Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022 và tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2023

16/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 16/5/2023, tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai đã điều hành phiên họp của UBTCNS, cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 và tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2023 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh phiên họp

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Chí Trung, Kiểm toán nhà nước dự phiên họp.

Năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt mức 8,02%, các cân đối vĩ mô cơ bản được đảm bảo.
 
Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, trong đó ngân sách Trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán, trong đó 03 khoản thu chủ yếu của NSNN gồm thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.

Cụ thể: Thu nội địa vượt 21,8% dự toán, tăng 9,9%; thu từ dầu thô vượt 176% dự toán, tăng 74,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 43,9% dự toán, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bên cạnh đó, một số khoản thu có mức vượt khá so với dự toán như: Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vượt 38,5%, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2021, quyết toán thuế năm 2021 từ các hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán... được nộp trong quý I/2022; các khoản thu về nhà, đất vượt 54,5% do thị trường bất động sản duy trì đà phát triển từ cuối năm 2021, các địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý thu hồi nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so dự toán; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước tăng 17% chủ yếu do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nhiệp năm 2022 đã có sự hồi phục, đồng thời phát sinh khoản thu tiền cổ tức năm 2020 được chia trong năm 2022 của 2 ngân hàng Vietcombank và Vietinbank khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần tăng thu ngân sách cho lĩnh vực này.
 
Tuy nhiên, công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2022 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2023 cũng như nhiều năm gần đây chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và số đánh giá bổ sung. Nhiều khoản thu tăng rất cao như: Các khoản thu về nhà, đất tăng 57,1% so với dự toán; thu tiền cấp khai thác khoảng sản tăng 55,8% so với dự toán; thu khác ngân sách tăng 78,2% so với dự toán. Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách tài chính và xây dựng dự toán năm 2023. Do vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm.
 
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về công tác quản lý thuế, thu thuế dù đã được tăng cường, song nợ thuế vẫn còn cao với tổng nợ thuế nội địa đến ngày 31/12/2022 tăng 17,3% so với thời điểm 31/12/2021; đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục, tăng cường hiệu quả công tác hành thu, góp phần tăng thu NSNN.  

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhiều năm gần đây và đặc biệt năm 2022 không đạt yêu cầu, chỉ đạt khoảng 3,8/30 nghìn tỷ đồng; đề nghị Chính phủ cần có báo cáo thật cụ thể về vấn đề này, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ nhằm thúc đẩy công tác này.
 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng trình bày báo cáo 
 
Về thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2022, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục việc giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp trong nhiều năm liền; số chuyển nguồn qua các năm còn khá lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn, đề nghị Chính phủ báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn, kiên quyết không cho chuyển nguồn trái quy định của pháp luật.
 
Năm 2023, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022, tuy nhiên đây cũng là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn chung trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.

Những tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động và bất ổn; lạm phát toàn cầu mặc dù vẫn ở mức cao; phục hồi kinh tế chậm; suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn; nền kinh tế trong nước phục hồi chậm; năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế… là những nguyên nhân lớn dẫn đến rủi ro, thách thức, khó khăn lớn tới tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Vì vậy, các đại biểu cho rằng việc triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2023 còn khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là Bộ Tài chính và các cơ quan Thuế và Hải quan để có thể hoàn thành được mục tiêu Quốc hội đề ra.
 
Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023 để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số thu vào NSNN. Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển. Triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách đã được ban hành. Kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch. Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm. Tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí.
 
Tán thành với nội dung đánh giá bổ sung theo báo cáo của Chính phủ và các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, Thường trực UBTCNS ghi nhận các kết quả đạt được thời gian qua là rất đáng trân trọng với nhiều điểm sáng như số thu từ doanh nghiệp đạt khá nhờ hiệu quả của công tác điều hành thu của ngành Tài chính, Thuế, Hải Quan dưới sự chỉ đạo của Chính phủ. “Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại, chất lượng của công tác lập dự toán. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan song cũng có nguyên nhân chủ là chính các địa phương muốn xây dựng dự toán thấp, đề nghị các cơ quan nghiêm túc rút kinh nghiệm” – Bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Để tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, bà Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ về số nợ thuế tăng cao, số chuyển nguồn lớn và đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng một số nguồn lực như vốn ODA./.

Khánh Vy
 
 

Xem thêm »