Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

09/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 08/5/2023, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” (3 Chương trình mục tiêu quốc gia) làm việc với Ủy ban Dân tộc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi làm việc

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; các thành viên Đoàn giám sát, khách mời tham gia Đoàn giám sát… Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, đại diện Lãnh đạo KTNN chuyên ngành IV, chuyên ngành V cùng dự họp.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Ủy ban Dân tộc và Tổ công tác về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình) được tích hợp từ 118 chính sách cụ thể của giai đoạn 2016 – 2020, kết hợp với một số chính sách mới được thiết kế tổng cộng thành 10 dự án, 14 tiểu dự án và các nội dung chính sách thành phần.

Qua đánh giá, các dự án, tiểu dự án, nội dung chính sách thuộc Chương trình đã được xây dựng theo đúng quan điểm, mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp và cơ chế quản lý điều hành quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, đến giữa năm 2022, công tác phân bổ và giao vốn mới hoàn thành từ cấp Trung ương, do vậy thời gian để các địa phương hoàn thành quy trình, thủ tục phân bổ, giao vốn, tổ chức thực hiện theo đúng quy định là rất ít. Việc Trung ương bố trí vốn muộn so với thời hạn lập dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm nên các địa phương gặp khó khăn trong cân đối xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện Chương trình…

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Luật Đầu tư công quy định về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 5 năm, tuy nhiên Luật NSNN không quy định cụ thể việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn NSNN giai đoạn 5 năm nên nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mới được giao năm 2022, chưa giao cả giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, địa phương không xác định được tổng thể nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và gặp nhiều khó khăn về xây dựng các dự án sử dụng vốn sự nghiệp để thực hiện Chương trình, nhất là việc lựa chọn, xác định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có vòng đời thực hiện trên 1 năm kế hoạch…
 

Các đại biểu dự họp

Trình bày Báo cáo của Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho rằng, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc thúc đẩy thực hiện Chương trình, chủ động hướng dẫn, giải thích những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách của Trung ương liên quan đến việc thực hiện mỗi dự án, với từng nội dung cụ thể. Đối với việc giải ngân, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, số liệu báo cáo cho thấy đã đạt 43,76% trong năm 2022 là khá cao. Tuy nhiên, Ủy ban Dân tộc cần tiếp tục làm rõ việc phân bổ vốn, giao vốn đã khớp với tiến trình, quy trình về việc phân bổ vốn hay chưa, tiêu chí phân bổ vốn có gì bất cập hay không?

Thảo luận về nội dung này, đa số các ý kiến đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Ủy ban Dân tộc với vai trò là cơ quan thường trực và các Bộ, ngành liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030. Đây là Chương trình lớn đầu tiên tích hợp 118 chính sách dân tộc, đã hình thành nên hệ thống chính sách dân tộc tương đối toàn diện nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN.

Các ý kiến cũng nêu một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, trong đó hệ thống văn bản có nhiều nội dung gây khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện. Nhiều văn bản hướng dẫn cũng dẫn chiếu tới nhiều văn bản, thông tư khác nhau, có nội dung dẫn chiếu không đầy đủ, không thống nhất, điều này cho thấy sự phức tạp, thiếu thực tiễn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành địa phương trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, đã từng bước khắc phục được lúng túng, bất cập trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện Chương trình, bước đầu thực hiện lồng ghép, phân cấp, phân quyền, hỗ trợ chuỗi sản xuất...

Tuy nhiên, để khắc phục những bất cập, hạn chế đã được Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát chỉ ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Ủy ban Dân tộc tích cực phối hợp với các Bộ, ngành sửa đổi các văn bản hướng dẫn còn vướng mắc, tránh dẫn chiếu nhiều nhưng vẫn không đủ rõ. “Cần thống nhất nhận thức là giảm thủ tục hành chính, không hướng dẫn lại văn bản cấp trên nhưng phải cụ thể hóa được văn bản cấp trên, cố gắng ban hành cẩm nang hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia" - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Quang cảnh buổi làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Dân tộc, các Bộ ngành tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn của các Chương trình mục tiêu quốc gia trong lồng ghép, phân cấp, phân quyền, điều chỉnh lại việc phân bổ ngân sách. Đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn NSNN cho các Chương trình mục tiêu quốc gia. Thực hiện cho được Công điện 71/CĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chiều cùng ngày, tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), báo cáo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình), Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Trần Thanh Nam nêu rõ, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã được ban hành đầy đủ; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được cấp có thẩm quyền giao cụ thể cho các địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuận lợi hơn trong tổ chức triển khai thực hiện, cũng như có căn cứ để xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn theo quy định.

Tính đến tháng 4/2022, cả nước có 6.009/8.211 xã (73,2%) đạt chuẩn NTM (tăng 4,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021); 258 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 45 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm 40,1% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT cũng cho biết, Chương trình đang gặp một số khó khăn như: Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương ban hành còn chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025. Một số văn bản sau khi ban hành đã phát sinh vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ, điều chỉnh như: vấn đề phân cấp, giao UBND, HĐND ban hành nội dung, định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương, quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình… Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới của một số Bộ, ngành chưa cụ thể, hoặc một số chỉ tiêu khó thực hiện ở một số địa bàn…

Trình bày Báo cáo của Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Tổ công tác cơ bản thống nhất với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình được thể hiện trong báo cáo của Bộ NN và PTNT. Cụ thể, việc ban hành, điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế, chính sách còn chậm so với yêu cầu thực tiễn. Trung ương giao vốn chậm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương. Một số địa phương chưa tích cực, chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí NTM và chưa thực sự phát huy hết nội lực trong nhân dân.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là Chương trình được triển khai nền nếp, có tốc độ giải ngân nhanh hơn so với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại. Bộ NN và PTNT đã rà soát việc triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn trước và rút kinh nghiệm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ NN và PTNT cần phân tích, làm rõ hơn về nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, thiếu văn bản hướng dẫn, hoặc văn bản hướng dẫn các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chồng chéo, chưa đồng bộ; tiếp tục quan tâm đến việc hướng dẫn xây dựng bộ tiêu chí quốc gia về NTM, nhất là tiêu chí về xã NTM, NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao phù hợp với đặc điểm từng vùng miền.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu Bộ NN và PTNT đánh giá kỹ hơn về vấn đề lồng ghép vốn cho việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đánh giá trong tổng thể 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai thực hiện thì Chương trình xây dựng NTM có phải là nền tảng hay không, qua đó đề xuất về nội dung lồng ghép, phương thức lồng ghép, cách thức điều phối, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ NN và PTNT tiếp tục phối hợp với với các Bộ, ngành có liên quan nhanh chóng sửa đổi Nghị định 27/2022/NĐ – CP quy định cơ chế quản lý tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; nghiên cứu, đề xuất thống nhất phương án thành lập Văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với thực tế địa phương./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »