điểm khảo sát, giám sát một cách kỹ lưỡng, có trọng điểm; làm rõ những vấn đề cần làm rõ trước khi giám sát; giảm số lần giám sát trùng lặp, qua đó rút ngắn thời gian, tăng tính hiệu quả của việc khảo sát thực tế.

Để việc giám sát thực tế phát huy hiệu quả, đòi hỏi công tác chuẩn bị, nghiên cứu văn bản, tổng hợp tài liệu phải thực hiện hết sức kỹ lưỡng, để Đoàn giám sát nắm vững được các vấn đề cơ bản từ trước khi đi khảo sát, để việc giám sát ở địa phương không chỉ là hoạt động hình thức, mà phải đi sâu vào các vấn đề trọng điểm. Sau khi chính thức đi khảo sát, cần giữ liên lạc với địa phương để tiếp tục theo dõi thêm, đi đến cùng vấn đề. 

Về việc lựa chọn chuyên đề giám sát, nên cân nhắc chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, để đảm bảo trình tự hợp lý khi trong năm 2023, 2024, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Luật Đất đai và Luật Nhà ở; đề xuất trong năm 2025, Quốc hội tiến hành giám sát nội dung việc thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Năm 2025 đánh dấu 10 năm thực hiện SDGs, vì vậy, Quốc hội nên có tiếng nói đánh giá chung về đóng góp của Việt Nam đối với việc thực hiện các cam kết này.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung trong phần đánh giá chung của Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, UBTVQH. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội về tăng cường năng lực, hiệu lực của hoạt động giám sát là khâu trọng tâm, then chốt, hoạt động giám sát đạt kết quả tích cực, được Quốc hội, Nhân dân, cử tri ghi nhận; nêu rõ Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm xây dựng thể chế và pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát; chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu bổ sung thêm nội dung đánh giá về tồn tại, hạn chế trong báo cáo, bởi có lúc, có nơi vẫn chưa sâu sát trong hoạt động giám sát, nhất là tính phản biện trong hoạt động giám sát càng cao, càng kiến tạo phát triển phục vụ cho trước mắt và lâu dài; một số kiến nghị giám sát chuyên đề chưa sâu sát, thiếu thực tiễn, tính khả thi chưa cao; việc cử tổ công tác xuống địa phương thực hiện hiệu quả, nhưng cần giảm bớt phiền hà cho địa phương.

Về hoạt động chất vấn, giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường tổ chức hoạt động này, nhất là những vấn đề mới nổi lên; ông tác chuẩn bị tổ chức cần kỹ lưỡng hơn; nghiên cứu sau các phiên giải trình, chất vấn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có ban hành kết luận không? Trong báo cáo cũng cần đánh giá thêm công tác phối hợp bên trong với các cơ quan của Quốc hội, vai trò của các cơ quan như Kiểm toán, Thanh tra…
Chủ tịch Quốc hội cũng cho ý kiến về việc lựa chọn các chuyên đề giám sát, đề nghị thành viên UBTVQH thảo luận kỹ lưỡng để lựa chọn đúng, trúng với thực tiễn cuộc sống… Chủ tịch Quốc hội cho biết, cần khoanh phạm vi giám sát lại cho hẹp hơn, để đảm bảo giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sử dụng tốt các công cụ, số liệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để tiến hành giám sát.
 
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ý kiến trong UBTVQH cơ bản nhất trí với các nội dung mà Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày. Về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần nhấn mạnh những ưu điểm nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội; làm rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó để làm tốt các nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023 và trong năm 2024.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá sâu hơn về những tồn tại, hạn chế cũng như những vướng mắc, bất cập thật rõ ràng; giá trị lý luận và giá trị thực tiễn mang lại qua hoạt động giám sát; công tác điều phối, công tác chuẩn bị, huy động lực lượng, công tác phối hợp, phương pháp công tác của từng lực lượng… Ngoài ra, việc theo dõi các kiến nghị sau giám sát cũng cần phải có kế hoạch, thực hiện giám sát lại, giám sát đến cùng. 
 
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với các Ủy ban liên quan hoàn thiện nội dung, phạm vi giám sát của từng chuyên đề, đồng thời hoàn thiện Báo cáo, dự kiến Chương trình và dự thảo Nghị quyết kèm theo./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »