Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

24/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nhất là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế; quy định về các hành vi bị cấm; các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu… là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trao đổi tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) vào sáng ngày 24/5/2023.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh nêu rõ: Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều. Qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý Dự thảo Luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất. Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng Luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các Luật có liên quan.

Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, nhất là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua.

Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu, góp phần hạn chế thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu.

Về các nội dung cụ thể của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết UBTVQH đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.

Nhiều ĐBQH quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này, nhằm giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, theo đó, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Cụ thể, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản liên quan về chỉ định thầu trong mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm; áp dụng tùy chọn mua thêm, mua sắm tập trung; Bổ sung quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế và chỉnh lý quy định về ưu đãi trong mua thuốc.
 
Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, làm việc với các Bộ, cơ quan liên quan, các chuyên gia, một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.

Cụ thể, chỉ định thầu sẽ được áp dụng trong các gói thầu gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, thiết bị y tế, vật tư y tế, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.
 
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Hội trường. 

Cùng với đó là gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ…

Những quy định này đã cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) vẫn còn những quy định tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ dẫn đến sai phạm do một số nội dung được quy định trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lại không tương thích với một số quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Theo đại biểu, tại Điều 23 quy định về chỉ định thầu. Điểm c, Khoản 1 có nêu các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, được hiểu là khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế chỉ được chị định thầu để mua, cấp cứu người bệnh.

Tuy nhiên, trong Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này. Hiện nay dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi)  lại nêu thực hiện theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Do vậy đề nghị thay thế cụm từ “cấp cứu người bệnh” thành “trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách”. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường cấp bách.

Liên quan đến vấn đề có nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tiếp tục được nhiều ĐBQH tranh luận.

Chính phủ đề xuất chỉ áp dụng đấu thầu đối với chọn nhà đầu tư, dự án với DNNN. Còn công ty con thuộc DNNN có vốn Nhà nước 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng tổng vốn Nhà nước trong dự án trên 500 tỷ đồng sẽ không phải đấu thầu. Từ đây có 2 loại ý kiến, ýkiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ vì cho rằng điều này nhằm đảm bảo quyền tự chủ, tự quyết định của doanh nghiệp.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định như dự thảo sẽ thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn Nhà nước phải đấu thầu, tạo khoảng trống pháp luật trong quản lý vốn Nhà nước.

Thảo luận nội dung này, ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đồng ý với ý kiến thứ nhất, đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN. Vì việc mở rộng đồng nghĩa với việc thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng.

Đại biểu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý DNNN vì còn có các cơ chế giám sát khác. Do đó, không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN.

Theo Đại biểu, nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của DNNN có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước. Đại biểu bày tỏ lo ngại sự tác động của việc áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của DNNN đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định trong Luật không thể là vòng kim cô để quản lý, mà yếu tố cuối cùng vẫn là con người. Khi DNNN đầu tư vào một doanh nghiệp khác có thể chỉ ký 5-10% vốn của doanh nghiệp nên phải chịu sự chi phối của Luật đấu thầu là không cần thiết.
 
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại Phiên họp

Hơn nữa, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng và khi đấu thầu không chỉ có tiền mà có rất nhiều yếu tố khác như thời cơ, thời gian, thậm chí quen biết cũng là một yếu tố có lợi. Vì vậy, đại biểu  thống nhất như phương án 1 của dự thảo Luật, chỉ quản lý DNNN, còn DNNN có 50% vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý bằng rất nhiều luật khác. Nếu xảy ra tham nhũng, tiêu cực đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra, không chỉ quản lý bằng Luật Đấu thầu.

Trong khi đó, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) lại cho rằng cần quy định hoạt động lựa chọn nhà thầu để lựa chọn thực hiện các gói thầu thuộc dự án đầu tư của DNNN theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn của DNNN trên 50% vốn điều lệ...

Theo Đại biểu, trên thực tế, nhiều DNNN đã sử dụng vốn của mình để thành lập các công ty con để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Với quan điểm ở nơi đâu có sử dụng vốn, tiền NSNN thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, với những doanh nghiệp mà ở đó có quyền chi phối thuộc về DNNN thì vẫn phải áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Qua đó sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của DNNN và nguồn vốn của DNNN đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà DNNN nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết trụ cột cho nền kinh tế…

Tiếp thu các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của UBTVQH.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện được đầy đủ hết tất cả những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế và nhiều nội quan quan trọng khác mà các đại biểu quan tâm.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu sử dụng vốn của Nhà nước, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết phương án của Chính phủ sẽ không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của Luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn Nhà nước. “Phương án Chính phủ trình đã phù hợp với cả các quan điểm của Nghị quyết của Trung ương 12, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, vừa đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đấu thầu của các DNNN, vừa đảm bảo hiệu quả quản lý của nhà nước tại tại các doanh nghiệp.”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận, đã có 16 lượt ý kiến phát biểu, 5 lượt ý kiến tranh luận tại hội trường. UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, đồng thời chỉnh lý hoàn thiện dự thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
 
Phương Ngọc
 

Xem thêm »