Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: việc xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, cho, biếu tặng trong phòng, chống dịch Covid – 19 và thanh quyết toán kinh phí trong phòng, chống dịch Covid -19 phải được giải quyết trong năm 2023. Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cũng cho biết, Đoàn giám sát sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ được ban hành các quy định khác với thông thường để giải quyết vướng mắc này.
Các đại biểu khẳng định, một trong những bài học kinh nghiệm quý giá đó là đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công tác phòng, chống dịch.
Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của Nhân dân, doanh nghiệp, chiến dịch ngoại giao vaccine đã được triển khai quyết liệt, thần tốc và đạt hiệu quả cao. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nước ta đã vận động được viện trợ nước ngoài gần 150 triệu liều vaccine, trị giá khoảng 1 tỷ USD, tương đương gần 24 nghìn tỷ đồng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. Các nguồn lực đóng góp bằng tiền, hiện vật có tổng giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2020 – 2022, chỉ riêng Bộ Y tế đã tiếp nhận được 2.496 máy thở chức năng cao, 4.530 máy thở thông thường, 2.294 hệ thống oxy dòng cao; 63 xe phục vụ tiêm chủng lưu động, 63 xe tải phục vụ vận chuyển vaccine, 106 hệ thống Realtiem PCR, hơn 18 triệu test kháng nguyên nhanh và RT – PCR; 33,8 triệu viên thuốc điều trị Covid - 19 và hàng nghìn túi thuốc F0. Bộ Công an cũng tiếp nhận hiện vật phục vụ công tác phòng, chống dịch tương đương 66,09 tỷ đồng. Bộ Quốc phòng tiếp nhận nhiều máy thở, máy đo nồng độ oxy máu, máy hút dịch, máy sát khuẩn tự động, máy lọc nước, bình xịt khử khuẩn, máy phun, phòng, chống dịch, đồ bảo hộ…. Bên cạnh đó là hàng triệu tình nguyện viên đã tham gia tuyến đầu, chung sức, đồng lòng cùng chính quyền các cấp chiến đấu và đẩy lùi dịch bệnh.
Chính vì vậy, ngay trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát đã nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và vinh danh những cá nhân, tập thể đã đóng góp sức người, của cải, vật chất cũng như trí lực cho công cuộc phòng, chống dịch Covid – 19. Những đóng góp này là vô cùng to lớn, không thể thống kê, báo cáo hết được bằng các báo cáo hành chính, thể hiện truyền thống và đạo lý nhân văn tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc và con người Việt Nam. Đây còn là thông điệp lớn lao và đầy ý nghĩa về tình yêu thương, lòng nhân ái, tương thân, tương ái và là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp mỗi người dân vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau đoàn kết vượt qua thời khắc khó khăn nhất của đại dịch Covid – 19.
Bên cạnh những thành quả vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch. Cụ thể là vướng mắc trong việc xác lập sở hữu toàn dân, đã được nhiều địa phương phản ánh như: nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị hàng tài trợ, giá trị tài trợ trong biên bản tài trợ có sự chênh lệch lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường và cổng thông tin của cơ quan chức năng, nên rất khó xác định giá trị tài sản xác lập sở hữu toàn dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn chứng, trong quá trình huy động nguồn lực phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp đã trao tặng ô tô, trang thiết bị, vật tư y tế, khẩu trang, kit test và các đơn vị được trao tặng đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo Nghị định 29/2018/NĐ – CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì phải xác lập sở hữu toàn dân trước mới được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, muốn làm thủ tục xác lập sở hữu toàn dân phải xác định được giá trị hàng hóa. Chính phủ lại chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ. "Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hợp pháp hóa tài sản được tài trợ, cho, biếu tặng đã được đưa vào sử dụng trong phòng, chống dịch Covid - 19?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Giải trình tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng thừa nhận, Chính phủ gặp khó trong việc xác định giá trị hàng tài trợ, cho, biếu tặng trong phòng, chống dịch Covid - 19 để xác lập sở hữu toàn dân. Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu quan điểm, vẫn tiếp tục xác định giá trị hàng hóa căn cứ theo giá mặt hàng tương đương được công bố, công khai trên thị trường hoặc Cổng thông tin của cơ quan chức năng, nhưng căn cứ vào giá tại thời điểm gần nhất được công bố, công khai khi tiếp nhận tài sản được tài trợ, cho, biếu tặng.
Một vướng mắc nữa liên quan đến số lượng vật tư, hóa chất, thuốc đã sử dụng, Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, trong giai đoạn cao điểm của phòng, chống dịch Covid- 19, vật tư hóa chất, thuốc men không được gắn cụ thể với từng bệnh nhân, từng hồ sơ bệnh án nên có sự chênh lệch giữa nhập kho và tồn kho, dẫn đến không quyết toán được số lượng vật tư, hóa chất, thuốc đã sử dụng. Ví dụ, nhập kho vào 100, sử dụng trên bệnh án là 20, nhưng tồn kho lại chỉ còn 10, nên gây ra vướng mắc trong thanh, quyết toán kinh phí.
Nhấn mạnh chuyên đề giám sát của Quốc hội là nhằm đồng hành với Chính phủ tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, cho, biếu tặng trong phòng, chống dịch Covid – 19 không thể áp dụng như quy định tại Nghị định 29 của Chính phủ, vì đây là tình huống phát sinh, tài sản được tài trợ, cho, biếu tặng trong điều kiện đặc biệt. Vì thế, trong điều kiện bất thường, giải pháp của Chính phủ không thể cứ theo lẽ thông thường vì theo lẽ thông thường thì không thể làm được.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, xác lập sở hữu toàn dân đối với tài sản được tài trợ, cho, biếu tặng trong phòng, chống dịch Covid – 19 và thanh quyết toán kinh phí trong phòng, chống dịch Covid -19 phải được giải quyết trong năm 2023. Trong dự thảo Nghị quyết về chuyên đề giám sát, Đoàn giám sát của Quốc hội sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ được ban hành các quy định khác với thông thường để giải quyết vướng mắc này.
Hà Linh