Nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”

20/04/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 20/4/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam” do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn làm chủ nhiệm đề tài.

GS.TS Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thành viên chính Ban Đề tài báo cáo trước Hội đồng

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Thay mặt Ban Đề tài báo cáo trước Hội đồng, GS.TS Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, thành viên chính Ban Đề tài cho biết: Tham nhũng, tiêu cực, lãng phí (TNTCLP) là vấn đề lớn của mọi quốc gia, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, hiệu lực, hiệu quả của quản lý sử dụng tài chính, tài sản công (TCTSC). Vì vậy, phòng, chống TNTCLP là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

KTNN là cơ quan công quyền, có vị trí ngoại kiểm đối với các tổ chức quản lý, sử dụng TCTSC, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là thực hiện hoạt động kiểm toán để góp phần phòng, chống TNTCLP. Do đó, trong quá trình phát triển và hoạt động, KTNN ngày càng chú trọng đến việc tham gia, phát huy vai trò đối với công tác phòng, chống TNTCLP thông qua việc không ngừng hoàn thiện pháp luật, các phương pháp nghiệp vụ kiểm toán, nâng cao năng lực công nghệ và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên.

Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán cho thấy, mặc dù KTNN đã đạt được những đóng góp nhất định trong phòng, chống TNTCLP, song kết quả còn nhiều hạn chế, vai trò của kiểm toán đối với phòng, chống TNTCLP còn chưa tương xứng với địa vị pháp lý của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng TCCTSC. “Trước những yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước đối với KTNN trong công cuộc phòng, chống TNTCLP, KTNN phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện một cách hệ thống, toàn diện cả về mặt pháp luật và hoạt động thực tiễn; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN; tổ chức hoạt động và phương pháp, công nghệ kiểm toán… đối với phòng, chống TNTCLP. Từ đó, tiếp tục đổi mới, phát huy ngày càng đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả đối với phòng, chống TNTCLP với vị thế là một công cụ kiểm tra, kiểm soát mạnh và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước” – ông Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh.

Trên cơ sở nghiên cứu, phát triển về lý luận, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng của Việt Nam về pháp luật KTNN trong phòng, chống TNTCLP, Ban Đề tài đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật KTNN góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống TNTCLP ở Việt Nam.

Theo GS.TS Đoàn Xuân Tiên, sản phẩm của đề tài sẽ giúp cho Nhà nước và xã hội nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát việc quản lý TCTSC nói chung, cơ quan KTNN nói riêng đối với phòng, chống TNTCLP;  góp phần tham gia vào các đề án hoàn thiện pháp luật KTNN đối với phòng, chống TNTCLP; tạo lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện Chuẩn mực KTNN và các hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng các mô hình, phương thức tổ chức, phương pháp nghiệp vụ kiểm toán trong phòng, chống TNTCLP.

Đồng thời, tạo cơ sở định hướng cho các đề tài khoa học nghiên cứu phát triển của KTNN và đào tạo sau đại học về các chủ đề nghiên cứu: Hoàn thiện vai trò, chức năng, các công cụ và nghiệp vụ của KTNN nói chung, của KTNN đối với phòng, chống TNTCLP nói riêng; góp phần xây dựng và hoàn thiện tài liệu giảng dạy, giáo trình phục vụ cho đào tạo KTVNN, đặc biệt là đào tạo nghiệp vụ về kiểm toán trong phòng, chống TNTCLP.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, các công trình khoa học có liên quan, đề tài gồm 4 chương: Chương 1 – Cơ sở lý luận về hoàn thiện pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống TNTCLP ở Việt Nam; Chương 2 – Kinh nghiệm quốc tế về phòng chống TNTCLP của cơ quan KTNN và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; Chương 3 – Thực trạng pháp luật KTNN và hoạt động của KTNN trong phòng, chống TNTCLP; Chương 4 – Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống TNTCLP.
 

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu

Nhận xét về Đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, Đề tài đã được tổ chức nghiên cứu một cách bài bản, nghiêm túc, công phu; các số liệu, ví dụ chứng minh được sử dụng từ các báo cáo công tác, báo cáo khoa học nên đảm bảo tính đại diện, có độ tin cậy, xác thực; các nguồn tư liệu được sử dụng trong báo cáo đã nêu rõ nguồn tư liệu trích dẫn bảo đảm tính khoa học. Các luận điểm, khái niệm được phân tích rõ ràng, lập luận đảm bảo tính logic làm sáng tỏ vấn đề nghiên cứu, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu. Cách giải quyết vấn đề triệt để, có chỉ rõ lộ trình thực hiện các giải pháp hoàn thiện pháp luật KTNN liên quan đến phòng, chống TNTCLP ở Việt Nam…

Đề Đề tài hoàn thiện và nâng cao hơn nữa giá trị khoa học, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài cần nghiên cứu, làm rõ hơn đối tượng nghiên cứu đồng thời rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong sử dụng thuật ngữ; tính nhất quán giữa lý luận và thực tiễn, giữa hạn chế và kết quả đạt được với giải pháp khắc phục và phát huy…

Một số khái niệm, thuật ngữ và nội dung cần biên tập lại cho rõ ràng, logic và phù hợp với tiêu đề; phần kinh nghiệm quốc tế nên được luận giải rõ hơn để gắn với mô hình Nhà nước, cơ chế vận hành và đặc thù quản lý ngân sách của các nước, đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa KTNN và cơ quan phòng, chống tham nhũng, từ đó có cơ sở để rút bài học kinh nghiệm cho KTNN.

Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vai trò, nhiệm vụ của KTNN góp phần thực hiện việc phòng ngừa TNTCLP. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ “phái sinh” trong hoạt động kiểm toán, từ đó, đề xuất các giải pháp tập trung vào việc nâng cao năng lực của KTNN trong phòng ngừa TNTCLP…

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở thống nhất xếp loại Xuất sắc./.

M. Thúy

Xem thêm »