Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

11/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng ngày 11/5/2023, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Dự thảo Nghị quyết gồm 18 điều, giữ nguyên như Nghị quyết số 85/2014/QH13, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 03 Biểu mẫu mới. Nội dung chủ yếu của Nghị quyết bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; mục đích, yêu cầu, nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm; phiếu sử dụng trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và việc xác định phiếu hợp lệ; kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; điều khoản thi hành.
 

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại phiên họp

Theo dự thảo Nghị quyết, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước.

Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ:

Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân.

Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Đáng chú ý, Ban Công tác Đại biểu của Quốc hội đề xuất bổ sung quy định đối với việc xin từ chức là không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm; đối với việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm; việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, phường ở nơi không có Hội đồng nhân dân thì kể từ thời điểm có đề nghị của Hội đồng nhân dân quận, thị xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định trong thời gian tối đa không quá 30 ngày.

Điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết là việc thể chế các nội dung của Quy định số 96-QĐ/TW về hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết; sửa đổi, bổ sung Điều 15 dự thảo Nghị quyết về hệ quả bỏ phiếu tín nhiệm cho phù hợp với hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Theo đó, bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "tín nhiệm thấp" thì xin từ chức.

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Ngoài ra, bổ sung quy định công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về mặt nội dung dự thảo, điều kiện để trình Quốc hội; về các nội dung cụ thể về phạm vi điều chỉnh, bố cục và cách thức thể hiện trong dự thảo; việc mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm so với Nghị quyết 85/2014/QH13; về quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm.

Trình bày báo cáo thẩm tra, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết. “Các nội dung quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm phù hợp với yêu cầu xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức có mức độ tín nhiệm thấp theo tinh thần của Quy định số 96-QĐ/TW và Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” - ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Thường trực Ủy ban Pháp đề nghị quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết trường hợp người giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn mà không còn được Quốc hội, HĐND tín nhiệm thì xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đang giữ.

Đồng thời cần giải rõ hơn cơ sở của việc xác định mốc thời hạn quy định trong dự thảo Nghị quyết là 10 ngày để người được lấy phiếu có mức tín nhiệm thấp xin từ chức và 30 ngày để UBND có thẩm quyền xử lý đối với trường hợp Chủ tịch UBND có mức tín nhiệm thấp.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết trên cơ sở ý kiến của UBTVQH./.

Khánh Vy
 

Xem thêm »